Cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn thị xã Sông Công: Không đền bù đất hành lang giao thông, chính quyền làm trái luật?
Nguồn gốc đất ở của dân có trước khi quy hoạch hành lang
Căn cứ đơn trình bày và hồ sơ, qua xác minh phần lớn các hộ gia đình là chủ sử dụng đất hợp pháp, lâu đời ven QL3, có hộ ở từ trước năm 1945. Một số hộ nhận chuyển nhượng hoặc được cho, tặng từ các gia đình sử dụng đất lâu đời. Trước 15/10/1993, nhiều hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ, trong đó có diện tích đất hành lang an toàn giao thông đường bộ (viết tắt là hành lang), cùng thửa với đất ở. Ngày 21/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Nghị định số 203/HĐBT, về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ. Ngày 26/9/1983, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 185-TT/PC, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 203/HĐBT. Ngày 3/1/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kí Quyết định số 06-CT về việc thực hiện Nghị định số 203/HĐBT. Đến năm 1993, tỉnh Thái Nguyên mới tiến hành cắm mốc hành lang, nhưng không thực hiện việc thu hồi đất.
Sau khi cắm mốc giới hành lang, Một số hộ kí vào biên bản xác định mốc giới, một số hộ không kí; nhiều trường hợp cho, tặng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trừ đi phần diện tích đất nằm trong hành lang. Thời điểm cấp GCNQSDĐ cũng không thống nhất, có hộ được cấp lần đầu vào các năm 1991, 1993, 1994, trong đó số hộ được cấp năm 1994 chiếm 3/4 tổng số hộ dân có đơn kiện. Đối với những hộ cấp năm 1994, chính quyền tự ý trừ diện tích hành lang, trong khi không có quyết định thu hồi, bồi thường. Các trường hợp cấp trước đó vẫn ghi trong sổ đủ diện tích, nhưng kèm theo ghi chú hành lang không được xây nhà, có hộ thì không ghi. Một số trường hợp cấp GCNQSDĐ gần đây, muộn nhất vào năm 2009 do chuyển nhượng, tặng cho nhưng không thể hiện diện tích hành lang, nghĩa là vẫn nguyên nguồn gốc từ những hộ đã sử dụng trước năm 1982… Đây là nguyên nhân nảy sinh khiếu kiện khi UBND thị xã Sông Công giải tỏa đất để thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo QL3.
Chính quyền thị xã Sông Công cố tình làm trái luật?
Dự án nâng cấp, mở rộng QL3 khởi động từ cuối năm 2012. Các hộ dân rất mừng khi biết QL3 được mở rộng, nâng cấp, thuận lợi hơn cho đi lại, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, từ khi khởi động dự án đến nay, các hộ dân ở đây không hề nhận được thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất và chính quyền UBND thị xã Sông Công cũng không thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ về đất cho người dân.
Tại các văn bản trả lời đơn khiếu nại của công dân và trong các cuộc đối thoại giữa chính quyền với các hộ dân, căn cứ pháp lí UBND và Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Sông Công đều viện dẫn khoản 1, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 203/HĐBT năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); điểm c, khoản 2, Mục II, Phần B Thông tư số 185-TT/PC ngày 26/9/1983 của Bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn thi hành Điều lệ bảo vệ đường bộ và quyết định số 06/CT ngày 3/1/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) về thực hiện Nghị định số 203/HĐBT; quyết định số 142/QĐ-UB ngày 3/4/1984 của UBND tỉnh Bắc Thái (cũ); Nghị định số 11/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lí và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đây là những điều luật quy định: Trong phạm vi hành lang nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình (tạm thời hoặc vĩnh cửu)… Được phép trồng hoa màu, cây lương thực, cây công nghiệp, nhưng… phải được sự thỏa thuận của Bộ Giao thông Vận tải; khi có yêu cầu mở rộng, cải tạo đường sá phải trả lại đất cho ngành Giao thông Vận tải trong thời gian ngắn nhất; đất nằm trong hành lang chỉ được dùng tạm thời vào mục đích nông nghiệp…
Những quy định trên chỉ áp dụng cho những trường hợp đất đã được thu hồi, giao cho ngành Giao thông Vận tải quản lí, hoặc những trường hợp chính quyền cấp đất cho người dân sau khi đã quy hoạch, cắm mốc hành lang, nhưng phải căn cứ các quy định của pháp luật về đất đai, thu hồi, bồi thường và giao đất. Đối với đất của các hộ dân hai bên QL3 thuộc 2 phường Cải Đan và Phố Cò, chưa thuộc phạm vi điều chỉnh các điều luật đó, do người dân ở đây sử dụng đất thường xuyên liên tục vào một mục đích, không tranh chấp với ai và trước mốc thời gian ban hành Nghị định 203/HĐBT năm 1982; các nghị định, thông tư, quyết định liên quan đến hành lang và chưa bị thu hồi đất. Tỉnh Thái Nguyên và thị xã Sông Công cắm mốc, quy hoạch hành lang năm 1993, mới hoàn thành bước xác định mốc giới, để người dân biết, không xây dựng công trình, nhà kiên cố phạm vào đất hành lang. Một số hộ dân khi sang nhượng, cho tặng đã trừ đi diện tích đất hành lang; hoặc khi chính quyền cấp GCNQSDĐ không ghi diện tích hành lang vào thửa đất ở, cũng không phải là căn cứ để xác định, diện tích đất hành lang trước nhà các hộ dân đã thuộc chủ thể sử dụng khác là Nhà nước được.
Điều 21 Luật Đất đai năm 1993, Điều 32 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Như vậy, chưa nói đến việc bồi thường về đất, thì năm 1993 ít nhất tỉnh Thái Nguyên cũng phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, trước khi giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lí. Trường hợp thực hiện trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực, thì sau khi luật này có hiệu lực chính quyền phải thực hiện. Thực tế, đất nằm trong hành lang khu vực này chưa từng bị thu hồi, nên dù tỉnh Thái Nguyên có giao cho Bộ Giao thông Vận tải cũng là không đúng luật.
Việc thực hiện không đúng hoặc trái luật, hay có những sai sót, do lỗi của chính quyền, không thể bắt người dân chịu thiệt. Các hộ ở đây phải lùi vào sau mốc giới và không được xây dựng công trình trong hành lang, nhưng về nguyên tắc, người dân vẫn là chủ thể hợp pháp về quyền sử dụng đất, theo quy định của pháp luật về đất đai. Vì vậy, khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng QL3 (đầu năm 2013), UBND thị xã Sông Công phải ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình và lập phương án bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định hiện hành.
Trước hành vi trái pháp luật của UBND thị xã Sông Công, các hộ dân đã nộp đơn khởi kiện hành chính ra TAND thị xã Sông Công, đề nghị Tòa buộc UBND thị xã Sông Công phải ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường mới về đất, Tòa cũng đang thụ lí giải quyết. Thế nhưng, ngày 28/9/2013 (thứ bảy), UBND thị xã Sông Công bí mật thực hiện kế hoạch mang tên: “Tổ chức lực lượng đảm bảo ANTT cho việc thi công”. Thực chất đây là cuộc cưỡng chế đất của các hộ dân, trong khi UBND thị xã Sông Công đang là bên bị kiện, UBND phường là người có nghĩa vụ liên quan. Nhân dân biết thông tin, đồng loạt nộp đơn đến TAND thị xã Sông Công, yêu cầu Tòa ban hành quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” theo quy định. Song, TAND thị xã Sông Công viện lí do vào ngày nghỉ, để thoái thác việc ra quyết định ngăn chặn hành vi trái pháp luật của UBND thị xã Sông Công, nên việc cưỡng chế vẫn được tiến hành. Hành vi hành chính trái pháp luật của UBND thị xã Sông Công khiến nhân dân rất bức xúc, nhưng họ vẫn nhẫn nhịn tuân thủ. Tuy nhiên, chiều 28/9/2013 cụ bà Phạm Thị Mão 85 tuổi, mẹ liệt sĩ Lê Quang Hòa, bị lực lượng cưỡng chế giằng co, gây huyên náo cả khu vực, khiến nhân dân hết sức bất bình.
Hoàng Linh
Nguồn tin:Theo Người cao tuổi