Xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội: Cần xem xét lại nguồn gốc đất khi thu hồi
Đất thu hồi thực hiện Dự án là đất sử dụng ổn định lâu dài theo hình thức giao đất, nhưng lại chỉ được hỗ trợ mà không bồi thường về đất. Đây là phản ánh của 51 hộ dân thôn Dụ Tiền, xã Thanh Thùy, bị thu hồi 1,38ha đất nông nghiệp để thực hiện Dự án Đường trục phát triển phía Nam trên địa bàn huyện Thanh Oai, TP Hà Nội…
Không thể là đất công ích do UBND xã quản lí
Diện tích 1,38ha đất nông nghiệp do các hộ dân thôn Dụ Tiền sử dụng từ năm 1992 bị thu hồi để thực hiện Dự án Đường trục phát triển phía Nam,. Thời điểm đó, các hộ dân được Ban chỉ huy thôn Dụ Tiền cho gắp phiếu ruộng, từ đó đến nay các hộ vẫn cấy và canh tác ổn định, không có sự thay đổi nào. Các hộ thực hiện đóng thuế sử dụng đất đầy đủ cho Nhà nước (có phiếu thu kèm theo). Tại sơ đồ giải thửa thể hiện rõ ranh giới, diện tích các thửa đất mà các hộ đang sử dụng.
Nhưng, theo Tờ trình số 168/TTr-BCĐ ngày 11/3/2013 của Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, về việc bổ sung chính sách hỗ trợ đất cho 51 hộ dân đang sử dụng quỹ đất công, do UBND xã Thanh Thùy quản lí, bị thu hồi thực hiện Dự án Đường trục phát triển phía Nam trên địa bàn huyện Thanh Oai, UBND xã Thanh Thùy lại báo cáo lên cơ quan cấp trên đây là diện tích đất công ích, được giao khoán theo các đầu khẩu cho các hộ gia đình từ năm 1992. Do thôn Dụ Tiền có diện tích đất nông nghiệp lớn hơn các thôn khác, nên sau khi thực hiện giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP, phần đất còn lại để làm quỹ đất công ích (chiếm trên 20% diện tích đất nông nghiệp của thôn).
Tìm hiểu được biết, tại xã Thanh Thùy hiện có một phần diện tích đất UBND xã cho các hộ dân khác đấu thầu, sử dụng theo thời hạn, không thực hiện thông qua việc gắp ruộng như đất các hộ dân thôn Dụ Tiền đang sử dụng. Việc sử dụng đất của các hộ dân thôn Dụ Tiền không thông qua hình thức thuê đất, không theo trình tự, thủ tục sử dụng đất công ích được quy định tại Luật đất đai từ năm 1993 đến nay. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Luật Đất đai sửa đổi 1998; Khoản 2, Điều 72 Luật đất đai 2003; Khoản 3, Điều 132 Luật đất đai 2013 đều nêu rõ, việc sử dụng đất công ích của xã phải thông qua hình thức Nhà nước cho thuê, thời hạn mỗi lần thuê không quá 5 năm.
Đất các hộ dân thôn Dụ Tiền sử dụng không có hợp đồng thuê, không có thời hạn sử dụng, nên đây không thể là đất công ích do xã quản lí. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ và thực tế, 1,38ha đất các hộ dân sử dụng là đất được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, quy định tại Điều 1 Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Như vậy, các hộ dân có đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo Điều 100 Luật đất đai 2013.
Thế nhưng, dân không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ
Với việc xác định là đất công ích, UBND xã Thanh Thùy thông báo các hộ dân không được bồi thường, mà chỉ được hỗ trợ 50% giá đất nông nghiệp (được nhận 67.500 đồng/m2 theo Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP Hà Nội, ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội, được áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019). Thông báo của UBND xã Thanh Thùy căn cứ vào Văn bản số 2327/UBND-TNMT ngày 2/4/2013 của UBND TP Hà Nội, đồng ý cho UBND huyện Thanh Oai lập phương án bồi thường, hỗ trợ 50% cho các hộ dân; Tờ trình số 168/TTr-BCĐ ngày 11/3/2013 của Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội. Tuy nhiên, văn bản của UBND TP Hà Nội, cũng như Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội đều dựa trên báo cáo của UBND xã Thanh Thùy và UBND huyện Thanh Oai, trong khi có yêu cầu: “UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Thanh Thùy chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung báo cáo, về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ”.
Hiện các hộ dân thôn Dụ Tiền chưa được lấy ý kiến, chưa nhận được quyết định bồi thường, hỗ trợ GPMB, nhưng UBND xã Thanh Thùy đã tới “ép” các hộ nhận tiền bồi thường, đe dọa cưỡng chế đất, trái với quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013. Không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, các hộ dân thôn Dụ Tiền có đơn khiếu nại, yêu cầu UBND xã Thanh Thùy, UBND huyện Thanh Oai xác định lại, đất các hộ dân sử dụng ổn định lâu dài theo hình thức giao đất, nên phải được bồi thường theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai 2013: “2- Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường, thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi, do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. 3- Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.
Cần xem xét lại nguồn gốc đất của các hộ dân
Với việc xác định nguồn gốc đất của các hộ dân thôn Dụ Tiền như hiện nay, các hộ đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi, khi không được nhận tiền bồi thường (135.000 đồng/m2) và các khoản hỗ trợ khác. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân, bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án, thiết nghĩ các cấp chính quyền huyện Thanh Oai cần xem xét lại nguồn gốc đất bị thu hồi, khi thực hiện Dự án Đường trục phát triển phía Nam tại thôn Dụ Tiền, để có phương án bồi thường, hỗ trợ chính xác cho các hộ dân.
• Thiều Vân Anh