Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của BLHS 2015

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

  1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

  1. Chủ thể thực hiện hành vi

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai nếu thoả mãn các điều kiện quy định của pháp luật đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng, nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này

  1. Hành vi phạm tội

Hành vi khách quan của người phạm tội là hành vi cho người khác vay tiền. Hành vi cho vay có thể được biểu hiện nhiều dạng khác nhau, người cho vay và người vay có thể bằng một hợp đồng viết, nhưng có thể chỉ bằng một hợp đồng miệng. Cho vay ở đây là cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Căn cứ vào điều 468 quy định về Lãi suất của Bộ luật dân sự 2015 thì:

1.Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2.Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Thủ đoạn mà người phạm tội cho vay lãi nặng thường lợi dụng người đi vay gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bị thiên tại, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần một số tiền gấp để trang trải, nên người cho vay đã “ép” người vay phải chịu lãi suất cao.

  1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

Có ý kiến cho rằng, ngoài lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tội cho vay lãi nặng còn bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh khác như: cho thuê tài sản (kể cả bất động sản và động sản), vì trên thực tế không chỉ cho vay tiền mà còn cho thuê, mướn tài sản với số tiền thuê rất cao và cũng có tính chất bóc lột, nếu chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ thì chưa đáp ứng được tình hình, nhất là trong một nền kinh tế thị trường.

Quan điểm trên cũng có nhân tố hợp lý nhưng tội phạm này, nhà làm luật chỉ quy định hành vi cho vay mà không quy định hành vi cho thuê tài sản, thực ra hành vi cho vay, xét về bản chất cũng là hành vi cho thuê, nhưng là cho thuê tiền, song không ai gọi là cho thuê tiền. Hơn nữa, việc cho vay tiền còn có quy định của ngân hàng về lãi suất, trên cơ sở lãi suất do ngân hàng quy định để xác định người cho vay đã lấy lãi từ mười lần trở lên hay không.

Đối tượng tác động của tội phạm này là số tiền mà người phạm tội cho người khác vay, dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp.

  1. Hậu quả và mối quan hệ nhân quả

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi quá cao.

Đối với tội cho vay lãi nặng, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Theo khoản 1 điều 201 BLHS 2015 quy định hậu quả là thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, như vậy hậu quả không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.

Ở đây, BLHS 2015 đã bỏ tình tiết “có tính chất bóc lột”. Có tính chất bóc lột là hành vi cho vay lãi nặng nhằm trục lợi bất chính, người phạm tội chuyên sống bằng nghề cho vay lãi nặng, làm cho người vay phải điêu đứng, thậm chí phải gán cả tài sản, nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ hoặc đến làm con sen, con ở trong nhà người cho vay để trừ nợ. Tuy nhiên, việc xác định hành vi cho vay lãi nặng có tính chất bóc lột cũng là vấn đề trừu tượng bởi vậy khó xác định trên thực tế nên nhà làm luật đã bỏ ra khỏi cấu thành tội phạm.

5.Hình phạt

Theo quy định tại khoản 1 điều 201 BLHS 2015 thì người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Theo khoản 2 điều này, phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, theo khoản 3 người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.