Khai báo y tế gian dối: Liệu có xử lý trách nhiệm hình sự?
Đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 19 trường hợp nhiễm nCoV kể từ ngày 06/3. Trong đó có 16 trường hợp có liên quan đến bệnh nhân thứ 17 – nữ bệnh nhân N. H. N. – 26 tuổi, phát hiện nhiễm Covid-19 ngày 06/3 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng TP. Hà Nội, ngày 15/02/2020, bệnh nhân N. H. N. từ Nội Bài bay đi Anh thăm người thân. Đến ngày 18/02, sang Milan (Ý) du lịch 2 ngày, đến ngày 20/02 quay lại London (Anh). Ngày 25/02, chị N. đi tàu sang Paris (Pháp), sau đó quay trở lại Anh.
Trong thời gian này, chị N. đã tiếp xúc với nhiều người và có biểu hiện ho, hắt hơi, đau mỏi, nhưng không đi thăm khám ở đâu.
Đến ngày 01/3, chị N. H. N. lên máy bay trở về nước qua cửa khẩu Nội Bài. Với các biểu hiện sốt, mệt mỏi, và đã tới Bệnh viện Hồng Ngọc (cơ sở 55 Yên Ninh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) thăm khám vào ngày 05/3 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị, bởi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19).
Việc bệnh nhân N.H.N. nhập cảnh vào Việt Nam khi đã đi qua vùng dịch tại Ý đã không được phát hiện. Dù trước đó (từ ngày 29/02), Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương áp dụng biện pháp người nhập cảnh từ Ý và Iran phải khai báo y tế.
Ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, bệnh nhân N. H. N. đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 02/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực, dẫn đến việc bỏ lọt 1 ca bệnh nguy hiểm.
“Đến lúc chúng tôi có phỏng vấn, điều tra thêm, người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác”, ông Tuấn cho biết thêm.
Việc trốn tránh khai báo, hoặc khai báo không trung thực dẫn tới dịch bệnh lây lan trong cộng đồng theo quy định của pháp luật hiện hành xử lý như thế nào?
Theo Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với hành vi cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch Corona sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).
Về xử phạt vi phạm hành chính: Hiện nay, mức phạt đối với các hành vi trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch Corona sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). |
Bên cạnh đó, có thể phải chịu TNHS nếu người nào có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: … c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người Trường hợp gây ra các hậu quả nặng nề hơn như chết người, chết nhiều người hoặc phải tiến hành công bố dịch theo các cấp thì mức xử phạt có thể lên tới 12 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Pháp luật đã có những quy định và chế tài cho các hành vi vi phạm nêu trên. Do vậy, người dân cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Luật sư Tùng nói.
Luật sư Tùng cũng nêu quan điểm, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cần phải tiến hành chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt là đối với các cá nhân, du khách nhập cảnh vào Việt Nam từ tất cả các con đường. Đã xảy ra 2 trường hợp lọt qua phần kiểm tra an ninh và dương tính với Corona, ngoài ra còn một số trường hợp trốn khỏi kiểm tra, livestream trên mạng xã hội chia sẻ cách trốn cách ly, trốn kiểm tra,… Điều này chứng tỏ rằng các cơ quan chức năng cần phải thắt chặt hơn nữa công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ của mình. Phải cẩn thận để tránh và xử lý các trường hợp trốn tránh, khai báo gian dối,… Không những vậy, cũng cần phải tiến hành xử lý nghiêm khắc các hành vi chống đối, trốn tránh kiểm tra, cách ly của những người vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh cho người dân.
Trường hợp có hành vi lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát dẫn đến bỏ sót các đối tượng có mầm bệnh, nguy cơ lây nhiễm, trờ về từ dùng có dịch hoặc cố tình đồng ý cho qua cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật (trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể truy cứu TNHS về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).
Người dân Việt Nam, đặc biệt là những người nhập cảnh về Việt Nam trong thời gian này và du khách nước ngoài cần phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng và chống dịch bệnh. Tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, các quá trình kiểm tra, trung thực cung cấp lộ trình và tình trạng sức khỏe của bản thân để chung tay góp sức vào cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (virus SARS-CoV-2, dịch bệnh Covid-19) ngày 11/3/2020, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng, theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. |
Nguồn:
https://lsvn.vn/khai-bao-y-te-gian-doi-lieu-co-xu-ly-trach-nhiem-hinh-su.html