Thời hạn sử dụng bản sao chứng thực
“Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. Việc chứng thực bản sao từ bản chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP không có quy định nào về thời hạn sử dụng bản sao có chứng thực; đồng thời, hiện nay cũng không có bất kỳ văn bản nào quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực như bạn nêu.
Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận bản sao từ bản chính có thể đưa ra quy tắc riêng, theo đó sẽ quy định về thời hạn sử dụng của bản sao chứng thực. Việc đưa ra quy định riêng như vậy có thể dựa vào đặc điểm của từng loại giấy tờ, ví dụ như: Sổ hộ khẩu gia đình thường có sự thay đổi do có người nhập khẩu/chuyển khẩu; Giấy chứng minh nhân dân có thể thay đổi khi người đó chuyển khẩu đến tỉnh/thành phố khác; hoặc một số loại giấy tờ (bản chính) thường có thời hạn sử dụng…. Việc yêu cầu cung cấp bản sao được chứng thực gần đây nhất giúp cho cơ quan tiếp nhận cập nhật chính xác và đầy đủ thông tin từ bản chính.
Do vậy, pháp luật không có quy định về thời hạn của bản sao có chứng thực, tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác của giấy tờ được chứng thực, tùy vào quy tắc riêng của từng cơ quan, đơn vị sẽ có quy định khác nhau về thời hạn của bản sao chứng thực.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp