Trách nhiệm của công dân phải tố giác tội phạm

Theo dự thảo BLHS (sửa đổi), người thân của người phạm tội sẽ không còn bị xử lý hình sự về tội danh “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm”nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh này cũng gây cản trở quá trình điều tra của cơ quan công an cũng như làm gia tăng tội phạm… Xung quanh vấn đề này, phóng viên LĐTĐ có cuộc trao đổi với một số luật sư.
LS Hoàng Tùng– VPLS Trung Hoà: Không xử lý hình sự sẽ tạo điều kiện cho tội phạm lẩn trốn.

Việc loại bỏ hai tội danh này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của BLHS có những ưu điểm và nhược điểm. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” sẽ đề cao quyền con người, hướng đến sự nhân đạo, khiến xã hội giảm thiểu đáng kể một thành phần bị coi là tội phạm. Có nhiều trường hợp, vì không hiểu biết pháp luật, chỉ vì tình cảm mà vô tình vướng vào vòng lao lý. Khi đó, pháp luật nên có những biện pháp răn đe để họ hiểu và sửa chữa chứ không phải chỉ tìm ra các tội danh đưa họ vào vòng lao lý.

Tuy nhiên, nếu bỏ hai tội danh trên thì sẽ có nhiều sự lũng loạn hơn trong thế giới tội phạm, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của các cơ quan tố tụng. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người che giấu và không tố giác tội phạm sẽ tạo điều kiện cho các tội phạm sau khi gây án có nhiều cơ hội. Việc nghĩ rằng sẽ có một nơi ẩn náu an toàn sau khi gây án khiến những kẻ có ý định phạm tội quyết đoán hơn trong việc biến suy nghĩ phạm tội thành hành động trên thực tế. Những người che giấu, không tố giác tội phạm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn gây hoang mang cho người dân khi họ luôn phải đặt ra câu hỏi có hay không một tội phạm đang được che giấu ở nhà bên?

Theo tôi, việc vẫn giữ nguyên quy định về hai tội danh này như hiện tại là hợp lý. Pháp luật hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm đối với những người che giấu các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Những tội phạm đó cần được tố giác kịp thời nhằm ngăn chặn các mối nguy hại cho xã hội tức thì.

Luật sư Trịnh Huy Đức – Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Không phải hành vi nào cũng bị truy tố.

Theo tôi không nên bỏ hai tội danh này vì việc quy định  hai loại hành vi phạm tội này là cần thiết  để làm sáng tỏ chế định đồng phạm và phân biệt đồng phạm với các hành vi có liên quan đến tội phạm, làm cho quy định của BLHS được rõ ràng, tránh sự nhầm lẫn. Hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm tuy có liên quan đến tội phạm nhưng không phải là hành vi cùng cố ý thực hiện tội phạm thì không là hành vi đồng phạm, mà chỉ cấu thành hai tội độc lập quy định tại điều 313 và 314 BLHS.

Việc không quy định hành vi  không tố giác tội phạm vào BLHS nhằm thể hiện chính sách nhân đạo vì quyền con người thì không cần thiết bởi ngay tại khoản 2,3 điều 314 cũng có quy định thể hiện đường lối này:“ Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 điều này. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”. Hai điều luật này quy đinh nhằm mục đích răn đe, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; làm cho các quy định của BLHS mang tính chặt chẽ hơn, nhằm không bỏ sót tội phạm.

Luật sư Nguyễn Minh Huấn– VPLS Tâm Phúc An: Trách nhiệm của công dân phải tố giác tội phạm.

Hành vi che giấu tội phạm thì không hạn chế về đối tượng. Ông, bà, cha, mẹ mà thực hiện hành vi như trên thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đối với các loại tội phạm tại điều 313 BLHS. Thời gian vừa qua liên tục xảy ra những vụ trọng án gây chấn động dư luận có liên quan đến hai tội danh này. Đó là vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tài sản tại Bắc Giang, vụ án Dương Chí Dũng, hay vụ giết lái xe CRV – Kiều Hồng Thành tại Hà Nội… Đáng buồn thay, trong số đó có cả những cá nhân giữ các chức vụ, trọng trách cao trong bộ máy nhà nước, am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Do vậy, dù có biết hay không biết hành vi của người thân vi phạm pháp luật, xâm phạm tới an ninh quốc gia hay là trật tự xã hội, nhưng thấy có những dấu hiệu của tội phạm thì trách nhiệm của người công dân trước hết là phải ngăn chặn, khuyên giải, phải tố giác, phải báo cáo với những cơ quan có trách nhiệm.

Theo tôi, nên giữ nguyên hai loại tội danh và điều khoản này sẽ góp phần xây dựng BLHS trở thành công cụ sắc bén trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và công dân.

Nguồn tin:báo LĐTĐ