Tư vấn hôn nhân – gia đình

Câu hỏi: Tôi kết hôn từ năm 1993, có 2 con chung. Cuộc sống vợ chồng vốn vẫn tốt cho đến khi chúng tôi tách ra làm ăn riêng. Do việc làm ăn nên vợ chồng tôi mỗi người ở một nơi vì thế mà chồng tôi không còn quan tâm đến gia đình như trước. Nghe mọi người nói này nói nọ thì tôi cũng sinh nghi nên có tìm hiểu thì phát hiện chồng tôi ngoại tình. Khi chồng tôi biết tôi đã phát hiện mọi việc thì có về nhà xin lỗi tôi và hứa sẽ không tái phạm nữa. Vì con, tôi đồng ý tha thứ, bỏ qua mọi việc. Sau đấy thì chồng tôi cũng tu chí làm ăn, không lăng nhăng nữa. Nhưng gần đây mọi việc lại tái diễn, chồng tôi lại có người khác ở bên ngoài. Không những thế còn nhiều lần về nhà chửi mắng, đánh đập tôi. Có lần còn lôi tôi ra ngoài đường đánh, cũng may có hàng xóm và công an xã đến can ngăn. Sau lần đấy thì không đánh tôi ở bên ngoài nữa, mỗi khi đánh đều khóa trái cửa để ngăn không cho ai biết. Trước vì con cái nên tôi nhẫn nhịn, không nói cho ai. Nhưng giờ hai con tôi đều đã lớn, đi học xa nhà, tôi không muốn chịu đựng thêm nữa nên quyết định ly hôn nhưng chồng tôi không chịu ký đơn. Luật sư cho tôi hỏi, nếu chồng tôi vẫn không chịu ký đơn thì tôi có ly hôn được không? Nếu tôi nuôi cả 2 con thì có yêu cầu chồng tôi cấp dưỡng được không vì cả 2 con của tôi tuy đã trên 18 tuổi nhưng vẫn còn đi học và chưa tự lo cho bản thân được. Về tài sản chung của chúng tôi có 1 mảnh đất 240m2 cấp GCN đứng tên chồng tôi, trên đất có nhà 2 tầng. Nhà và đất là do hai vợ chồng cũng góp tiền mua, xây dựng lên sau khi kết hôn. Nếu chia tài sản thì tôi có được giữ căn nhà hay không vì hiện tôi và con cùng sống và tôi có mở cửa hàng buôn bán ở đây. Còn chồng tôi thuê nhà làm cửa hàng và ở luôn lại đó từ khi ra làm ăn riêng. Chồng tôi còn có 1 mảnh đất 150m2 được thừa kế riêng khi bố mẹ chồng tôi mất.

Trả lời:

         Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho VPLS Trung Hòa, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

  1. Về yêu cầu ly hôn: Theo quy định của Điều 51, 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì “vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”, “khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được….

         Như vậy, theo thông tin bạn đưa ra, chồng của bạn đã ngoại tình và có hành vi bạo lực, bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn đến tòa án để yêu cầu giải quyết ly hôn mà không cần có sự đồng thuận từ chồng bạn.

  1. Về con chung:

         Theo quy định tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

         Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định sau khi ly hôn “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con“. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 118 Luật hôn nhân và gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt “khi người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình”. Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 thì người từ đủ 18 tuổi là người đã thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự mình tham gia, xác lập, thực hiện, hưởng các quyền và tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ pháp lý trong các quan hệ pháp luật. Mặc dù con bạn còn đang đi học nhưng đã đủ 18 tuổi, hoàn toàn có đủ khả năng tham gia vào các quan hệ lao động để có thu nhập nuôi sống bản thân. Như vậy, trong trường hợp của bạn sẽ không bắt buộc có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con nữa. Tuy nhiên, bạn có thể thỏa thuận với chồng hỗ trợ chu cấp cho con theo sự tự nguyện của chồng bạn.

  1. Về tài sản:

         Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc phân chia tài sản sau khi ly hôn (hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP):

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

         Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2.Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3.Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4.Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

         Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”

         Vậy, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định. Trường hợp của bạn là không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nên sẽ áp dụng chế độ tài sản theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh, công sức đóng góp, lợi ích chính đáng, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia. Chồng của bạn đã có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy đồng thời căn nhà hiện tại là nơi hoạt động kinh doanh và nơi ở của 3 mẹ con bạn nên Tòa án có thể sẽ ưu tiên chia cho bạn được hưởng căn nhà và đất, bạn phải thanh toán phần chênh lệch mà chồng bạn được hưởng.