THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC CẤP LÝ LỊCH TƯ PHÁP.

CƠ QUAN NÀO THẨM QUYỀN CẤP LÝ LỊCH TƯ PHÁP?

Căn cứ Khoản 1 Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp quy định về thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp cụ thể:

1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

3. Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được ghi vào sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

THỦ TỤC CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP.

Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (gồm lý lịch tư pháp số 1 hoặc số 2) cần chuẩn bị các hồ sơ sau:

– 1 tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu)

– Bản sao CMND hoặc hộ chiếu

– Bản sao hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú/tạm trú

– Bản sao thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài).

Trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 phải nộp thêm văn bản ủy quyền (có công chứng nếu đương sự đang cư trú ở trong nước hoặc chứng nhận của cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nếu đương sự đang cư trú ở nước ngoài); và CMND hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền. Trường hợp người yêu cầu là cha, mẹ, vợ, chồng, con của đương sự thì không cần giấy ủy quyền.

Riêng cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 phải tự làm thủ tục chứ không được phép ủy quyền cho người khác làm.