Để bức cung, thủ trưởng phải mất chức
Thứ Sáu, 23:33 24/10/2014
Đó là quan điểm của ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động ngày 24-10
Phóng viên: Đến giờ, ông vẫn bảo lưu quan điểm đã từng nói trên VTV rằng “quyền im lặng không phải quyền con người” và sau đó đã gây ra rất nhiều tranh luận, phản bác?
– Ông Đỗ Văn Đương: Chính xác. Quyền im lặng của người phạm tội không phải quyền im lặng của con người nói chung. Các cuộc tranh luận trên mạng vừa qua không hiểu một cách đầy đủ. Quyền im lặng của người bị bắt khi chưa có luật sư của họ thì họ có quyền chờ tới khi có luật sư. Quyền im lặng của con người nói chung và quyền im lặng của người phạm tội là khác nhau. Việc nói đưa quyền im lặng vào luật mà giảm được bức cung, nhục hình là hoàn toàn võ đoán. Chuyện bức cung, nhục hình hay không là do con người thực hiện. Nếu anh có kỹ năng điều tra tốt, không cần người ta khai thì vẫn có đầy đủ chứng cứ. Hơn nữa, luật pháp của chúng ta đã quy định anh có quyền trình bày lời khai và cũng có quyền không khai.
Tôi cho rằng luật pháp của ta là rất hay, nếu ghi quyền im lặng không thì sẽ có người nhận thức “à tôi cứ im lặng không nói gì hết”, điều đó gây hại cho người ta. Bây giờ có người bị bắt oan, người ta bảo các ông bắt oan tôi rồi, thời điểm đó tôi đang ở chỗ khác, có ông A, ông B chứng kiến. Nếu người ta cãi thế thì sẽ ra ngay, còn ghi im lặng vào luật thì người ta cứ im lặng sẽ rất khó điều tra. Im lặng thì phải kèm điều kiện là có luật sư, công ước quốc tế quy định thế, bây giờ cắt khúc ra bảo im lặng không thôi là hoàn toàn sai.
Thưa ông, thế giới có coi đó là quyền con người không?
– Ở một số nước, người ta có ghi nhận việc đó trong luật pháp nhưng không nói rõ đấy là quyền của người phạm tội mà quyền bào chữa cho người phạm tội mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong pháp luật hình sự.
Quá trình sửa Bộ Luật Tố tụng Hình sự có tính tới quy định trường hợp bị cáo khai trước tòa bị bức cung, nhục hình thì phải triệu tập ngay điều tra viên tới đối chất không?
– Trường hợp ra tòa bị cáo khai bị bức cung, nhục hình thì cần thiết triệu tập điều tra viên tới tòa để đối chất, đồng thời kiểm tra dấu vết trên thân thể để xem là có bị nhục hình, đánh ở đâu không. Ngoài ra, sẽ lấy lời khai của người khác biết việc này như những người ở cùng bị cáo hoặc bị giam cạnh buồng của bị cáo… để thu thập chứng cứ.
Theo ông, giải pháp nào cần làm sớm để hạn chế chuyện bức cung, nhục hình gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua?
– Tôi cho rằng tới đây có Luật Tạm giữ, tạm giam thì nơi giam giữ phải tách ra khỏi cơ quan điều tra bởi không phải lúc nào anh (điều tra viên – PV) cũng xuống để lấy lời khai được. Muốn vào thì phải có giấy tờ, trích xuất ra đàng hoàng. Bản thân cơ quan điều tra với nơi giam giữ phải giám sát nhau. Khi đưa người ta vào trại giam thì giám thị trại giam yêu cầu kiểm tra sức khỏe xem có bị đánh đập, ốm đau gì không. Còn chuyện đặt camera thì chỉ là vấn đề kỹ thuật. Người ta có thể đánh ngay trên đường dẫn giải thì đặt camera thế nào…
Tôi cho rằng quan trọng là trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan điều tra. Nếu quy định để xảy ra bức cung, nhục hình, thủ trưởng bị mất chức thì chắc chắn tự họ sẽ nghĩ ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn chuyện này.
Vai trò của kiểm sát viên
Trả lời câu hỏi “Đã có ý kiến cho rằng tại các buổi lấy lời khai phải có mặt kiểm sát viên”, ông Đỗ Văn Đương cho rằng vai trò của kiểm sát viên là rất quan trọng. Hiện nay, kiểm sát viên được giao nhiệm vụ kiểm sát việc điều tra, trong đó có nhiều biện pháp như khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai hỏi cung nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những buổi lấy lời khai đều có mặt kiểm sát viên. Bởi có hàng trăm, hàng ngàn buổi làm việc thì sao đòi hỏi lúc nào kiểm sát viên cũng có mặt được. Những trường hợp nghi ngờ oan sai thì kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung luôn, xem khai lại có đúng như đã khai với điều tra viên không… Đấy là cách thức kiểm sát.
Nguồn tin:theo: NLĐ