Sự kiên cường và nỗi oái oăm của phóng viên tác nghiệp ở Hoàng Sa

Sau gần 15 giờ đồng hồ tính từ thời điểm con tàu cảnh sát biển (CSB) 2013 xuất phát, lúc 10 giờ 50 phút ngày 27.5, PV Báo Lao Động đã có mặt tại Hoàng Sa. Trên chuyến tàu vượt trùng khơi này có 26 nhà báo Việt Nam và 8 phóng viên đến từ báo đài Nhật Bản, CNN, Việt Weeky.

Các nhà báo tác nghiệp tại Hoàng Sa vào những ngày đầu tháng 6.

Trước khi tàu rời cảng, ai cũng lo sợ phải đối mặt với việc say sóng. Nhưng qua một đêm hành trình cộng gần hết buổi sáng ngày hôm sau, tôi nhận thấy, tất cả mọi người đều tỉnh táo và hướng mắt về phía giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) với cảm giác bức xúc trước hành động của Trung Quốc xâm phạm trắng trợn vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và nỗi lo hiện hữu đối với mỗi nhà báo đó là họ sẽ làm gì để có thể gửi thông tin, hình ảnh về tòa soạn!

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Hầu hết các phóng viên trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa lần này đều là những nhà báo trẻ, họ mang theo nhiệt huyết, tinh thần yêu nước và sẵn sàng đóng góp công sức của mình vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Họ sẵn sàng chấp nhận đối diện với hiểm nguy để được truyền tải chân thực đến người dân trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các quốc gia trên thế giới, những người ưa chuộng hòa bình hiểu rõ hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là hoàn toàn trái với luật pháp Việt Nam, trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được dư luận trên thế giới ủng hộ.

Ngay khi đoàn tập trung tại Đà Nẵng, tôi gặp nữ nhà báo xinh đẹp duy nhất ra Hoàng Sa chuyến này, phóng viên Nguyễn Anh Chi – Báo Tuổi trẻ. Anh Chi tâm sự: “Em xin cơ quan cho ra Hoàng Sa từ đợt đầu nhưng không được đồng ý mà yêu cầu phải ở nhà làm hậu trường. Đợt hai em xin đi tiếp cũng bị khước từ, nhưng lần này em được toại nguyện rồi. Trường Sa, em đi nhiều lần nhưng Hoàng Sa thì đây là lần đầu tiên. Em sẽ cố gắng cung cấp về cơ quan những thông tin nóng nhất, mới nhất về việc cán bộ kiểm ngư, CSB đang ngày đêm tuyên truyền, vận động Trung Quốc rút giàn khoan khỏi thềm lục địa Việt Nam. Lên án những hành động ngang ngược do các tàu nước bạn đâm va, phun vòi rồng vào tàu cá của ngư dân; tàu chấp pháp của CSB, kiểm ngư Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương – Chính ủy Bộ tư lệnh CSB giao nhiệm vụ “tư vấn”, khi ra Hoàng Sa nếu nhà báo nào bị say sóng thì… nằm im không di chuyển. Tôi nhận thấy trên sắc mặt của một số phóng viên chùng xuống. Ai cũng lo lắng, bởi ra tới Hoàng Sa rồi mà lại… nằm im một chỗ thì chả bằng ở nhà cho xong chuyện. Có lẽ chính nhiệt huyết đó đã giúp mọi người tăng thêm sức mạnh nên khi ra tới Hoàng Sa duy nhất chỉ có một nam nhà báo trên dưới 30 tuổi bị say lâng lâng. Hầu hết anh em đều khỏe mạnh và hướng mắt về phía giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa, tàu cứu hộ, tàu vỏ sắt… bao bọc giàn khoan đặt trái phép. Phóng viên Trần Thanh Tường – Báo Đại Đoàn Kết nhận định: “Chắc chắn Trung Quốc đang hành động sai trái, vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, xâm phạm vào vùng lãnh hải của nước ta, không được dư luận thế giới ủng hộ nên họ mới phải dùng nhiều phương tiện có mang theo vũ khí để bảo vệ giàn khoan này. Nếu là vùng biển thuộc chủ quyền của họ thì việc gì phải canh gác cẩn mật, họ cứ làm, ai dám đụng đến?”.

Các phóng viên truyền tin, bài về tòa soạn trong hoàn cảnh không điện thoại thông dụng, không internet.

Các phóng viên nước ngoài nói gì?

Trong đoàn nhà báo ra tác nghiệp ở Hoàng Sa đợt 25.5-4.6 có 8 viên đến từ các hãng truyền hình, báo chí nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ. Khi con tàu CSB 2013 dừng lại trên vùng biển Hoàng Sa, dưới cái nắng trang trang, các phóng viên trong nước và quốc tế thực hiện tác nghiệp ngay lập tức. Đặc biệt, nhà báo Osamu Maruyama đến từ báo The Yomiuri Shimbun (TYS) của Nhật Bản liên tục tường thuật từng chi tiết nhỏ nhất gửi về tòa soạn.

Trong khi đó, Takeshi Mine đến từ hãng truyền hình Fuji Television Network, INC thì dựng máy quay hướng về khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam tác nghiệp. Phóng viên CNN Euan Mckirdy vác máy ảnh chạy từ đầu đến đuôi con tàu CSB 2013 chụp ảnh. Euan Mckirdy nói: “Tôi sẽ phản ánh một cách chân thực nhất những gì đang diễn ra tại Hoàng Sa được Chính phủ nước bạn khẳng định chủ quyền”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động, Osamu cho biết: Đây là lần thứ ba anh đến tác nghiệp ở Việt Nam, song là lần đầu tiên anh đặt chân đến vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Tôi là phóng viên thường trú của báo TYS tại Islammabad Pakistan, nay cơ quan cử đi tác nghiệp tại Hoàng Sa. Bước đầu tiên, tôi nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Việt Nam để kịp có mặt tại vùng biển Hoàng Sa trong thời điểm nóng bỏng này. Tôi nhận thấy, câu chuyện ở Hoàng Sa có cái gì đó tương tự giống Senkaku của đất nước chúng tôi. Trung Quốc đang thực hiện âm mưu bá quyền ở Biển Đông, đây là điều không thể chấp nhận được. Các nước trong khu vực cần hợp tác lại để thực hiện đấu tranh với Trung Quốc, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Takeshi Mine nói với các phóng viên Việt Nam rằng, anh nhận thấy sự căng thẳng ở Hoàng Sa. Trong khi lực lượng chức năng Việt Nam đang thực hiện quyền chấp pháp chính nghĩa của mình để yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cũng như toàn bộ tàu hộ tống khỏi thềm lục địa Việt Nam thì ngược lại Trung Quốc huy động hàng trăm tàu chiến, tàu hải giám, tàu hộ vệ tên lửa… luôn sẵn sàng nghênh chiến bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế.

“Trung Quốc nên dừng lại hành động rất nguy hiểm này. Dư luận trên thế giới đang lên án, phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Việt Nam đã khẳng định lập trường rất rõ ràng về vấn đề này, lập trường đó nhận được sự ủng hộ của nhiều nước cũng như dư luận trên thế giới. Tôi sẽ phản ánh khách quan về việc Trung Quốc đưa các tàu quân sự ra bao vây bảo vệ giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Người dân Nhật Bản cũng giống như người dân Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng không nên giải quyết vấn đề bằng vũ lực mà cần giải quyết mọi việc bằng biện pháp hòa bình”- Takeshi Mine nói.

 

Anh Chi – nữ phóng viên xinh đẹp duy nhất ra Hoàng Sa tác nghiệp dịp đầu tháng 6 (ảnh phải).

Hoàng Sa không điện thoại – không internet

Hầu hết các phóng viên khi đã ra tới Hoàng Sa đều mong muốn gửi về tòa soạn của mình những bản tin nóng bỏng, cập nhật thời sự nhất, nhanh nhất. Song mọi diễn biến nơi biển cả mênh mông khác hoàn toàn với điều kiện ở đất liền. Trước tiên, những nhà báo được phân công tác nghiệp trên tàu kiểm ngư hoặc một số tàu CSB sẽ tiếp cận thực địa gần hơn. Thế nhưng việc truyền tải bài vở, hình ảnh, clip về tòa soạn trở nên vô cùng khó khăn, gần như anh em phải giữ lại trong máy tính đợi ngày trở về đất liền sẽ tung hoành đăng tải. Những phóng viên kém may mắn hơn khi tác nghiệp trên những con tàu không trực tiếp tham gia chấp pháp tại thực địa sẽ phải đối diện với việc… “đói” thông tin.

Nhà báo Trần Thanh Tường – Báo Đại Đoàn Kết nói: “Tôi ra đây đã trực tiếp được thể hiện lòng yêu nước ngay trên bàn phím ở nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi cảm nhận, cuộc sống, công việc hàng ngày của lực lượng CSB, lực lượng kiểm ngư luôn phải đối diện với hiểm nguy. Tận mắt chứng kiến hành vi trâng tráo, ngang ngược của tàu bè, máy bay Trung Quốc gây hấn với lực lượng chấp pháp của Việt Nam với âm mưu bá quyền độc chiếm Biển Đông. Miệng họ luôn nói hòa bình không xưng bá nhưng tay họ (Trung Quốc) đang làm phức tạp hóa tình hình”.

Anh Tường nhờ bạn ở Đà Nẵng mua tới 10 chiếc USB để copy tin, bài, hình ảnh, clip rồi gửi sang tàu có vệ tinh Vinasat chuyển về tòa soạn. Thế nhưng một tuần trôi qua, tôi vẫn chưa thấy anh gửi tới con tàu có vệ tinh Vinasat chiếc USB nào. Hôm trở về đất liền chúng tôi gặp lại nhau, nhà báo Tường khoe: “Anh tường thuật được 6-7 bài về tòa soạn nhé. Xé cả lịch treo tường ở trên tàu để viết tin đấy. Nói rồi anh chìa ra một mớ bản thảo kiểu như thời các cụ ta tác nghiệp ở chiến trường vậy”.

Hầu hết các thông tin đều phải qua lực lượng chức năng kiểm duyệt trước khi chuyển về tòa soạn. Nhưng khi nhận được sự đồng ý cho chuyển rồi thì sự khó khăn các phóng viên thường xuyên gặp phải đó là sóng điện thoại vệ tinh chập chờn lúc có, lúc không. Tác nghiệp báo chí trong điều kiện không internet, không điện thoại thông dụng gần như bị… “cụt tay”. Phương tiện duy nhất có thể sử dụng hiệu quả ở đây là những chiếc điện thoại vệ tinh. Nhưng nói rõ để bạn đọc hiểu là điện thoại vệ tinh không đơn giản giống chúng ta dùng di động ở nhà.

Thứ nhất cước phí rất cao, gần 30 nghìn đồng/phút, thứ hai không phải ở vị trí nào cũng tìm thấy sóng. Chính bản thân PV Báo Lao Động trong nhiều lần gọi điện về Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung -Tây Nguyên cũng phải chạy khắp nơi, lúc ở đầu mũi tàu, lúc về đuôi tàu, khi quay qua hai hông tàu nhưng còn phải tắt đi bật lại nhiều lần mới kết nối được với đất liền để đọc tin. Song được tận mắt nhìn thấy Hoàng Sa trong thời điểm người dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và dư luận thế giới đặc biệt phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đó thực sự là niềm tự hào đối với các nhà báo.

Hoàng Sa, ngày 3.6.2014. Anh Tuấn

Theo  Lao động