Chống trả, gây nên cái chết cho kẻ trộm có phạm tội không?

Câu Hỏi: Thời gian gần đây, những vụ án mạng thương tâm do tội phạm trộm cắp gây ra ngày càng có mức độ nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ trộm đột nhập vào nhà, sát hại 4 người trong một gia đình, khiến 2 bố con tử vong ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội vào sáng ngày 7/12/2015, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Nhiều người dân liên lạc với Tòa soạn xin được tư vấn: 1. Chống trả gây nên cái chết cho kẻ trộm có phạm tội không? 2. Người dân có cách nào xử lí tốt nhất khi thấy trộm đột nhập vào nhà?

Trả lời:

             Pháp luật cho phép nạn nhân có thể khống chế tội phạm, tước đoạt vũ khí hoặc đánh ngất chúng. Tuy nhiên, việc đề cao quyền chống trả không có nghĩa chúng ta được đánh chết, hay gây ra thương tích quá lớn đối với tội phạm. Hành động chống trả của người dân chỉ nhằm mục đích ngăn cản, chống trả lại việc bị tấn công của kẻ trộm, chứ không nhằm mục đích gây ra cái chết cho người đó.
             Để xem xét việc gây ra cái chết cho trộm có phạm tội hay không, trước hết phải xem hành vi chống trả lại hay tự vệ của chủ nhà khi bị bọn trộm cướp tấn công có đúng luật hay không? Theo luật, thì hành vi chống trả lại hay tự vệ của chủ nhà khi bị trộm cướp tấn công được coi là hành vi phòng vệ chính đáng, nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự:
             1. Hành vi tấn công của người có hành vi vi phạm phải là đang hiện hữu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân; cụ thể ở đây hành vi tấn công chủ nhà của tên trộm hoàn toàn nhằm mục đích cướp tài sản, thậm chí gây thương tích cho chủ nhà hòng cướp đoạt tài sản.
             2. Người phòng vệ có sự chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công (sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng…).
             Tuy nhiên, nếu kẻ trộm bị chết không phải do phòng vệ chính đáng, luật đã quy định đây là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”. Các hành vi tương ứng như: giết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
             Trường hợp này, chủ nhà phải chịu trách nhiệm về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, quy định tại Điều 96 Bộ Luật Hình sự: “1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”.
             Như vậy, có thể kết luận “Giết trộm khi trộm vào nhà” có thể sẽ là hành vi phạm tội, cụ thể là tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với mức phạt cao nhất là 5 năm tù. Do đó, khi phát hiện có trộm đột nhập, cách tối nhất là gọi điện thoại cho nhà chức trách và nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh.
             Nên làm gì khi bị kẻ trộm tấn công? Trộm chưa vào nhà, nhưng đã có hành vi hướng tới mục đích xâm phạm quyền nhà ở, quyền về tài sản của người khác, thì chủ nhà nên bật đèn sáng để đánh động, nhằm đuổi tên trộm đi.
             Trường hợp trộm vào nhà và chỉ có 1 người ở nhà, thì không nên đánh động, hạ tới mức thấp nhất mức độ gây ồn, tránh để trộm phát hiện, khóa cửa phòng thật kĩ và ở trong đó. Sau đó thông báo cho người thân được biết trong nhà có trộm và nhờ sự giúp đỡ của họ.
             Điểm lưu ý, khi trông thấy trộm, hãy cố gắng nhớ vóc dáng, mái tóc, khuôn mặt, tiếng nói… (nếu có thể) và hướng đi của tên trộm khi rời khỏi nhà. Sau đó trình báo với cơ quan công an. Không được tự mình bắt trộm vì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
             Trường hợp trộm có vũ khí uy hiếp, nhằm mục đích gây nguy hại tới tính mạng, danh dự nhân phẩm của chủ nhà: Nếu tên trộm không phát hiện ra có chủ nhà ở nhà, thì hãy tránh những tiếng động tới xuống mức tối thiểu nhất, thực hiện theo những cách nêu trên. Trường hợp chủ nhà đã bị trộm phát hiện, tên trộm dùng đủ mọi cách để gây nguy hại tới tính mạng, danh dự, nhân phẩm của chủ nhà, thì chủ nhà có quyền dùng mọi biện pháp để ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của tên trộm tới bản thân.
Nhưng, hành vi phòng vệ của chủ nhà phải phù hợp, không vượt quá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại đó. Có nghĩa là không thể dùng dao đâm chết tên trộm, khi tên trộm không có vũ khí có sức sát thương lớn hơn con dao và không cố tình hay cố thực hiện hành vi xâm hại thân thể của chủ nhà.