Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi khẳng định: “Gia đình bà Nguyễn Thị Hà sử dụng đất ở hợp pháp”

Tôi và luật sư Hoàng Tùng sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Nguyễn Thị Hà trước Tòa.

Sau rất nhiều lần bà Nguyễn Thị Hà, 75 tuổi, vợ liệt sĩ Bùi Xuân Liên ở khu Cầu Đơ 2, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội đơn từ qua lại; Báo Người cao tuổi có nhiều bài phản ánh, phê phán, kiến nghị… ngày 23-8-2012 TAND quận Hà Đông đã quyết định đưa ra xét xử vụ án hành chính bà Nguyễn Thị Hà kiện UBND phường Hà Cầu cưỡng chế, thu hồi trái pháp luật nhà, đất gia đình bà đang sử dụng. Luật sư (LS) Vũ Văn Lợi khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi: “Mảnh đất gia đình bà Nguyễn Thị Hà sử dụng là đất ở hợp pháp”…

PV: Chào luật sư! Được biết TAND quận Hà Đông chính thức ra quyết định đưa vụ án hành chính bà Nguyễn Thị Hà kiện UBND phường Hà Cầu ra xét xử. Thông tin này có chính xác không?

LS Vũ Văn Lợi: – Chính xác, tôi cũng vừa nhận được quyết định do Thẩm phán Hoàng Anh Chiến kí cách đây mấy hôm. Chúng tôi đã làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuẩn bị tranh tụng. Tôi và luật sư Hoàng Tùng sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Nguyễn Thị Hà trước Tòa.

PV: Nghe nói phía bị đơn (UBND phường Hà Cầu) cũng mời luật sư bảo vệ. Ông thấy thế nào?

LS Vũ Văn Lợi: – Trong thành phần tham gia tố tụng, phía bị đơn có luật sư Nguyễn Văn Thành của Văn phòng Luật sư Thanhhuyềnđen. Đây là việc rất bình thường trong hoạt động tố tụng. Luật sư bên bị đơn cũng sẽ có quan điểm để bảo vệ thân chủ của họ. Nhưng trên hết vẫn phải tôn trọng sự thật và mang tinh thần thượng tôn pháp luật, hơn nữa luật sư chúng tôi cũng phải góp phần bảo vệ pháp chế XHCN. Theo tôi, có luật sư của cả hai bên thì vẫn tốt hơn, bảo đảm tính khách quan trong tranh tụng. Quan trọng là Hội đồng Xét xử kết luận như thế nào, sau khi nghe các bên đưa ra quan điểm, trên cơ sở các điều luật quy định, phù hợp với phần tranh tụng tại Tòa. Trường hợp Hội đồng Xét xử nghiêng về bất cứ bên nào, đều là thái độ thiếu tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự thật, điều đó không thể chấp nhận.

PV: Dư luận cho rằng, việc ban hành các quyết định cưỡng chế, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và hành vi cưỡng chế của UBND phường Hà Cầu là trái pháp luật. Là người trực tiếp thụ lí hồ sơ, tư vấn pháp lí cho bà Nguyễn Thị Hà ngay sau khi xảy ra sự việc, luật sư cho biết có đúng như vậy không?

LS Vũ Văn Lợi: – Việc UBND phường Hà Cầu cưỡng chế, phá dỡ trái pháp luật nhà bà Nguyễn Thị Hà thì quá rõ rồi. Bằng chứng là khi ban hành Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 14-10-2010 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra… và Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 21-10-2010 về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, UBND phường Hà Cầu không nêu được căn cứ xác đáng. Họ cho rằng, bà Hà lấn chiếm đất công để xây dựng công trình trái phép. Điều này hoàn toàn sai, bà Hà ra dọn bãi rác trên đất lưu không ở đầu làng Đơ để ở từ năm 1986 và ở ổn định suốt từ đó đến khi bị cưỡng chế. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, thì đất ở của bà Hà phải được xác định là hợp pháp. Ở đây không có chuyện lấn chiếm đất công. Nếu là đất công, thì trong hồ sơ quản lí đất đai tại phường Hà Cầu đã không thể hiện là thổ cư. Bà Hà làm nhà ở suốt từ năm 1986, cho đến trước ngày UBND phường Hà Cầu ra quyết định cưỡng chế, chưa bao giờ bị chính quyền lập biên bản xử lí, thì không thể nói bà Hà lấn chiếm đất công.

Ngày 20-11-2010 UBND phường có Công văn số 106/UBND-TP trả lời đơn của bà Hà, nói rằng thực hiện chương trình 09/CTr-Th.U của Thành ủy Hà Đông (cũ), thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-ĐU của Đảng ủy phường… để giải thích cho việc cưỡng chế nhà bà Hà thì càng sai, vì đây không phải là căn cứ để tiến hành cưỡng chế nhà ở của dân. Chính Chủ tịch UBND phường Hà Cầu Nguyễn Văn Hùng đã kí Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 28-2-2012, hủy bỏ hai quyết định trên với lí do: “Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 14-10-2010 và Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 21-10-2010 của Chủ tịch UBND phường Hà Cầu ban hành không đúng thẩm quyền và thể thức văn bản”. Rõ ràng, quyết định đã trái luật, thì hành vi cưỡng chế để thực hiện hai quyết định nêu trên cũng trái luật.

PV: Như vậy, đất bà Hà sử dụng có hợp pháp không? Nếu hợp pháp thì những căn cứ nào để khẳng định?

LS Vũ Văn Lợi: – Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, tôi khẳng định: Đất gia đình bà Hà sử dụng là đất ở hợp pháp. Còn căn cứ, trước tiên phải cảm ơn các nhà báo, với thông tin ban đầu là ảnh chụp một góc tờ bản đồ địa chính số 14 (2B-I-B-d), xã Hà Cầu (nay là phường Hà Cầu), đo vẽ năm 1998, thửa đất bà Hà sử dụng mang số 5, kí hiệu “T” (tức thổ cư). Sổ mục kê ghi chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị Hà. Từ thông tin này, gia đình bà Hà đã đến Sở Tài nguyên và Môi trường sao chụp được tài liệu gồm: Bản đồ số 14 (2B-I-B-d); Hồ sơ kĩ thuật thửa đất; Biên bản xác định ranh giới, mốc giới, khẳng định được thửa đất số 5 là đất ở, mang tên chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị Hà. Tuy gia đình bà Hà không có một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai 2003, nhưng khoản 4 Điều này quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp GCNQSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Trước khi cưỡng chế thu hồi đất, UBND quận Hà Đông không có kế hoạch sử dụng đất này để mở rộng đường đi công cộng. Mặt khác, gia đình bà Hà sử dụng đất từ năm 1986 cho đến thời điểm bị UBND phường Hà Cầu cưỡng chế, luôn chấp hành tốt nghĩa vụ với Nhà nước. Đó là những căn cứ vững chắc nhất để khẳng định tính hợp pháp, bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình bà Nguyễn Thị Hà.

PV: Nhưng có căn cứ rằng gia đình bà Hà đã kí biên bản và giấy cam kết là ở nhờ trên đất công, khi Nhà nước cần đến, gia đình tự tháo dỡ, trả lại đất cho xã và không đòi đền bù. Ông nghĩ sao về việc này?

LS Vũ Văn Lợi: – Những tờ giấy đó chẳng có giá trị gì về pháp lí. Trong các văn bản trả lời đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hà, cả cấp phường lẫn cấp quận đều viện dẫn ra những giấy tờ này, với nội dung: “Ngày 22-3-1999, bà Hà đã viết giấy cam đoan gửi ban xét duyệt đất giãn dân thôn Cầu Đơ và UBND xã Hà Cầu với nội dung như sau: Tôi làm đơn này xin cam đoan với chính quyền xã sau khi nhận được đất và làm nhà xong, gia đình tôi sẽ hoàn trả lại đất cho xã”; “Ngày 13-4-1999, UBND xã Hà Cầu có lập biên bản, bà Nguyễn Thị Hà đã cam kết với nội dung: Khi được UBND xã Hà Cầu giao đất, tôi sẽ làm nhà để di chuyển và tự tháo dỡ nhà làm nhờ trên đất công của xã…”.

Tuy nhiên, đây không thể lấy làm căn cứ để nói đó là đất công, bởi khi đó trong tình thế mong muốn được giao đất giãn cư, bà Hà buộc phải kí vào Biên bản cam kết do xã lập. Mặt khác, Biên bản cam kết ngày 13-4-1999 được lập sơ sài, cẩu thả với thành phần chỉ có Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ địa chính (nay là Chủ tịch UBND phường) và phía gia đình chỉ có bà Hà và anh Lâm, con trai bà Hà, thì không đúng quy định của pháp luật, không bảo đảm tính pháp lí. Hơn nữa, chính ông Hùng với tư cách cán bộ địa chính, năm 1998 lập hồ sơ địa chính đã xác định đất đó là đất ở hợp pháp mang tên bà Nguyễn Thị Hà. Thế mà cũng chính ông Hùng chỉ sau đó một năm lại tham gia “ép” bà Hà kí vào biên bản là gia đình bà mượn đất công, thì quả là không trung thực. Họ lợi dụng gia đình bà Hà thiếu hiểu biết pháp luật, không biết mảnh đất mình đang ở là hợp pháp, ngay cả khi bị cưỡng chế rồi, gia đình bà Hà vẫn chưa biết điều đó. Còn về Giấy cam đoan đề ngày 22-3-1999, rõ ràng bị giả mạo, bằng chứng chữ viết trong văn bản không phải của bà Hà, chữ kí đề hẳn tên, không phải chữ kí của bà Nguyễn Thị Hà. Do đó, văn bản này là bất hợp pháp.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Hoàng Linh (Thực hiện)

Nguồn tin:Theo: NCT