Vợ có đơn, chồng không được cá cược bóng đá?
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, luật sư Hoàng Tùng, văn phòng luật sư Trung Hòa (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết nếu luật pháp đã cho phép được cá cược bóng đá thì người dân có quyền được tham gia
(Thời sự) – Dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế do Bộ Tài chính trình UBTVQH có quy định “nếu người thân có đơn thì đối tượng đó không được phép tham gia đặt cược”.
Khó thực hiện
Đây là một trong những nội dung được quy định trong Điều 7 của dự thảo nghị định này. Theo đó, nêu rõ có 7 đối tượng không được phép tham gia đặt cược, trong đó, nếu đối tượng thuộc diện bị người thân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong gia đình (là bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột) có đơn đề nghị doanh nghiệp không cho tham gia đặt cược.
Theo lý giải của Bộ Tài Chính, đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh đặt cược với gia đình người chơi hoặc với xã hội để kiểm soát người chơi, hạn chế tác động xấu đến gia đình và xã hội. Trên thực tế, vì cá cược trái phép, đã có nhiều vụ án, tai họa cho người chơi xuất phát từ việc ham mê quá mức (thua nhiều, nợ nần, lừa đảo, trộm cướp) gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, luật sư Hoàng Tùng, văn phòng luật sư Trung Hòa (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết nếu luật pháp đã cho phép được cá cược bóng đá thì người dân có quyền được tham gia. Nếu có sở thích, có khả năng và hợp pháp thì không thể cấm bằng hình thức này hay hình thức khác.
Theo luật sư Tùng, căn cứ vào các quy định hiện hành của luật dân sự, khi sử dụng tài sản chung để tham gia cá cược thì cần có sự đồng ý của người còn lại, nhưng nếu sử dụng tài sản riêng thì không thể cấm ngay cả khi bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột có đơn.
Ngay cả luật Hôn nhân và gia đình cũng không điều chỉnh việc này mà chỉ đề cập ở góc độ tài sản chung – riêng. “Do đó, ở phương diện là một luật sư, tôi cho là quy định sẽ không khả thi và khó thực hiện”, ông nói.
Trong khi đó, theo ghi nhận của VietnamNet từ các diễn đàn xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đây là lĩnh vực có độ rủi ro cao, khó có chuyện người vợ nào đồng ý để chồng chơi cá cược với mức 1 triệu đồng/ngày (thậm chí nhiều hơn) và cũng không phải ông chồng nào đi cá cược cũng “báo cáo” vợ con, bố mẹ để xin phép.
Đánh giá tác động xã hội
Nhiều ý kiến đưa ra bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an ninh, trật tự xã hội nếu hợp pháp hóa cá cược bóng đá quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết báo cáo đánh giá tác động của nghị định này mới nêu ra những tác động tích cực (đẩy lùi cá cược bất hợp pháp, như tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách để phục vụ các mục tiêu phúc lợi xã hội) chứ chưa đánh giá tác động tiêu cực của nó.
“Báo chí đưa tin sinh viên không có tiền vay nặng lãi xã hội đen để đánh bạc. Nếu đưa ra vấn đề thu ngân sách để mà thuyết phục thì e là khó nhận được sự ủng hộ”, bà nói.
Chủ nhiệm UB Dân tộc Ksor Phước cho rằng: “Không thể thế giới có cái gì thì ta cũng phải có và luật pháp hoá, công khai nó…Nếu đồng ý thì lo mà không đồng ý thì bị nói là mấy ông già, lạc hậu”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng hậu quả của cá cược bóng đá ở Việt Nam hiện rất lớn. Đặt ra việc này là để giải quyết vấn đề xã hội chứ không phải thu ngân sách, kinh tế.
Bà Trương Thị Mai đề nghị Bộ Tài chính cần đánh giá lại về tác động của nghị định này đối với kinh tế – xã hội, an ninh trật tự.
Tại phiên họp của UBTVQH, đại diện Bộ Công an cho hay, hiện nay hoạt động đặt cược thông qua các hoạt động giải trí như bóng đá quốc tế, đua chó, đua ngựa (thực chất là đánh bạc, gá bạc) đang diễn biến rất phức tạp, khiến công tác bảo đảm an ninh trật tự của đất nước khó khăn.
Theo Bộ này, việc cho phép kinh doanh đặt cược dù ở mức độ nào cũng cần phải hết sức cân nhắc. Dự thảo nghị định cần tiếp tục chỉnh lý để các quy định được chặt chẽ hơn.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình và cho biết đây là nội dung nhạy cảm nên cần đánh giá đầy đủ, đúng mức, các quy định cần rõ ràng, chặt chẽ hơn.
(BVN)
Nguồn tin:Theo: VNNET