Một khi quan tỉnh cũng… “cạp” đất công!
Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu ông Bình không là Phó chủ tịch tỉnh thì liệu gia đình ông có dám “cạp ra” tới gần 400m2 của công và liệu chính quyền địa phương có để cho gia đình ông Bình ngang nhiên lấn chiếm như thế? Câu trả lời ở đây có lẽ là không. Và một khi quan chức còn “cạp đất” thì làm sao nói được người dân lấn chiếm, phải không các bạn?
Vụ việc nhiều nhà của cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, biệt thự “chây ì” của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên chưa “nguôi ngoai” thì một lần nữa, dư luận lại ngỡ ngàng hay tin gia đình ông Hà Hòa Bình, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngang nhiên lấn chiếm đất công. |
Theo phản ánh từ báo chí, UBND phường Tích Sơn (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vừa có kết luận ban đầu về việc kiểm tra, xác minh mốc giới đối với các hộ dân có nhà đất tiếp giáp với đất triển khai dự án hồ Dộc Mở và phần đất các hộ gia đình, cá nhân sử dụng trái phép trong khu vực dự án. Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác xác định có 3 hộ lấn chiếm đất dự án: Ông Phùng Quốc Huy lấn 27,6m2; ông Nguyễn Trường Tiến lấn 53,6m2; ông Hà Hòa Bình lấn 399,2m2.
Điều “ngỡ ngàng” là trong số 3 hộ lấn chiếm đất công, người lấn nhiều nhất, lên tới 399,2m2 nói ở trên lại là gia đình ông Hà Hòa Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trả lời báo chí, ông Chủ tịch phường Tích Sơn Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với ông Bình thì ông ấy giải thích là do con trai ông ấy lấn chiếm, ông không biết”.
UBND P.Tích Sơn cũng cho biết, thửa đất của gia đình ông Hà Hòa Bình được cấp có diện tích trên sổ sách là 1.400 m2, sau đó được tách thửa ra làm 3 hộ gồm ông Hà Hòa Bình, ông Hà Thống Nhất (em trai ông Bình) và Hà Anh Tuấn (con trai ông Bình).
Song, trên thửa đất này chỉ xây một căn biệt thự và hiện giờ chỉ có gia đình ông Hà Hòa Bình thường xuyên sinh sống tại đây. Gia đình con trai ông Bình sống và làm việc ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về.
Một lô đất của một hộ, sau tách ra thành ba hộ, lại chỉ xây dựng một ngôi biệt thự có vẻ cũng “ngờ ngợ” nhưng chuyện một người con sống và làm việc ở Hà Nội lấn chiếm đất ở tận Vĩnh Phúc mà ông bố, một quan chức cao cấp ở chính địa phương này không biết thì không “ngờ ngợ” nữa mà lạ, rất lạ!
Cũng cần nói thêm, ông Bình nghỉ hưu từ ngày 1.11.2014, trong khi khu biệt thự “khủng” có lầu ngũ giác để ngắm cảnh và dãy tường gạch kiên cố dài hàng trăm mét, nhiều cây cảnh nằm trên mảnh đất lấn chiếm này hoàn thành năm 2013. Tức là khi đó, ông Bình đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong khi những năm gần đây, đất đai và những đơn thư khiếu nại, kiện tụng trong lĩnh vực đất đai là vấn đề nóng của xã hội.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra cách đây ít lâu, cho biết có tới 70% đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai.
Có lẽ vì thế mà vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012 (11/2012), bức xúc trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý lĩnh vực đất đai yếu, lại thiếu, trong khi luôn mang thái độ bàng quan, vô cảm trước bức xúc của nhân dân, một vị đại biểu của chính tỉnh này là bà Hồ Thị Thủy đã đề nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi sách nhiễu người dân; truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm.
Trở lại với việc xâm lấn đất đai của gia đình ông Bình, trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên cho biết UBND thành phố đã chỉ đạo phường tiến hành kiểm tra và xử lý triệt để, không có ngoại lệ.
Song, câu hỏi đặt ra ở đây là nếu ông Bình không là Phó chủ tịch tỉnh thì liệu ông có dám “cạp ra” tới gần 400m2 của công và liệu chính quyền địa phương có để cho gia đình ông Bình ngang nhiên lấn chiếm như thế? Câu trả lời ở đây có lẽ là không.
Và một khi quan chức còn “cạp đất” thì làm sao nói được người dân lấn chiếm, phải không các bạn?
Nguồn tin:DT