QUYỀN NUÔI CON VÀ CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

Câu hỏi: Vợ chồng em kết hôn năm 2007. Năm 2008 thì sinh con. Trong quá trình sống chung, chúng em có nhiều mâu thuẫn không thể cùng nhau giải quyết. Hiện tại bọn em muốn ly hôn. Xin luật sư cho em hỏi:
Chồng em là trưởng thôn, em làm tài xế taxi thường đi làm từ 7h sáng đến 10h tối mới về. Nếu ly hôn thì em có đc quyền nuôi con ko ạ?
Trong quá trình sống chung, chồng em có lấy chứng minh nhân dân của em để làm hồ sơ vay ngân hàng, và mạo danh chữ ký, hồ sơ vay đứng tên em. Vậy em có quyền kiện anh ta về tội làm giả hồ sơ chứng từ và mạo danh chữ ký không ạ?
Khoản nợ ấy, nếu ra tòa thì có phải chia đôi không ạ?
Em cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Văn phòng Luật sư Trung Hòa. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Bạn vẫn có thể có quyền nuôi con trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, bạn thỏa thuận được với người chồng của mình
Điều 81, luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: “….2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy: Nếu vợ chồng bạn thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con cùng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên thì bạn sẽ có quyền nuôi con.
Thứ hai, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của người con cũng như nguyện vọng của người con để xét xem ai là người được nuôi con.
Bạn làm tài xế taxi làm việc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Như vậy việc dành thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục cho con bạn là hạn chế so với chồng bạn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể có quyền nuôi con nếu chứng minh được:
+ Chồng bạn không có khả năng nuôi con: ví dụ như không đủ khả năng kinh tế, rượu chè, vũ phu, không đôn đốc con trong việc học hành, không đủ khả năng về mặt tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy;
+ Con bạn có nguyện vọng sống cùng với bạn: Con bạn sinh năm 2008 như vậy năm nay cháu đã 9 tuổi, nếu con bạn có nguyện vọng ở cùng với bạn thì bạn cũng có thể có quyền nuôi con (căn cứ K2 Đ81 Luật HNGĐ)

2. Bạn có quyền kiện chồng bạn về hành vi giả mạo chữ kí
Hành vi giả mạo chữ ký của người khác là trái pháp luật và tùy vào hậu quả có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, hành vi giả mạo chữ ký của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp này, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án đề nghị tòa tuyên hợp đồng nêu trên vô hiệu theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Cụ thể: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”
Lừa dối trong giao dịch là “hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Ngoài ra, ngân hàng có thể khởi kiện chồng bạn về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 (hành vi của chồng bạn đã thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là có hành vi chiếm đoạt tài sản, và chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối).

3. Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng đã quy định về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng tại khoản 4 điều 45 như sau: “Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
…3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Như vậy một khi Tòa án đã tuyên bố hợp đồng giữa bạn và Ngân hàng là vô hiệu thì bạn không có trách nhiệm trả khoản nợ trên nếu mục đích của hợp đồng không phải vì nhu cầu của gia đình và chồng của bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính cũng như Hình sự về hành vi giả mạo chữ kí, giấy tờ của mình.