Chế định chuẩn bị phạm tội theo Bộ luật hình sự 2015
LSVNO – Ở phần thứ nhất (còn gọi là phần chung) Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015), có 2 điều luật quy định về chế định “chuẩn bị phạm tội”, đó là Điều 14 và Điều 57.
Theo Điều 14 BLHS 2015 thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS.
So với Điều 17 BLHS 1999 thì Điều 14 BLHS 2015 bổ sung nội dung“thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS”.
Vấn đề đặt ra là, tại sao nhà làm luật lại trừ ba trường hợp phạm tội không phải là chuẩn bị phạm tội, trong khi hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm thực ra cũng là hành vi “tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm”.
Nhà làm luật trừ ba trường hợp: thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS không phải là trường hợp chuẩn bị phạm tội là vì Điều 109 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi khách quan, chỉ cần “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là tội phạm đã hoàn thành (cấu thành “cắt xén”). Còn đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113 và điểm a khoản 2 Điều 299 BLHS cũng là hành vi khách quan cấu thành tội phạm nhưng là cấu thành tăng nặng. Cả ba trường hợp trên không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội nữa.
Tuy nhiên, nếu người phạm tội quy định tại khoản 1 và khoản 3 của Điều 109 và Điều 299 BLHS thì vẫn có trường hợp chuẩn bị phạm tội.
Về kỹ thuật lập pháp, quy định như trên tương đối phức tạp, nếu không có kiến thức pháp lý về cấu thành tội phạm, về cấu thành “cắt xén”, về các giai đoạn tội phạm thì rất khó hiểu.
BLHS 2015 còn liệt kê các tội phạm mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, gồm 21 tội, đó là: Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá trại giam); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 3 và 4 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền).
Ngoài 21 trường hợp đã được liệt kê thì đối với các tội phạm khác mà người phạm tội mới chuẩn bị phạm tội thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Riêng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội cướp tài sản ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Về lý luận, chuẩn bị phạm tội là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng ở giai đoạn này người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động. Ví dụ: A chuẩn bị dao để tìm giết B nhưng bị em của A phát hiện nên A không thực hiện hành vi giết B.
Hành vi chuẩn bị phạm tội thường được thể hiện dưới các dạng như sau:
– Chuẩn bị kế hoạch phạm tội như: bàn bạc, phân công trách nhiệm cho từng người, kế hoạch tiêu thụ tài sản hay kế hoạch che giấu tội phạm… Dạng chuẩn bị phạm tội này thường xảy ra đối với những tội phạm được thực hiện có đồng phạm hoặc có tổ chức. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tội phạm chỉ do một người thực hiện vẫn có sự chuẩn bị kế hoạch phạm tội. Ví dụ: A có ý định đầu độc B, tự A đã vạch ra một kế hoạch như mua thuốc độc ở đâu, bỏ thuốc độc vào nước cho B uống như thế nào, sau khi B bị trúng độc thì làm thế nào để che giấu được tội phạm,…
– Thăm dò hoặc tìm địa điểm phạm tội, dạng chuẩn bị này chủ yếu đối với các tội xâm phạm sở hữu hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Ví dụ: A muốn cướp tài sản tại nhà B, nên A đã nhiều lần đến nhà B thăm dò xem quy luật sinh hoạt của gia đình ra sao để tiến hành cướp tài sản.
– Chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội như: chuẩn bị xe máy để đi cướp tài sản, chuẩn bị dao để giết người, chuẩn bị thuốc nổ để hủy hoại tài sản, chuẩn bị xăng để đốt nhà, chuẩn bị thuốc mê để cho người có tài sản uống nhằm chiếm đoạt tài sản của họ…
– Loại trừ trước những trở ngại khách quan để thực hiện tội phạm được thuận lợi, dễ dàng như cho các con đi nghỉ mát để ở nhà giết vợ được dễ dàng.
Như vậy, chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo ra tiền đề (điều kiện) cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi chuẩn bị phạm tội có một ý nghĩa rất quan trọng đến kết quả của việc thực hiện tội phạm, chuẩn bị càng chu đáo, công phu bao nhiêu thì việc thực hiện tội phạm càng đạt kết quả bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội được đánh giá và phân biệt thành hai loại: loại hành vi chuẩn bị phạm tội phải truy cứu trách nhiệm hình sự và loại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù cả hai loại đều chưa gây ra hậu quả, nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi chuẩn bị phạm tội có khác nhau và sự khác nhau đó lại không phụ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi chuẩn bị mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà người đó định thực hiện.
Về lý luận thì chỉ có tội phạm được thực hiện do cố ý (cố ý trực tiếp) thì mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Do đó sẽ không có hành vi chuẩn bị phạm tội mà tội phạm đó sẽ được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp hoặc do lỗi vô ý.
Theo quy định của BLHS 2015, những người chuẩn bị phạm một trong các tội phạm đã được liệt kê trong điều luật là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có một số điều luật nếu chỉ căn cứ vào hành vi chuẩn bị phạm tội thì cũng chưa biết tội phạm đó đã cấu thành hay chưa, mà phải căn cứ vào tội phạm đã hoàn thành mới biết được. Ví dụ: Có một nhóm người đã chuẩn bị hung khí để gây thương tích cho nạn nhân nhưng vì chưa gây thương tích đã bị bắt thì làm sao biết được tỷ lệ thương tật bao nhiêu mà xác định họ có phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hay không mà truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là tội phạm cấu thành vật chất, chứ không phải là cấu thành “cắt xén” mà cho rằng hành vi chuẩn bị phạm tội là hành vi cấu thành tội phạm.
Thiết nghĩ, sau khi BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật (từ 01/01/2018), các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cần hướng dẫn để việc áp dụng thống nhất trong trường hợp chuẩn bị phạm tội.
Việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, BLHS 2015 cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung. Nếu khoản 2 Điều 52 BLHS 1999 quy định: “Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”, thì khoản 2 Điều 52 BLHS 2015 quy định: “Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể”. Vậy hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể là như thế nào? Lại phải lật từng điều luật xem ở đó có quy định phạm tội trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hay không. Nếu điều luật nào có quy định trường hợp chuẩn bị phạm tội thì mới áp dụng, còn điều luật nào không quy định phạm tội trong trường hợp chuẩn bị phạm tội thì không được áp dụng. Ví dụ: Tội hiếp dâm quy định tại Điều 141 BLHS không quy định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội thì dù người chuẩn bị phạm tội hiếp dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 141 BLHS cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với họ. Trong khi đó thì đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 BLHS thì người phạm tội chuẩn bị phạm tội ở bất cứ khoản nào của điều luật cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng khoản 7 Điều 134 BLHS phạt người phạm tội cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nhiều ý cho rằng, quy định như vậy là chưa thỏa đáng, vì khoản 1 Điều 134 cũng chỉ có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, trong khi đó, người phạm tội mới chuẩn bị phạm tội này đã bị áp dụng hình phạt.
Trong quá trình thảo luận về dự án BLHS 2015, cũng như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 cũng có ý kiến cho rằng nên giữ lại quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội như quy định tại Điều 17 và Điều 52 BLHS 1999 hoặc bổ sung thêm các trường hợp phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 BLHS; tuy nhiên, ý kiến này cuối cùng không được chấp nhận.
Thành Long, Tạp chí Luật sư Việt Nam