Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Rừng phòng hộ bị “hành quyết”, dân chỉ còn biết kêu trời (Kì 2)
Núi Lâm Động, được ví như “nóc nhà” của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, dưới chân núi là hàng trăm công trình thủy lợi quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng vạn người dân sống trong vùng thuộc 2 huyện Tĩnh Gia và Như Thanh. Hai chục năm qua, rừng được bảo quản tốt, các loại cây được tái sinh rậm rạp, có đa dạng sinh học với nhiều tầng cây và muông thú. Thế nhưng, mấy tháng gần đây, người dân thấy rừng bị chặt hạ, đốt phá tàn bạo, hàng nghìn héc-ta rừng bị “hành quyết”, dân chỉ còn biết kêu trời, lo lắng tới hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra lũ quét, lũ ống hoành hành. Phóng sự điều tra dưới đây sẽ phần nào phác họa “bức tranh ảm đạm” này…
Tiếng kêu bi ai của một doanh nghiệp nghề rừng
Ông Nguyễn Bá Trung, người có mấy chục năm lăn lộn với nghiệp trồng rừng, là Giám đốc Công ty Trúc Vinh, có địa chỉ ở xã Trúc Lâm cho biết: “Theo các nguồn tin đáng tin cậy, từ năm 2011 đến nay họ chặt phá không dưới 3.000 ha rừng, là thành quả của Dự án 327 và Dự án 661 trước đây. Tiểu khu 664 thuộc địa bàn xã Phú Sơn có diện tích tự nhiên 980 ha rừng khoanh nuôi tái sinh bị chặt gần hết. Hai tiểu khu 666 và 663 thuộc các xã Nguyên Bình, Phú Lâm có tổng diện tích tự nhiên 2.565ha hiện bị chặt phá hơn một nửa. Như vậy đủ biết là lớn đến mức độ nào. Đây là rừng phòng hộ xung yếu, với độ cao 561 m, dốc 30 – 60 độ, là nóc nhà của huyện Tĩnh Gia, dưới chân núi có hàng vạn người dân sinh sống cùng các công trình phúc lợi đang bị đe dọa bởi hậu quả của nạn phá rừng, đau xót lắm!”.
Theo ông Trung, toàn bộ rừng ở núi Lâm Động thuộc các tiểu khu 663, 664, 666 từ trước đến nay có tới 4 dự án chồng lên nhau, trước đây là các Dự án 4304, 327, 661 và nay là JICA. Khi Lâm trường Tĩnh Gia chuyển đổi thành Ban Quản lí Rừng phòng hộ Tĩnh Gia (BQLRPH), thì họ tìm cách lấy lại những diện tích rừng trước đây đã giao khoán cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ. Riêng Công ty Trúc Vinh nhận trồng và khoanh nuôi, bảo vệ hơn 200ha cũng bị thu hồi, lấy lại mà không được đền bù, thanh toán đồng nào. Ông Trung kể, khi Công ty Trúc Vinh nhận đất, phần lớn là đất trống, đồi núi trọc. Sau 25 năm Công ty trồng cây phủ kín phát triển tốt thì BQLRPH Tĩnh Gia nhảy vào lấy không.
Ông Trung bức xúc: “Họ nói thẳng với tôi, từ Chủ tịch UBND huyện đến Kiểm lâm, Công an… đều là của họ, có lên trời mà kêu, rồi cũng lại đến tay họ giải quyết, mà họ không giải quyết thì mình làm gì được họ. Nạn phát canh thu tô do BQLRPH Tĩnh Gia gây nên quá nặng nề. Tôi làm nghề rừng lâu năm nên tôi khẳng định, mỗi năm họ thu địa tô phải cỡ từ 20 – 30 tỉ đồng. Còn gỗ rừng phòng hộ được trồng theo những dự án trước đây, họ chặt đem đi bán, mỗi xe 7 triệu đồng, tôi có đầy đủ bằng chứng”. Ông Trung thống kê: Năm 2011 họ chặt, đốt 60ha ở Tiểu khu 668; năm 2012 chặt, đốt ở núi Mua Cua, Tiểu khu 670 thuộc xã Trường Lâm 400ha; năm 2013 chặt, đốt ở Tiểu khu 664 thuộc xã Phúc Sơn 800ha; hiện nay đang chặt, đốt ở Khoảnh 23, Tiểu khu 666 thuộc các xã Phú Lâm, Nguyên Bình khoảng 1.000ha rừng phòng hộ khoanh nuôi tái sinh của Dự án 661 và 327 trước đây.
Hai Chủ tịch UBND xã, hai thái độ với rừng
Tại xã Phú Lâm, mặc dù ngày nghỉ nhưng ông Lê Văn Nam, Chủ tịch UBND xã vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi. Ông cho biết: Phú Lâm có 3 loại gồm rừng trồng theo Dự án 4304, rừng khoanh nuôi bảo vệ theo Dự án 327 và rừng thông trồng theo Dự án 661. Hiện có các loại rừng sản xuất, rừng khoanh nuôi bảo vệ giao cho các hộ dân, một số hộ đã bán. Rừng phòng hộ có một phần diện tích thuộc Tiểu khu 667 nay thuộc về BQLRPH Tĩnh Gia, hiện đang mất 30 – 40ha người ta đang lấy đất. Theo ông Nam, trên địa bàn xã Phú Lâm hiện Công ty Đức Minh đã mua khoảng 40 – 50ha rừng để khai thác đất phục vụ san lấp ở khu kinh tế Nghi Sơn. Khu vực rừng mới bị đốt là diện tích giao cho dân khoanh nuôi bảo vệ, có 2 – 3 hộ bán khoảng 20ha cho ông Phong và ông Thường từ năm 2009. Riêng ông Phong chủ yếu mua rừng ở Phú Sơn, cũng khoảng vài trăm héc-ta.
Thực hiện dự án WB3, họ cho phá sạch để trồng mới cây keo. Trước đây giao rừng cho dân khoanh nuôi bảo vệ, nay chuyển sang rừng sản xuất các hộ được vay 20 triệu đồng/ha, sau 7 năm hoàn lại vốn. Rừng ông Phong mua gom của dân đều ở độ dốc 15 độ trở lên. Ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia mua của ông Dũng Ty 20ha trồng bạch đàn, vừa rồi thuê người phát cành dọn thực bì cũng bị cháy một số. Vợ ông Văn, Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Phú Lâm cho biết, gia đình có 12ha bán cho Phong “Xoan” 10 triệu đồng giờ mới thấy tiếc. Ông Mạnh cùng thôn bán cho Phong “Xoan” 4ha được trả cho có 2 triệu đồng. Người dân nói, các hộ bán rừng cho Phong “Xoan” thì ai biết của người nấy như ông Bi Râu, ông Cảnh, ông Thiết… thôn Đông Sơn, xã Phú Sơn. Ông Nam tâm sự: “Làm Chủ tịch như tôi nhiều khi cũng thấy ngán, từ khi lên nhậm chức toàn phải giải quyết hậu quả”.
Rời Phú Lâm, chúng tôi “hành quân” sang xã Nguyên Bình, là xã có nhiều diện tích rừng nhất của khu vực núi Lâm Động. Chủ tịch UBND xã này là ông Lê Quang Xanh, người khiến chúng tôi vô cùng thất vọng bởi thái độ không đúng mực, thiếu hợp tác khi rừng trong địa bàn xã quản lí bị chặt phá tan hoang. Sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề làm việc về tình trạng đốt phá rừng, ông Xanh tỏ vẻ khó chịu nói: “Thực ra bây giờ tôi không có thời gian đâu”. Ông viện cớ phải tổ chức trại hè cho các cháu, ông ở trong Ban tổ chức nên không thể vắng mặt, không thể ngồi làm việc với chúng tôi được. Chúng tôi cố nài, đề nghị ông hôm sau dành cho phóng viên ít phút, nhưng ông Xanh vẫn giữ thái độ không hợp tác. “Tôi ngày nay, ngày mai bận, phải khai mạc trại hè không bỏ được” – ông Xanh tỏ thái độ gay gắt. Chúng tôi vớt vát: “Hay là Chủ tịch ra khai mạc xong dành cho chúng tôi 15 – 20 phút để nắm bắt thông tin!”. Ông Xanh đứng phắt dậy, nói gần như quát: “Tôi ban tổ chức không thể bỏ được, thôi nhé thông cảm tí!”, đoạn xua chúng tôi như đuổi tà.
Nghĩ cũng lấy làm lạ, tình trạng đốt phá rừng phòng hộ xảy ra ầm ầm như vậy, xã Nguyên Bình lại có diện tích rừng phòng hộ bị phá lớn nhất, mà ông Chủ tịch UBND xã này vẫn bình chân như vại. Đồng ý tổ chức trại hè cho các cháu thiếu nhi là việc cần thiết, song cũng không thể không bớt được chút thời gian cho phóng viên, trong khi sự kiện đốt phá rừng đang nóng bỏng. Xin hỏi ông Xanh, trại hè quan trọng hơn hay cuộc sống của người dân quan trọng hơn?
Tận mắt chứng kiến rừng bị tàn phá, lòng bỗng dưng tê tái
Được người dân nhiệt tình dẫn đường, chúng tôi quyết tâm vượt núi đến hiện trường. Từ Thành Công, chúng tôi đi qua Khe Dầu, Cổ Yếm, vượt dốc Điện Biên lên đỉnh cao thứ nhì trong dãy núi Lâm Động. Ông Nguyễn Bá Trung cho biết, nơi chúng tôi đến là đỉnh cao 530m của Khoảnh 23, Tiểu khu 666 thuộc địa giới hành chính xã Nguyên Bình. Từ đây phóng tầm mắt nhìn sang Phú Lâm, Phú Sơn, Yên Mỹ, cả một vùng rộng lớn trải ngút tầm mắt. Đối diện với nơi chúng tôi đứng là đỉnh cao 561m, nơi vừa mới vài ngày trước họ tổ chức đốt rừng.
Mất dễ đến 3 tiếng đồng hồ vừa leo núi, vừa được người dân đèo bằng xe máy, đường đi chênh vênh, dốc dựng đứng, nhiều chỗ gần như phải bò, chúng tôi mới tới được đỉnh cao 530. Trời nóng bức, lại phải leo dốc nhiều khiến người ai cũng như bốc lửa. Thế nhưng, khi lên đến nơi chúng tôi ai nấy đều thấy ớn lạnh, cảm giác tê tái trong lòng, khi tận mắt chứng kiến cả một vạt rừng bị tàn phá, đốt cháy khủng khiếp hơn cả chiến tranh. Những gốc cây bị đốn hạ vẫn còn nguyên đó, là bằng chứng rõ ràng nhất của vụ phá rừng tàn khốc. Đúng như thông tin người dân cho biết, qua những gốc cây còn sót lại thì rừng ở đây phần lớn là cây có đường kính từ 30 – 50cm, cũng có nhiều gốc cây to, có ngọn cây còn sót lại một người ôm không xuể. Một vài cây do những nhân công được thuê chặt, đốt rừng để lại làm bóng mát ngồi nghỉ ngơi, vươn mình trên một vùng hoang tàn nom đơn độc, ngẩn ngơ với số phận mong manh như chính khu rừng này.
Phóng tầm mắt nhìn sang đỉnh cao 561, khu rừng vừa bị đốt cách đó vài hôm, lòng chúng tôi quặn thắt khi thấy cả vạt rừng bị cháy rụi, tựa như vừa trải qua trận bom na-pan khủng khiếp. Phía xa xa bên vạt rừng còn lại, vẫn vẳng tiếng máy cưa cắt gỗ. Thấy chúng tôi có ý nhờ dẫn sang bên đó để mục sở thị cảnh cắt cây phá rừng, người dẫn đường lè lưỡi, lắc đầu: “Nguy hiểm lắm, họ mà phát hiện ra có người đến điều tra họ phá rừng thì không thoát được đâu. Với lại từ đây qua bên đấy trông thế thôi, cũng phải đi mất nửa ngày đường”. Vậy là chúng tôi đành gác lại cái cảm giác phiêu lưu, cơ hội chứng kiến cảnh con người “hành quyết” rừng phòng hộ tái sinh. Tuy vậy, chỉ mới chứng kiến một góc nhỏ thảm cảnh đốt phá rừng ở núi Lâm Động, đã khiến lòng chúng tôi quặn thắt. (Còn nữa)
Phóng sự điều tra Hoàng Linh – Bá Viết
Nguồn tin:Theo Người cao tuổi