Vụ clip “bắt tôm”: Dân phòng có được thu đồ người vi phạm?
Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội, theo Nghị định 38/2006, quy định về quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố thì họ chỉ là lực lượng được xây dựng để hỗ trợ công an phường chứ không có nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính
(ĐSPL)- Việc dân phòng thu đồ của dân như trong clip là không đúng vì họ thu đồ của người vi phạm (bán hàng rong) không đúng thẩm quyền, khi thu không có biên bản, giấy tờ gì.
Xem clip dân phòng bắt giữ rổ tôm của một phụ nữ bán hàng rong:
Trên mạng xã hội vừa xuất hiện một clip dài hơn 2 phút có nội dung phản ánh về việc lực lượng thực thi pháp luật của thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắt rổ tôm của của một người phụ nữ bán hàng rong, gây xôn xao dư luận.
Sau khi video này xuất hiện đã có những lời bình thiếu thiện cảm về lực lượng thực thi pháp luật của Sầm Sơn. Theo người đăng tải video, thời điểm diễn ra vụ việc là vào lúc 9 giờ sáng ngày 12/7, tại khu vực bãi tắm C, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn lại cho rằng: “Chúng tôi không thể bắt đẹp hơn thế được. Trong video anh cán bộ đó bắt như thế là còn nhân đạo chán, nếu như là tôi ở đó tôi còn bắt hết cả cơ”.
Dưới đây, báo Đời sống và Pháp luật ghi nhận ý kiến của một số luật sư xung quanh sự việc này.
Luật sư Hoàng Tùng. |
Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội, theo Nghị định 38/2006, quy định về quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố thì họ chỉ là lực lượng được xây dựng để hỗ trợ công an phường chứ không có nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính. Trong Nghị định này quy định rõ tại khoản 1,2,3, điều 6, quyền hạn của bảo vệ dân phố:
1. Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.
3. Tham gia với lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.
Quy định là vậy nhưng thực tế hiện nay trên địa bàn cả nước đang diễn ra hiện tượng dân phòng lạm dụng làm quá quyền hạn cho phép của mình.
Việc dân phòng thu đồ của dân như trong clip là không đúng vì họ thu đồ của người vi phạm (bán hàng rong) không đúng thẩm quyền, khi thu không có biên bản, giấy tờ gì.
Luật sư Nguyễn Đắc Thực. |
Luật sư Nguyễn Đắc Thực, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cũng cho biết: trường hợp cán bộ dân phòng (bảo vệ dân phố) “cướp tôm” như vậy là không đúng. Trong trường hợp này cán bộ dân phòng chỉ được “yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”.
Việc cán bộ dân phòng thu giữ tôm của người bán hàng rong là vi phạm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của “bảo vệ dân phố”, cụ thể trong trường hợp này thì bảo vệ dân phố đã vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP.
Luật sư Thực cho biết thêm: việc thu giữ tôm không có biên lai hay biên bản như vậy vi phạm quy định khi thực hiện quyền hạn theo quy định tại Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006, bảo vệ dân phố phải có sự phối hợp với các lực lượng chức năng như cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự…
Trong trường hợp không có các lực lượng trên, bảo vệ dân phố chỉ có quyền nhắc nhở, yêu cầu cá nhân, tổ chức có vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc bảo vệ dân phố bắt rổ tôm của của một người phụ nữ bán hàng rong như trong clip là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố. Hành vi này cần được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Dân phòng giằng co với người bán hàng rong. Ảnh cắt từ clip. |
Việc các bảo vệ dân phố ở nhiều địa phương ngang nhiên đi thu đồ của người dân mà không có biên lai thu giữ, xử phạt” sẽ ảnh hưởng không tốt đến trật tự xã hội, gây mất niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương.
Có lẽ do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các địa phương này còn yếu kém nên dẫn đến việc cán bộ không nắm bắt được các quy định của pháp luật, từ đó có những hành vi thực thi pháp luật trái với quy định, từ đó dẫn đến những bức xúc của người dân đối với lực lượng thực thi pháp luật hoặc có thể dẫn đến việc người dân có phản ứng thái quá, dẫn đến gây mất trật tự xã hội.
Hành vi của dân phòng trong clip và tất cả các sự việc khác đã diễn ra trên cả nước bị phản ánh có bằng chứng thể hiện việc, dân phòng có những biểu hiện lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ đã giằng co với người buôn bán hàng rong, thu đồ, đánh người, chặn xe… trong khi chức năng nhiệm vụ của mình chỉ là hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự.
Theo tôi, trong trường hợp trên, các cấp chính quyền cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi thu giữ tôm của bảo vệ dân phố, đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới toàn thể nhân dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp người dân tự nhận thức và thực hiện theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cần sớm chỉ đạo xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.
SƠN HÙNG
Nguồn tin:Theo: DS&PL