Luật sư – Nghề tâm và lý

Sau 75 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 46 chính thức khai sinh ra nghề Luật sư, trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay nghề Luật sư luôn là một trong những nghề cao quý và được tôn vinh nhất trong xã hội.

Nghề Luật sư là một nghề đã có một quá trình phát triển lâu dài, đầy thăng trầm tại Việt Nam. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các quyền cơ bản của con người. Điều này không những thể hiện ở Bản tuyên ngôn độc lập 02/09/1945 mà chỉ 38 ngày sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có động thái cho thấy sự cần thiết phải thay thế tổ chức luật sư cũ do Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của nước ta thời đó, bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi vướng vào vòng lao lý. Người ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư. Sắc lệnh 46/SL nêu rõ: “Cách tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ. Sắc lệnh ngày 25-5-1930 quy định tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này. Các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các tòa án’’. Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 đánh dấu một cột mốc đặc biệt trong việc hình thành quyền bào chữa và nghề luật sư. Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 149/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam. Đây tiếp tục là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về sự phát triển của nghề luật sư, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò và tôn vinh những đóng góp quan trọng của giới luật sư Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, đất nước ta.

Sau 75 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 46 chính thức khai sinh ra nghề Luật sư, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay nghề Luật sư luôn là một trong những nghề cao quý và được tôn vinh hàng đầu trong xã hội. Chúng ta thường nghe nói nghề cao quý của xã hội là bác sĩ, giáo viên mà quên nhắc đến nghề Luật sư. Nếu giáo viên cho ta tri thức, dạy ta nên người; bác sĩ giành giật sự sống con người với tử thần thì luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ta, đôi khi là người cứu chúng ta ra khỏi vũng lầy của oan sai, của án tử.

Trước đây, nói đến Luật sư, người ta thường nghĩ ngay đó là nghề “thầy cãi”. Đã xa rồi cái quan niệm người luật sư chỉ đi cãi nhau và cãi giùm người khác. Nghề Luật sư ngày nay đòi hỏi người hành nghề phải có tâm, tầm và kinh nghiệm thực tế nhất định. Luật sư không chỉ tranh tụng bảo vệ công lý, lẽ phải mà còn làm nhiều vai trò khác mà điểm nhấn là tư vấn pháp luật. Luật sư phải thấu hiểu từng hơi thở của xã hội, là người hiểu cả tình và lý.

Nếu một ngày xã hội không có nghề luật sư, người yếu thế vướng vào vòng lao lý, những vụ án oan sai kéo dài, những quyết định xâm hại quyền lợi của dân thì ai sẽ là người có đủ tâm và lực đòi lại công bằng? Mỗi án oan, mỗi số phận chịu bất công đều như một lát cắt làm nhói đau cơ thể xã hội. Người luật sư chính là người chữa những lành vết thương đó.  Chúng ta vui mừng biết bao khi một người được minh oan, thả tự do nhờ sự giúp sức của các Luật sư…. Chúng ta hân hoan khi tư vấn cho thân chủ gỡ rối được vấn đề doanh nghiệp, tổ chức đang gặp phải. Chúng ta thở phào nhẹ nhõm khi các vụ án kinh tế, hành chính, dân sự được kết thúc trong êm đẹp…. Nhưng, một điều không thể không thừa nhận, đằng sau những vinh quang trong nghề là những nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được hết. Nghề Luật sư là những bữa ăn vội, những chuyến công tác đi từ khi trời chưa sáng đến tối mịt, là những ngày miệt mài nghiên cứu hồ sơ tìm phương án giải quyết đến quên ăn quên ngủ, là những trăn trở về nhân tình thế thái xã hội. Nghề luật sư đào tạo đã khó, theo được nghề lại càng khó hơn. Có thể thấy người luật sư như những viên ngọc trong đời, càng mài giũa thì càng tỏa sáng và lấp lánh.

Luật sư là một nghề cao quý. Nhìn lại lịch sử, nhiều năm qua, bằng tài năng, trí tuệ, nhân cách của mình các thế hệ Luật sư đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, dân chủ hóa hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế – xã hội.

Nhân ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, xin được gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các Luật sư. Chúc các vị luôn mạnh khỏe, dồi dào trí lực, vững tâm trên con đường tìm kiếm và bảo vệ công lý!

Nguyễn Thị Bích Ngọc