Vụ ông Trần Văn Truyền: “Đã làm thì không nên nửa vời”
(ĐSPL) – “Rất cần phải kiểm tra, làm rõ các khối tài sản của con ông Truyền vì đã làm thì không nên làm nửa vời. Các khối tài sản đó được rạch ròi, phân minh và phải có nguồn gốc, có cơ sở”, ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi lên tiếng.
Thưa ông, báo Người Cao Tuổi là tờ báo đầu tiên phản ánh về khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Lúc quyết định cho khởi đăng loạt bài này, ông có chịu áp lực nào không?
Báo Người Cao Tuổi nhận được thông tin từ các cựu chiến bình, nhân dân… về ông Trần Văn Truyền có khối tài sản lớn là đất và nhà khiến tôi rất ngạc nhiên và nghi ngờ thông tin đó không chính xác. Tôn trọng độc giả cung cấp thông tin, tôi vẫn giao nhiệm vụ cho phóng viên đi xác minh, điều tra thông tin trên; phóng viên báo cáo lại thông tin là có thật và tôi chỉ đạo viết bài. Từ khi xác minh, điều tra cho đến khi khởi đăng bài đầu tiên, ngày 21/2/2014, bản thân tôi cũng như thành tập thể cơ quan không phải chịu một sức ép hay áp lực nào cả.
Ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi. |
Lý do nào để ông quyết định cho đăng loạt bài đó, bởi đây được cho là vấn đề rất nhạy cảm?
Quyết định cho đăng loạt bài này xuất phát từ chức năng của cơ quan báo chí có trách nhiệm và nghĩa vụ là phải đấu tranh phòng chống tham nhũng; hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó Nghị quyết chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước có chức, có quyền tha hóa, biến chất, tham nhũng, gây mất đoàn kết…
Cho nên, việc quyết định khởi đăng loạt bài liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền là một ý tưởng và quyết tâm của anh em cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Người Cao Tuổi.
Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra vi phạm đối với ông Trần Văn Truyền, cá nhân ông cảm thấy kết quả đó như thế nào?
Tôi cho rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua Thông cáo báo chí về dấu hiệu vi phạm thực hiện chính sách đất, nhà ở đối với ông Trần Văn Truyền đảm bảo tính khách quan, trung thực, phản ánh rõ quá trình vi phạm của ông Trần Văn Truyền về lĩnh vực này.
Có thể nói rằng kết luận này mang lại ảnh hưởng rất lớn trong tư tưởng nhân dân và củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Chính vì thế, tôi tin rằng với kết luận này, tới đây các tổ chức Đảng và cơ quan chức năng của nhà nước sẽ xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc nhân dân đặt ra là khối tài sản phải có nguồn gốc từ đâu, bằng nguồn nào mà có khối tài sản lớn như vậy.
Điều đặc biệt, không những vợ chồng ông Trần Văn Truyền nắm giữ các khối tài sản mà các con của ông ấy ở độ tuổi trên, dưới 30 cũng được nắm giữ khối tài sản khổng lồ, có thể nói là lên tới nhiều tỷ đồng. Điều này cũng đặt ra vấn đề cho cơ quan chức năng phải xem xét việc kê khai tài sản và xác minh nguồn gốc tài sản của con ông Truyền.
Ông Trần Văn Truyền và căn biệt thự gây xôn xao dư luận. |
Vậy người thân của ông Trần Văn Truyền đều là cán bộ công chức nhà nước nhưng nắm giữ một khối tài sản lớn như vậy. Theo ông, có cần mở rộng tiếp để điều tra về nguồn gốc tài sản của con ông Truyền?
Theo tôi, rất cần phải kiểm tra, làm rõ các khối tài sản của con ông Truyền vì đã làm thì không nên làm nửa vời. Các khối tài sản đó phải được rạch ròi, phân minh và phải có nguồn gốc, có cơ sở. Nếu chỉ sử dụng đồng lương của cán bộ công chức thì chắc chắn không thể đủ được cho một căn hộ chứ chẳng nói đến khối tài sản lớn mà họ đang nắm giữ.
Ở đây cũng cần đặt lại câu hỏi, nếu ông Trần Văn Truyền không tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn; bằng ảnh hưởng chức vụ của mình thì không thể có các khối tài sản lớn như vậy?
Video Tham khảo:
Thu hồi quyết định công nhận sử dụng đất của ông Trần Văn Truyền
Con trai ông Truyền là Đại úy Trần Hoàng Anh (sinh năm 1981), hiện là đội trưởng Đội Văn phòng, thuộc Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (Công an tỉnh Bến Tre) cũng thuộc diện phải kiểm kê tài sản.
Theo tin tức từ báo Người Lao Động, đại úy Trần Hoàng Anh, chỉ kê khai tài sản trong năm 2014 mà không kê khai từ những năm trước đó. Những tài sản được kê khai gồm có biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre; góp vốn để Kinh doanh đại lý bia Trần Hoàng Dũng với số tiền 3 tỉ đồng. Ngoài ra, thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định mà Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đạo thu hồi cũng do đại úy này đứng tên. Người dân xung quanh cũng phản ánh hàng ngày vẫn thấy đại úy Hoàng Anh đi làm bằng xe ô tô hạng sang nhưng không được kê khai. |
Nguồn tin:Theo: ĐS&PL