Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Rừng phòng hộ bị “hành quyết”, dân chỉ biết kêu trời (Kì 3)
Núi Lâm Động, được ví như “nóc nhà” của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, dưới chân núi là hàng trăm công trình thủy lợi quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng vạn người dân sống trong vùng thuộc 2 huyện Tĩnh Gia và Như Thanh. Hai chục năm qua, rừng được bảo quản tốt, các loại cây được tái sinh rậm rạp, có đa dạng sinh học với nhiều tầng cây và muông thú. Thế nhưng, mấy tháng gần đây, người dân thấy rừng bị chặt hạ, đốt phá tàn bạo, hàng nghìn héc-ta rừng bị “hành quyết”, dân chỉ còn biết kêu trời, lo lắng tới hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra lũ quét, lũ ống hoành hành. Phóng sự điều tra dưới đây sẽ phần nào phác họa “bức tranh ảm đạm” này…
Đi tìm ẩn số về nhân vật Phong “Xoan”
Đi đến đâu, gặp bất cứ ai từ cán bộ thôn, xã đến người dân các xã vùng ảnh hưởng của núi Lâm Động, chúng tôi đều được nghe những lời oán thán về việc đốt phá rừng phòng hộ, tất thảy họ đều nhắc đến nhân vật có tên Phong “Xoan” với vai trò như chủ rừng và là chủ mưu đốt phá rừng. Người dân chỉ biết gọi như vậy, bởi chưng tiếng tăm của nhân vật này nổi như cồn vì “thành tích bất hảo” với rừng. Phong “Xoan” còn là người mua thu gom nhiều diện tích rừng của núi Lâm Động nhất trong vùng. Vậy Phong “Xoan” là ai? Hành trình đi tìm ẩn số về nhân vật Phong “Xoan”, chúng tôi thu hoạch được nhiều điều khó tin mà thật.
Ông Nguyễn Bá Trung, Giám đốc Công ty Trúc Vinh cho biết, đó chính là ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lí Rừng phòng hộ (BQLRPH) Tĩnh Gia, con trai bà Phan Thị Xoan, cựu Giám đốc Lâm trường Tĩnh Gia, đơn vị tiền thân của BQLRPH Tĩnh Gia. Vì vậy, nhân dân trong vùng mới đặt cho biệt danh là Phong “Xoan”. Trước năm 1993, ông Phong làm lái xe chở gỗ cho Trạm Nghiên cứu Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Năm 1994 ông được nhận về làm bảo vệ cho Lâm trường Tĩnh Gia, sau đó được đi học tại chức lớp lâm nghiệp tại Ngã ba Bia, thành phố Thanh Hóa. Năm 1998 đến năm 2011 ông quay về lâm trường, tiếp tục làm bảo vệ. Đùng một cái, năm 2011 người ta thấy ông Phong xuất hiện với chức vụ Phó Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia.
Ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia, nhân thân cũng không hơn ông Phong là mấy. Theo thông tin chúng tôi thu thập được, trước năm 1994 ông Thường làm bảo vệ Lâm trường Tĩnh Gia, năm 1995 ông Thường được cho đi học kế toán sau đó về làm kế toán tổng hợp. Năm 2007 ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, đến năm 2011 lên làm Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia. Với nhân thân như vậy, việc liên tục thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật của hai ông này, là điều không mấy lạ.
Nhân chứng bí ẩn sẵn sàng tố cáo sự thật
Một người dân (xin được giấu tên) cho biết, người trực tiếp quản đội quân phá rừng của ông Hà “Vôi” xã Nguyên Bình là ông Lê Văn L. Ông Hà “Vôi” và người nhà ông Phan Xuân Phong (Phó Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia) thuê toàn người dân tộc ở các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, thường xuyên duy trì khoảng 50 đến 60 người làm lán trại tại rừng để thực hiện các công việc được giao. Công cắt cây bằng máy được trả 220.000 đồng/người/ngày, phụ nữ và người chặt loại cây nhỏ được trả 130.000 đồng/người/ngày. Ông Lê Văn L quản người và làm đốc công thì ăn cơm với chủ, mỗi ngày công được trả 200.000 đồng.
Tóm lại, họ thuê người dân tộc cưa cắt, chặt hạ và dùng người Kinh để quản người dân tộc. Việc tiếp tế gạo, thực phẩm do người của ông Hà “Xoan” đảm nhiệm. Khai thác đến đâu, họ cho máy đến ủi đường đến đó để ô-tô vào chở gỗ, chở củi đi bán. Gỗ, củi được khiêng vác, xếp hai bên đường. Nghe nói, mỗi đợt khai thác phải hàng trăm đến hàng nghìn khối gỗ, bán ở đâu không rõ. Có nhiều xe chở, nhưng dân chỉ biết hai lái xe, một người tên Toàn “Hiên” ở thôn 5, xã Phú Lâm; một là con trai ông Thành, bảo vệ Lâm trường Tĩnh Gia đã nghỉ hưu. Nhân chứng bí ẩn phải thừa nhận, nhìn họ chặt rừng mà tiếc, gỗ dẻ san sát, trồng keo đến đời nào cho bằng rừng hiện nay, họ phá rừng chứ không phải trồng rừng. Đại tá CCB Hoàng Bá Viết cho biết, nhân chứng này sẵn sàng cung cấp thông tin, nếu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa báo cáo không trung thực, bao che cấp dưới
Ngay sau khi Báo Người cao tuổi đăng bài “Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện dự án trồng keo, người ta “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh” của tác giả Việt Hoàn, ngày 4/7/2014 UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 5738/UBND-VX, chỉ đạo kiểm tra, xác minh nội dung bài viết. Ngày 15/7/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa có Báo cáo số 1690/SNN&PTNT-LN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, văn bản này cho thấy, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có biểu hiện quan liêu, báo cáo không trung thực nhằm bao che cho cấp dưới. Theo đó, Sở này cho rằng BQLRPH Tĩnh Gia và các hộ gia đình được Nhà nước giao đất lâm nghiệp xử lí thực bì đất trống Ib, để trồng rừng theo Dự án JICA2. Đồng thời quy kết: “Tác giả bài viết đưa các thông tin sai sự thật, nhiều thông tin không đúng với chuyên môn lâm nghiệp, thông tin mang tính giật gân”. Qua đó đề nghị: “UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét xử lí đối với tác giả bài báo theo quy định của pháp luật; đề nghị Báo Người cao tuổi cải chính kịp thời, tránh sự hiểu nhầm cho độc giả”.
Vậy là Sở NN&PTNT Thanh Hóa quên (hoặc cố tình quên) rằng, tại Quyết định số 3222/QĐ-UBND, ngày 7/11/2006 về việc chuyển Lâm trường Tĩnh Gia thành BQLRPH Tĩnh Gia, đơn vị này được giao quản lí 6.300,4ha, trong đó có 5.144,3ha rừng phòng hộ; 1.151,3ha rừng sản xuất và đất khác 4,8ha. Rõ ràng, diện tích rừng phòng hộ chiếm gần 5 lần trong tổng số rừng do BQLRPH Tĩnh Gia quản lí. Núi Lâm Động có độ cao nhất so với các dãy núi khu vực Tĩnh Gia, đương nhiên phải có diện tích lớn rừng phòng hộ đầu nguồn cần được bảo vệ.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 25 Quy chế quản lí rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng được xác lập, nhằm tăng cường khả năng điều tiết nguồn nước của các dòng chảy, hồ chứa nước để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, lòng hồ”; khoản 1, Điều 31 Quy chế này nói rõ: “Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành khu vực, tập trung liền vùng, từng bước tạo cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng, cây rừng là những hỗn loài cây có bộ rễ sâu, bám chắc”. Khoản 1, Điều 45 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 ghi: “Rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng nhiều tầng”.
Ông Nguyễn Bá Trung khẳng định: “Tôi làm rừng ở đây nhiều năm, tôi cam đoan với cao điểm 561m, độ dốc 30 – 60 độ, rừng đa dạng loài cây, trong đó rừng dẻ đang phát triển tốt, chắc chắn là rừng phòng hộ đầu nguồn, không thể coi đó là rừng sản xuất được. Vậy mà người ta lại chặt phá đi để trồng keo tai tượng và thông, thì có bảo đảm cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng và có bộ rễ sâu bám chắc như quy định không? Rõ ràng đây là hành động phá hoại rừng phòng hộ, tội ác này không thể dung tha”.
Điều khẳng định của ông Trung phù hợp với thông tin của ông Lê Văn Mơn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, khi trao đổi với chúng tôi. Theo ông Mơn, tại sao lại nói không phải rừng phòng hộ được? Ông cho biết, Tiểu khu 666 có 2 loại rừng: Phòng hộ và sản xuất. BQLRPH Tĩnh Gia quản lí 549ha ở xã Nguyên Bình, xã Trúc Lâm có 84,5ha và 121ha ở xã Xuân Lâm, riêng xã Phú Lâm có 428ha đất rừng sản xuất giao cho các hộ gia đình. Theo Quyết định số 367, ngày 30/5/2014 của Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng phòng hộ theo Dự án JICA, Tiểu khu 666 trồng 78ha rừng phòng hộ gồm 800 cây thông và 800 cây keo. Ông Mơn nói: “Nếu ở dưới đó sai, thì không thể dung túng được. BQLRPH là một chủ rừng Nhà nước, được cấp trích lục đỏ, nhưng nhiều chỗ phải thực hiện giao khoán cho các hộ dân”.
Như vậy, chính Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, đơn vị có chức năng tham mưu về trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ cũng không dám chắc BQLRPH Tĩnh Gia có sai phạm hay không. Câu hỏi đặt ra, tại sao chủ trương về dự án lớn như vậy, mà không phổ biến cho nhân dân địa phương biết? Sao không lấy lao động địa phương mà lại thuê nhân công người dân tộc ở các huyện khác đến làm? Trồng rừng phòng hộ sao lại phải phá rừng phòng hộ tái sinh đi?… Đến đây, cấp độ sai phạm đã rất nghiêm trọng, đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ, xử lí nghiêm các sai phạm của một số cá nhân trong BQLRPH Tĩnh Gia theo pháp luật, mới bảo đảm khách quan. Đề nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét lại cách quản lí của BQLRPH Tĩnh Gia, rà soát lại diện tích rừng, yêu cầu giao khoán rừng cho các hộ dân thực hiện việc trồng, khoanh nuôi, bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Phóng sự điều tra Hoàng Linh – Bá Viết
Nguồn tin:Theo Người cao tuổi