Giá xăng tăng kỷ lục vào “giờ hiểm”: Bộ Tài Chính giải trình thế nào?
Bộ Tài chính thừa nhận, từ đầu năm tới nay trong số 10 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, riêng mặt hàng xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần…
Lý giải nguyên nhân giá xăng liên tục tăng từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý Giá cho biết: Việc Liên Bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh giá được thực hiện theo đúng quy định với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày.
Việc giá xăng liên tục tăng là do giá xăng dầu thế giới liên tục biến động phức tạp và theo chiều hướng tăng.
Với lần tăng giá mới nhất, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng thế giới từ ngày 5/6 – 6/7 đã tăng từ 116 USD/thùng lên 126 USD/thùng và biến động khó lường. Giá xăng tính bình quân theo chu kỳ 30 ngày là 122 USD/thùng. Việc điều chỉnh giá đã được tính toán rất kỹ theo hướng kiềm chế bằng cách sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá.
“Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu đã được tính toán rất kỹ theo hướng kiềm chế và sử dụng linh hoạt Quỹ BOG. Nếu không sử dụng trích Quỹ thì giá sẽ còn tăng cao nhiều hơn. Đáng nhẽ là tăng 918 đồng nhưng vì sử dụng quỹ bình ổn 500 đồng/lít nên chỉ tăng 418 đồng/lít.”, ông Tuấn khẳng định.
Giải thích thêm về chênh lệch giữa giá xăng dầu bán lẻ tại vùng 1 và vùng 2 chênh nhau khá cao, khi hiện giá bán lẻ xăng RON 92 đã lên tới 26.150 đồng/lít (theo biểu giá của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex), ông Tuấn cho hay, liên Bộ chỉ điều hành giá trần vùng 1, còn giá tại vùng 2 là do doanh nghiệp quyết định, mức điều chỉnh không quá 2% so với vùng
Lãnh đạo Cục Quản lý Giá cũng thừa nhận, từ đầu năm tới nay trong số 10 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, riêng mặt hàng xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần với mức tăng tổng cộng 1.430 đồng/lít.
Giải thích về thời điểm điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu luôn được thực hiện vào “giờ hiểm” 20h, ông Tuấn khẳng định, thời điểm điều chỉnh giá như vậy không phải là “giờ hiểm”. Đây là thời điểm thích hợp nhất để các doanh nghiệp xăng dầu báo cáo tồn kho và không làm xáo trộn đến hoạt động kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
Trả lời câu hỏi “Tại sao Bộ chưa tính đến phương án giảm các thuế để kìm giá xăng vì hiện mặt hàng này đang phải gánh quá nhiều loại thuế?”, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình tăng giá mặt hàng xăng dầu, cơ quan này đã cân nhắc mọi phương án. Tuy nhiên, thuế là một khoản thu của ngân sách nên phải cân nhắc rất kỹ nếu tăng hoặc giảm. Hơn nữa, để thực hiện chính sách đó cũng không phải ngày một ngày hai.
Trước thắc mắc cho rằng các doanh nghiệp khi xin tăng giá thì báo lỗ, cuối năm lại lãi to làm người tiêu dùng nghi ngờ tính “nhập nhằng” của những doanh nghiệp này, ông Tuấn giải thích, thực tế, doanh nghiệp không báo lỗ, mà chỉ đưa ra mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở.
Đối với câu hỏi Bộ Tài chính làm rõ tác động của giá xăng tới diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Cục trưởng cho biết, mỗi lần điều chỉnh tăng giá mặt hàng xăng dầu, cơ quan quản lý đều có đánh giá tác động tới CPI. Khi điều chỉnh, Bộ Tài chính đều cân đối việc sử dụng quỹ bình ổn để tránh gây sốc với điều hành giá, nên từ đầu năm CPI vẫn ở mức độ kỳ vọng của Chính phủ. Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì mức tăng còn nhiều hơn.
Theo đó, chỉ số lạm phát trong 6 tháng đầu năm được duy trì ở mức kỳ vọng và chỉ số CPI ở mức thấp với 1,38%. Đây là một trong những mức CPI thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nguồn tin:Theo GDVN