Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: Nhiều lần trộm cắp số tiền lớn, chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Đinh Công Quý, trú tại thôn Tân Sơn, huyện Sơn Dương là nạn nhân bị mất trộm tài sản. Gia đình ông có chiếc két sắt hai ngăn, một ngăn khóa số, một ngăn khóa thường. Sau nhiều lần mất tiền, mới phát hiện kẻ trộm chính là đứa cháu họ, tổng số tiền ông bị mất lên tới 61.200.000 đồng và 50.000 yên Nhật.
Nhiều lần bị mất trộm số tiền lớn
Ông Quý trình bày: Ngày 2/11/2016, vợ chồng ông cất vào ngăn dưới két sắt 165.000.000 đồng. Đến khi lấy tiền ra sử dụng, mới phát hiện các tập tiền bị rút lõi, mất tổng số 28.600.000 đồng. Do đó, vợ chồng ông phải chuyển két sắt và phòng ngủ. Vào đầu tháng 12/2016, mẹ của ông Quý từ Tuyên Quang về, đưa cho vợ chồng ông 75.000.000 đồng, số tiền này lại được cất vào ngăn dưới két sắt. Ngày 1/2/2017, khi ông Đinh Công Chuyên (em họ ông Quý) hỏi vay tiền, mẹ và vợ chồng ông Quý mở két lấy tiền cho vay, lại phát hiện bị rút lõi mất 32.600.000 đồng. Tết Nguyên đán 2017, khi 2 con ông Quý về, biếu bố mẹ 34 tờ tiền Yên Nhật, mệnh giá 10.000 yên/1 tờ, vợ chồng ông cho vào phong bì rồi cất vào ngăn trên két sắt. Ngày 2/3/2017, vợ chồng ông lấy tiền ra sử dụng, phát hiện bị mất 5 tờ, tổng cộng 50.000 yên.
Thái độ làm việc của Cơ quan điều tra đã đúng mực?
Cũng theo đơn của ông Quý, ngày 4/3/2017, ông làm đơn trình báo Công an xã Hồng Lạc và ngày 5/3/2017, báo Công an xã Vân Sơn, đề nghị phối hợp tìm kẻ trộm. Ông Hoàng, cán bộ Công an huyện Sơn Dương tại Tổ Công an khu vực Kim Xuyên, hướng dẫn ông Quý làm đơn trình báo việc mất cắp và nghi ngờ cho ai? Tuy nhiên, đến ngày 7/3/2017, ông Hoàng yêu cầu ông Quý viết lại đơn với nội dung: Chỉ khai báo số tiền Yên Nhật bị mất, không được đề nghị giải quyết số tiền Việt Nam đã bị mất 2 lần trước. Chiều 7/3/2017, Công an bắt được Bùi Thế Anh, 16 tuổi, trú cùng thôn với gia đình ông Quý, là người đã lấy cắp số tiền của gia đình ông Quý.
Đơn đề nghị của ông Quý gửi các cơ quan chức năng và báo chí
Ngày 9/3/2017, ông Hoàng một lần nữa yêu cầu ông Quý, chỉ được khai báo mất số tiền yên Nhật, không được đề nghị giải quyết số tiền Việt đã bị mất 2 lần trước. Như ông Quý trình bày, thái độ của cán bộ điều tra rất không đúng mực, liên tục quát tháo, đập bàn, bắt ông Quý bỏ điện thoại ra bàn, hỏi ông như hỏi tội phạm, ép ông làm bản tường trình, chỉ được khai báo mất tiền yên Nhật, không được khai hai lần mất tiền Việt Nam. Khoảng 20 ngày sau, ông Tiệp, Trưởng Công an xã Vân Sơn gọi cho ông Quý và ông Trực (bố đẻ của Thế Anh) ra trụ sở cùng ông Trang và ông Toàn, cán bộ Công an huyện phụ trách xã Vân Sơn. Tại đây, Công an tuyên bố kết thúc vụ án. Vợ chồng ông Quý phản đối, liền bị cán bộ Công an huyện quát mắng, đồng thời mớm cung cho Thế Anh, nói Thế Anh chưa đủ tuổi đi tù, làm gì được nó?
Ngày 9/4/2017, cán bộ công an đến nhà ông Quý làm hiện trường và lấy lời khai 3 lần mất tiền. Nhưng tổ công các lập biên bản lại cố ý lấy thời gian làm biên bản hiện trường trước 1 tháng. Ông Quý không nhất trí, đề nghị lấy chính xác ngày hôm đó, thì tổ công tác nói sẽ không điều tra vụ việc nữa.
Quy định của pháp luật như thế nào?
Căn cứ Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định về trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thì cơ quan điều tra “có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức… chuyển đến” và “trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm… Cơ quan điều tra, trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”. Khi nhận được đơn tố cáo của ông Quý, Cơ quan điều tra cần phải xác minh, kiểm tra sự việc một cách rõ ràng có tội phạm xảy ra hay không, ai là người thực hiện, thực hiện như thế nào, tài sản ông Quý bị mất thực tế là bao nhiêu? Nhưng, sau hơn 3 tháng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Dương mới ra Thông báo số 68/TB-CQCSĐT ngày 24/7/2017, về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm… chỉ khẳng định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là cháu Bùi Thế Anh, sinh ngày 16/7/2001, trú tại thôn Tân Sơn, xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự… kết thúc việc điều tra, xác minh, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ, tài liệu đến Công an huyện Sơn Dương đề nghị xử lí vi phạm hành chính theo quy định”.
Như vậy, cán bộ Công an huyện Sơn Dương và Công an xã Vân Sơn đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa? Khi mà, chỉ điều tra ai là người thực hiện, còn số tiền lấy trộm được không xác định. Khi xác định đối tượng chưa đủ 16 tuổi, thì không tiếp tục điều tra nữa, cũng không hề có một hướng dẫn cho ông Quý phải làm gì tiếp theo để lấy lại số tiền đã mất?
Chưa thành niên phạm tội trộm cắp, có phải chịu trách nhiệm pháp lí?
Theo thông tin từ ông Quý, mặc dù còn trẻ, nhưng Bùi Thế Anh rất gian manh, trèo qua tường lên sân thượng và vào chiếu nghỉ tầng 2 nhà ông Quý, rình xem vợ chồng ông Qúy cất chìa khóa, đến đêm lẻn xuống lấy tiền. Đặc biệt, Thế Anh chỉ rút lõi, chứ không lấy hết cả tập tiền, nhằm mục đích để gia đình ông Quý không thể xác định rõ bị mất vào thời gian nào? Lấy tiền xong, Thế Anh ăn chơi phè phỡn, đi mua điện thoại, mua xe máy cho bố, mua xe cho mình, mua ti vi mới, mua điện thoại cho người yêu, cho người yêu một tờ (10.000) yên Nhật. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, Thế Anh còn mua một dây pháo 36 quả của Trung Quốc, mỗi quả có giá trên 30.000 đồng để đốt chơi.
Đối với trường hợp này, luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết: Khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng, đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng”.
Tính đến thời điểm thực hiện hành vi trộm cắp lần thứ 3, Thế Anh vẫn chưa đủ 16 tuổi, nên chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, vì hành vi trộm cắp của Thế Anh chỉ đủ điều kiện cấu thành tội nghiêm trọng. Dù Thế Anh không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hành vi của mình gây ra. Khoản 2, Điều 90 Luật Xử lí vi phạm hành chính, quy định về đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn thì: “2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý, quy định tại Bộ luật Hình sự”. Và, Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Trộm cắp tài sản”. Điều 37 Luật Xử lí vi phạm hành chính còn có quy định: “Cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp phát là tiền… có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện, để… hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt…”.
Như vậy, đúng ra Công an huyện Sơn Dương phải có trách nhiệm xác định chính xác số tiền Thế Anh đã lấy trộm của ông Quý, để ông có cơ sở đòi lại số tiền đã bị mất, đồng thời cần phải xử phạt hành chính đối với Thế Anh, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Quý và bảo vệ kỉ cương, pháp luật.
Nga Thanh