Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Rừng phòng hộ bị “hành quyết”, dân chỉ còn biết kêu trời (kì 1)

Núi Lâm Động, được ví như “nóc nhà” của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, dưới chân núi là hàng trăm công trình thủy lợi quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng vạn người dân sống trong vùng thuộc 2 huyện Tĩnh Gia và Như Thanh. Hai chục năm qua, rừng được bảo quản tốt, các loại cây được tái sinh rậm rạp, có đa dạng sinh học với nhiều tầng cây và muông thú. Thế nhưng, mấy tháng gần đây, người dân thấy rừng bị chặt hạ, đốt phá tàn bạo, hàng nghìn héc-ta rừng bị “hành quyết”, dân chỉ còn biết kêu trời, lo lắng tới hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra lũ quét, lũ ống hoành hành. Phóng sự điều tra dưới đây sẽ phần nào phác họa “bức tranh ảm đạm” này…

 

Nỗi lòng của một Đại tá cựu chiến binh

Đại tá cựu chiến binh Hoàng Bá Viết, người luôn đau đáu với quê hương Tĩnh Gia, nơi ông được sinh ra và lớn lên, dưỡng dục ông phấn đấu thành sĩ quan Quân đội, một hôm gọi điện cho tôi, giọng rất khẩn cấp: “Chú thu xếp về ngay Tĩnh Gia điều tra, lên tiếng giúp dân, họ đang “hành quyết” hàng nghìn héc-ta rừng phòng hộ tái sinh, xót lòng lắm”. Ông cho biết, khi Báo Người cao tuổi số ra ngày 26/6/2014 đăng bài “Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện dự án trồng keo, người ta “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh” của tác giả Việt Hoàn, nhân dân rất phấn khởi, tin rằng rừng sẽ được cứu, người ta sẽ phải dừng ngay việc phá rừng lại. Không ngờ sau đó vẫn chẳng thấy cơ quan chức năng nào ngăn chặn, họ lại càng phá dữ dội hơn.

Được Tổng Biên tập đồng ý, chúng tôi khăn gói lên đường. Ngay khi gặp mặt, ông Viết đã tất tả dẫn chúng tôi lên sân thượng, nơi có thể phóng tầm mắt lên núi Lâm Động, ông chỉ cho chúng tôi xem từng vạt rừng cháy nham nhở. Thời tiết tốt, trời trong, nắng đẹp nên những mảng rừng bị chặt phá, đốt cháy hiện lên khá rõ. Ông nói: “Đấy, các chú xem rừng đang đẹp là vậy, mà chỉ trong vòng có mấy tháng họ đã đốt, phá tàn tạ đến thế. Nghe nói họ chặt phá rừng để thực hiện dự án trồng keo, với tài trợ của tổ chức Jaika gì đó. Thế nhưng, cho đến bao giờ mới lại có được khu rừng đẹp như trước? Nhân dân lo lắm, ngộ nhỡ rừng phá rồi, xảy ra lũ quét, lũ ống thì hậu quả sẽ khôn lường, người dân biết chạy đi đâu?”.

Và sự bức xúc của các cán bộ địa phương

Mặc dù phải tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần, ông vẫn xăng xái dẫn chúng tôi đến tận nhà riêng để gặp lãnh đạo các xã có diện tích rừng ở núi Lâm Động, hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp những cơn “hắt hơi xổ mũi” của dãy núi này. Ông Nguyễn Xuân Võ, Bí thư Đảng ủy xã Trúc Lâm cho biết, ông đã đọc bài báo của tác giả Việt Hoàn, ông hoàn toàn đồng tình với nội dung bài báo, những thông tin phản ánh là chính xác. Theo ông Võ, xã Trúc Lâm trước đây cũng có diện tích rừng trên núi Lâm Động, nhưng hiện xã không được quản lí diện tích rừng đó nữa. Tuy nhiên, do là rừng đầu nguồn, nên hậu quả (nếu có) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân xã Trúc Lâm.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm bổ sung: “Ngày trước tôi cũng tham gia trồng cây ở trên núi nên nắm rất rõ, rừng ở đây có rất nhiều cây dẻ, phần lớn đã to bằng bắp đùi. Bây giờ họ phát đi trồng cây mới, thì đến bao giờ mới có được cây như thế? Tôi biết đây là lợi nhuận của nhóm người, là việc làm rất sai lầm. Tôi thấy đây là hành vi phá hoại”. Qua câu chuyện của ông Hòa, chúng tôi được biết rừng Lâm Động đã bị thâu tóm bởi một nhóm cán bộ thuộc Ban Quản lí Rừng phòng hộ Tĩnh Gia. Ông cho biết, ông Sỹ có 180ha rừng trên núi Lâm Động; phía bên Phú Lâm toàn bộ là của Phong “Xoan”. Thông tin của ông Hòa phù hợp với những điều chúng tôi thu thập được, theo đó nhóm lợi ích thâu tóm diện tích lớn rừng trên núi Lâm Động có ít nhất 4 cán bộ Ban Quản lí Rừng phòng hộ Tĩnh Gia gồm: Ông Nguyễn Văn Thương, Giám đốc; ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc; ông Nguyễn Văn Sảo, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 666; ông Lê Tiến Long, con trai ông Lê Tiến Sỹ, cựu Giám đốc Ban Quản lí Rừng phòng hộ Tĩnh Gia. Ông Hòa bức xúc: “Đất rừng là của Nhà nước chứ. Họ phá đi như thế mình không lên tiếng làm sao được”. Ông Mai Công Gô, cựu Bí thư Đảng ủy xã Trúc Lâm tiếp lời: “Họ phá rừng như vậy, người dân thấy nó trái ngang. Giá như họ đốt những chỗ không có cây rồi trồng cây vào đó thì đi một nhẽ, đằng này rừng toàn cây to, họ lại phá đi, thử hỏi trồng đến khi nào được như vậy?”. Ông Mai Công Gô cho biết, rừng ở đây có đủ các loại cây và các loại thú rừng: Nhím, hươu, nai, hoẵng… Từ tháng 4/2014 đến nay, dân bỗng thấy họ đốt rừng, thấy nhiều xe gỗ to cỡ bắp đùi người lớn ùn ùn chở đi đâu không rõ.

Đảng viên lên tiếng

Anh Nguyễn Đức Thạo, Tổ trưởng Đảng thuộc Chi bộ thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm khẳng định: “Ngày nào tôi cũng thả bò trên núi nên tôi biết, từ chỗ rừng thông lên cao nữa là rừng tự nhiên, thuộc địa bàn các xã Nguyên Bình, Phú Lâm, Xuân Lâm. Rừng ở đây có các loại dẻ, lim, sến, nứa, tre, vầu… nếu tiếp tục để phát triển thì rất đẹp. Trước đây dân vẫn thường lên rừng quét hạt dẻ đem bán. Vừa rồi cũng do phá rừng mà gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt. Dân không ai hài lòng với việc đốt phá rừng như thế, do không có chức, không có quyền nên chẳng biết làm sao”.

Theo anh Thạo, đây là dự án của cá nhân chứ không phải của Nhà nước, họ cho chặt phá tan hoang rừng tái sinh để trồng thông, trồng keo phục vụ lợi ích của một nhóm người. Rừng đang phát triển tốt mà lại chặt phá đi để trồng cây mới, phải mất ít nhất 15 – 20 năm nữa mới lại có rừng. Anh Thạo cho rằng, rừng phải được giao cho các xã quản lí, rồi để nhân dân thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ rừng, không nên để cho Ban Quản lí Rừng phòng hộ độc quyền như hiện nay. Câu chuyện của anh Thạo xoay quanh kỉ niệm về những ngày rừng Lâm Động còn tràn ngập tiếng chim hót, tiếng hươu nai tác gọi bầy… mà giờ đây đã trở thành quá vãng. Anh đau xót: “Đốt rứa (thế) thì con chi (gì) mà sống nổi?”. Anh kể, nghe nói, khu vực đó giờ hầu hết là của Phong “Xoan”, mấy tháng trời nay thuê bảy, tám chục nhân công làm ầm ầm ở trên núi, rừng bị đốt lửa cháy rực một góc trời. Anh Thạo tỏ ý mong các nhà báo nêu vấn đề lên, để cơ quan chức năng phải xử lí, không thể để tình trạng mất sinh thái, mất tự nhiên xảy ra ngay thanh thiên bạch nhật, thách thức dư luận như vậy.

Ông Lê Văn Bài, đảng viên 45 năm tuổi Đảng, thuộc Chi bộ thôn Đại Thủy kể: “Những năm chống Pháp, chống Mỹ, bộ đội ta xây lô-cốt trên núi để đặt pháo cao xạ bảo vệ bờ biển. Từ bấy đến nay, rừng Lâm Động dần hồi phục, nhiều loại cây cối rậm rạp, thậm chí người ta còn tìm thấy nhiều loại cây thuốc quý. Không biết sao mấy tháng nay thấy đốt sạch, phá sạch, khiến nhân dân rất bức xúc. Không biết ai cho phép họ làm như vậy, mà từ xã đến huyện chẳng thấy nói gì. Họ phá rừng, đốt rừng giữa thanh thiên bạch nhật, ầm ầm như vậy, xã và huyện không thể không biết, nhưng lại làm ngơ. Ông khẳng định, cơ quan chức năng nói rằng đốt thực bì là không phải, họ cưa cắt toàn cây to, thì đâu có phải là thực bì? Ông nói: “Họ chở cây qua đây nhiều lắm, không biết là bao nhiêu mà kể. Các nhà báo cứ mang máy ảnh lên tận hiện trường mà chụp lại, họ không thể chối cãi được đâu”… (Còn nữa)

 Phóng sự điều tra Hoàng Linh – Bá Viết

Nguồn tin:Theo Người cao tuổi