Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện Dự án trồng keo, người ta “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh

Mấy tháng nay, dư luận nhân dân rất bất bình, tiếc nuối khi nhìn thấy vùng diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh thuộc Khe Dầu, Nẹ, Khe Đá tai mèo, Bằng Nọng, Nọng cái giang (núi Lâm Động) thuộc các xã Xuân Lâm, xã Nguyên Bình, Phú Sơn của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa bị đốt cháy và cắt hạ biến thành rừng trọc để thực hiện Dự án trồng cây keo…

 

Về mà coi họ phá rừng…

Thập kỉ 70, 80 thế kỉ trước, núi Lâm Động là rừng già nhiều gỗ quý hiếm như lim, táu, dẻ, vàng tâm… Vào năm 1990, rừng được đóng cửa để bảo vệ, phát triển rừng tái sinh. Sau hơn 20 năm, rừng phát triển dày đặc, cây có đường kính 40 đến 50cm, những bụi nứa cây to như bắp tay; người dân sinh sống ở bìa rừng được hưởng lợi từ sự bao phủ về sinh thái, thảm thực vật dày giữ được độ ẩm, quanh năm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, giữ được màu mỡ cho đất. Theo phản ánh của dân, rừng tái sinh hai năm nay bị đốt, hạ không thương tiếc, Ban Quản lí Rừng phòng hộ (BQLRPH) Tĩnh Gia thuê thợ người dân tộc thiểu số 160.000 đồng/ngày công, dùng máy cưa điện cắt hạ gỗ chở đi đâu bán dân không biết, cành cây được cắt, xếp lên ô-tô của BQLRPH chở đi bán cho nhân dân Se Thôn, xã Xuân Lâm và vùng lân cận làm củi với giá 4 triệu đồng/xe. Dự án trồng cây keo thuê nhân công thôn Xuân Nguyên, xã Nguyên Bình và các thôn Khe Dầu, Se Thôn, xã Xuân Lâm 200.000 đồng/người/ngày công. Khoản tiền thu từ gỗ và củi do chặt hạ, đốt rừng khổng lồ này có được đưa vào ngân sách nhà nước không? Hay vào túi “lợi ích nhóm” có trời mới biết.

Tìm hiểu sự thật… đau lắm rừng ơi!

Những ngày thời tiết tốt, đứng ở Quốc lộ 1A nhìn lên núi Lâm Động thấy rất rõ những cánh rừng bị đốt cháy lên đến đỉnh mà xót xa, tiếc nuối cho rừng. Lần theo sự phản ánh của người dân, đến ngã ba đường thôn Khe Dầu, xã Xuân Lâm vẫn còn tấm biển lớn bằng xi-măng cao 2m rộng hơn 2,5m chắn trước mặt, ghi dòng chữ lớn “Rừng phòng hộ, cấm chặt phá và khai thác rừng trái phép…”. Phía sau tấm biển này là cánh rừng tái sinh, nhưng đã bị tàn phá trơ trọi, thay vào đó là những cây keo mới trồng. Người dân than thở: “Chẳng hiểu “ông” Nhà nước tính kiểu chi (gì), khu rừng tái sinh đóng cửa hơn hai chục năm cây tốt ngút ngàn bỗng dưng bị đốt, chặt lấy gỗ, củi để bán, rồi lại trồng keo. Rừng trồng keo bao giờ mới được bằng rừng tái sinh mà họ đang phá. Lên trên đỉnh núi mà xem họ lập trại cắt gỗ, phá rừng để làm dự án mà thấy xót cho rừng quá!”.

Ông Trương Bá Sơn, Trưởng thôn  Đá Tròng (thôn 4), sinh sống hơn ba chục năm ngay bìa rừng tái sinh bị đốt hạ, cho biết: Rừng do BQLRPH Tĩnh Gia quản lí, chặt phá là quyền của họ, dân không được biết, chính quyền xã cũng không hay, trong khi đất rừng nằm trong địa giới hành chính của xã. Vào khoảng năm 2009, rừng thông Khe Dầu có đường kính 2,5 đến 3cm bị cháy, ngày hôm sau họ thuê máy cắt và thuê đơn vị bộ đội bốc xếp chở đi. Cháy rừng, BQLRPH Tĩnh Gia được “cơ hội” khai thác gỗ, củi rồi xin làm dự án trồng cây keo, lại có tiền.

Ông Sơn bộc bạch: “Hai năm nay họ đốt rừng làm dự án trồng keo, dân xót lắm. Rừng đốt cháy, núi trọc không giữ được nước, mùa mưa, nước, đá, cát trên rừng xối xả xuống đồng ruộng, hoa màu bị ngập, mùa lạc thu hoạch không kịp, thối hết. Nắng lên thì khô hạn, vì rừng kiệt không còn thảm thực vật giữ nước, ruộng khô hạn bạc màu, còn sợ lũ quét…”. Gia đình ông Sơn và các hộ dân thôn 4 nhận khoán rừng theo dự án trước đây, đã được cấp GCNQSDĐ nhưng không được hưởng tiền dịch vụ môi trường theo hướng dẫn tại Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC.

Cần kiểm tra, xử lí nghiêm việc đốt rừng phòng hộ tái sinh…

Dư luận cho rằng, ngay cả những người nông dân ít học cũng không bao giờ đốt rừng phòng hộ tái sinh để trồng keo như thế. Thứ nhất, phá hoại môi trường sinh thái, rừng phòng hộ đầu nguồn cây cối phải giữ được độ bao phủ, thảm thực vật phải dày mới chống được lũ quét, sạt lở, giữ được nguồn nước chống lũ ống. Thứ hai, đốt phá rừng tái sinh như thế là phạm “tội phá hoại rừng”. Dự án trồng rừng kiểu đó lãng phí, đốt tiền của Nhà nước, tạo kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí. Thứ ba, rừng đang là sở hữu của Nhà nước, khi đốt rừng thực hiện Dự án trồng keo xong rất dễ biến thành tài sản của cá nhân hoặc “nhóm lợi ích”.

Đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Tĩnh Gia cho kiểm tra, buộc dừng ngay việc đốt rừng tái sinh Khe Dầu, Nẹ, Khe Đá tai mèo, Bằng Nọng, Nọng Cái Giang (núi Lâm Động) nhằm giữ lại màu xanh cho rừng. Rà soát việc giao rừng, nên giao cho chính quyền địa phương quản lí theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 và điểm d, Điều 4 tại Quyết định số 245/1998/QĐ TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh Việt Hoàn