Giải quyết tranh chấp đất khi không có giấy tờ chứng minh ?

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Đất trong vườn nhà tôi đã sử dụng hơn 30 năm nay nhưng không có giấy tờ chứng minh nào cả cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Mới đây tôi được biết mảnh đất của nhà tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà bên cạnh vào năm 2010 mà không qua ký tứ cận của gia đình tôi. Bây giờ dựa vào sổ đỏ người bên cạnh đòi trả đất cho họ thì tôi phải làm sao?

Trân trọng cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn văn phòng Luật sư Trung Hòa. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

  • Luật đất đai 2013
  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

2. Nội dung phân tích:

        Phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp mà vẫn giữ được tình cảm láng giềng giữa bạn và gia đình hàng xóm là hai bên nên tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được thì bạn có thể nhờ sự can thiệp của chính quyền.

Đầu tiên là thủ tục hòa giải tại địa phương nơi xảy ra tranh chấp. Tại điều 202 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

       Thủ tục hòa giải tại địa phương là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, nếu việc hòa giải tranh chấp đất đai tại xã không thành, bạn có tiến hành các bước tiếp theo. Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: 
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

        Nếu bạn lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND có thẩm quyền thì cần gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND cấp huyện nơi có mảnh đất đó, còn nếu chọn Tòa án thì gửi đơn ra tòa án cấp huyện nơi có bất động sản tranh chấp căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 33 và điểm c khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.”
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này;
…”
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
…”

       Bạn nên chuẩn bị những tài liệu chứng minh được rằng mảnh đất đó đã được gia đình nhà bạn sử dụng trong một thời gian dài (30 năm) và không xảy ra tranh chấp cho đến thời điểm hiện tại ví dụ như lời khai của những hộ dân sống xung quanh.