Con rể có quyền lợi gì với di sản thừa kế của bố mẹ vợ không?

Câu hỏi: Bố, mẹ tôi có ba người con (chị gái, tôi là con trai và em gái). Bố mẹ tôi mất năm 2006, để lại 1.000m2 gồm cả đất và ao (trên đất có ngôi nhà cấp bốn), nguồn gốc do tổ tiên để lại. Bố, mẹ tôi mất không có di chúc. Khi bố, mẹ còn sống, tôi và cô em gái cùng sống trên mảnh đất đó (em gái tôi ở trên diện tích 140m2), còn chị gái tôi lấy chồng đi ở nơi khác. Năm 2007, ba chị em tôi cùng góp tiền san lấp ao được khoảng 500m2. Sau khi san lấp ao, chị em tôi có họp gia đình và lập biên bản để chia di sản thừa kế của bố, mẹ (nhưng không có chữ kí của tôi). Theo biên bản này, em gái tôi được thêm 60m2 (cùng với 140m2 đang ở) và cho chị gái tôi 100m2, còn lại là phần của tôi. Đầu năm 2016, em rể tôi rủ chị gái tôi đòi chia lại đất, nhưng chị tôi không đồng ý.

        Mong luật sư cho tôi biết: Em rể tôi có quyền lợi gì đối với di sản thừa kế của bố, mẹ chúng tôi không? Việc lập biên bản để chia di sản thừa kế nhưng không có chữ ký của tôi thì có được công nhận không?

Trả lời:

        Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Bố mẹ của bạn mất năm 2006 nên thời điểm mở thừa kế là năm 2006.

         Vì bố mẹ bạn mất không có di chúc, nên việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế (tức là theo hàng thừa kế). Căn cứ Khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

        Đối chiếu vào quy định trên, 3 chị em bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ (điểm a) còn người em rể không thuộc hàng thừa kế nào, nên không được hưởng di sản thừa kế của bố, mẹ bạn để lại.

       Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005, “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

         Theo dữ kiện bạn cung cấp, hiện nay 3 chị em bạn đang quản lí, sử dụng 1.000m2 đất trên có ngôi nhà của bố, mẹ ông để lại cho những người thừa kế sử dụng như sau: Bạn sử dụng 700m2, em gái sử dụng 200m2, chị gái 100m2. Việc phân chia đất này là do ba chị em bạn tự thoả thuận, sau đó có lập thành văn bản. Tuy bạn không kí vào Biên bản, nhưng bạn không phản đối gì, chị và em gái bạn cũng không có ý kiến nào khác. Như vậy, cả ba người đều thống nhất về việc định đoạt tài sản chung do bố, mẹ để lại (là quyền sử dụng đất) theo phân chia như nêu trên.

         Điều 215 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền sở hữu chung như sau: “Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán”.

          Như vậy, Biên bản chia đất giữa ba chị em bạn lập vào năm 2007 được coi là sự thoả thuận định đoạt tài sản chung, là di sản thừa kế của bố, mẹ bạn để lại.
         Giả sử người em gái bạn không công nhận giá trị của Biên bản chia đất năm 2007, mà muốn yêu cầu Toà án phân chia lại đất, thì căn cứ quy định của điểm a, tiểu mục 2.4, mục 2, phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao: “Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế, hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia, thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết…”. Vì năm 2007, ba chị em bạn có Biên bản thoả thuận phân chia đất, nên thuộc trường hợp trên quy định tại tiểu mục a.2, điểm a, mục 2.4, phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP: “Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ”. Do đó, Toà án sẽ căn cứ vào biên bản này để chia tài sản chung.