Nhân ngày pháp luật Việt Nam: Qua “lăng kính” các luật sư: Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế

LS Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng LS Trung Hòa: Việc thực thi pháp luật có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn không ít tồn tại 

Ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, nhằm xác lập quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Tại Điều 8 Luật này quy định, lấy ngày 8/11 hằng năm là ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (gọi tắt là ngày pháp luật Việt Nam), bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Nhân ngày pháp luật Việt Nam năm 2014, Báo Người cao tuổi giới thiệu tình hình thực thi pháp luật hiện nay, qua “lăng kính” các luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội…

 

LS Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng LS Trung Hòa: Việc thực thi pháp luật có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn không ít tồn tại

Chính quyền địa phương là cơ quan thực hiện các nhiệm vụ, nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quá trình quản lí Nhà nước trong lĩnh vực hành chính không thể tránh khỏi việc phát sinh mâu thuẫn, bất đồng giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, ngoài những cơ quan thực thi tốt các quy định của pháp luật, vẫn còn không ít cơ quan Nhà nước, cơ quan tố tụng ở địa phương rơi rớt thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Hoạt động tố tụng còn nhiều bất cập, điều tra vẫn còn hiện tượng ép cung; không sát thực tế, duy ý chí dẫn tới thiết lập hồ sơ sai, khiến kết quả xét xử oan sai. Đối với các vụ kiện hành chính, một số cơ quan Nhà nước, cơ quan tố tụng còn gây khó dễ cho nhân dân.

  • Luật sư Hoàng Giáp, Công ty Luật Đông Đô: Các cơ quan Nhà nước ở địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân

Việt Nam là một nước đang phát triển, nên việc tiếp cận pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, chỉ một số ít người hiểu biết căn bản về pháp luật, còn lại phần lớn người dân chưa thực sự hiểu những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bản thân. Vì vậy, họ không biết mình được làm gì, không được làm gì. Ngay cả những quy định pháp luật cơ bản như về dân sự, hình sự, lao động… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng là những khái niệm xa lạ đối với người dân. Do đó, việc nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân là một vấn đề đáng quan tâm của luật sư nói riêng, của toàn xã hội nói chung. Các cơ quan Nhà nước ở địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân. Thực tế có nhiều vụ việc nhờ luật sư mà người dân đã biết tuân thủ pháp luật, tránh được những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

  • LS Phạm Trung Hiếu, Công ty Luật TNHH Nam Dương: Luật sư có vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản biện việc thực thi pháp luật

Theo quy định của Luật luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), chức năng xã hội của luật sư là: “góp phần bảo vệ công lí, các quyền tự do, dân chủ của công dân; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lí, luật sư giúp người dân hiểu biết về các quy định của pháp luật để từ đó họ có cách ứng xử phù hợp. Thông qua việc tham gia hoạt động tố tụng, luật sư có vai trò không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, mà còn góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, hoặc để lọt tội phạm.

Như vậy, hoạt động của luật sư là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân với việc tôn trọng pháp luật và bảo vệ pháp chế XHCN.

  • LS Nguyễn Minh Huấn, Trưởng Văn phòng LS Tâm Phúc An: Cần nâng cao năng lực, đạo đức cho công chức, viên chức; xử lí nghiêm minh các trường hợp sai phạm

Các cơ quan nhà nước, các cơ quan tố tụng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chất lượng, công tâm luôn là vấn đề hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Đối với các cơ quan tố tụng, thực tế xảy ra không ít bản án oan sai. Theo báo cáo của ngành toà án năm 2014, án thụ lí sửa lỗi chủ quan chiếm 1,61%, nghĩa là có trên 6.200 vụ do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Đây là con số không hề nhỏ, gợi nhiều suy nghĩ. Vì vậy, cần tăng cường giám sát việc xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Các cơ quan Nhà nước, cơ quan tố tụng cần có các biện pháp tăng cường quyền tự chủ trong việc sử dụng, bố trí cán bộ công chức. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức phải được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học, dân chủ và nhất thiết phải dựa trên các chuẩn mực về năng lực, trình độ, đạo đức và uy tín. Cần xử lí nghiêm công chức, viên chức quan liêu, tham nhũng, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

  • LS Trịnh Huy Đức: Luật sư cần phải giữ đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ

quy tắc ứng xử hành nghề luật sư

Trước những yêu cầu trợ giúp pháp lí của người dân, luật sư phải có trách nhiệm, thái độ tận tình giúp đỡ dựa trên cơ sở những quy định của pháp luật có liên quan. Đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, cơ quan tố tụng thì luật sư cần có thái độ tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân trước pháp luật. Đặc biệt, luật sư cần phải giữ đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ quy tắc ứng xử hành nghề luật sư. Thực tế cũng đã có luật sư vì lợi ích cá nhân mà thiếu tôn trọng sự thật, thậm chí xúi giục nhân dân khiếu kiện đông người… Như vậy đã vi phạm đạo đức, quy tắc ứng xử hành nghề luật sư, là điều không thể chấp nhận.

Hoàng Linh

(Thực hiện)

 

 

Nguồn tin:luattrunghoa.vn