Ngày hội Thơ Đường Việt Nam lần thứ IX tại Đền Hùng, Phú Thọ: Vang dội tráng ca trên đất Tổ cội nguồn
Bước sang năm thứ 9, kể từ khi thể thơ Đường luật Việt Nam được hình thành tổ chức hoạt động có định hướng, năm nay, trước thềm Quốc giỗ, Ngày hội Thơ Đường Việt Nam lần thứ IX vinh dự được tổ chức trên Đất Tổ Phong Châu, ngay trong khu Di tích Lịch sử Đặc biệt cấp Quốc gia Đền Hùng. Hơn 600 thi huynh, thi hữu là những hội viên Hội thơ Đường luật Việt Nam và gần 300 người yêu thơ trên khắp đất nước tề tựu về đây, với khí thế hướng về cội nguồn dân tộc. Những vần thơ, lời ca, tiếng nhạc tấu lên trong đêm giao lưu 31/3 và ngày 1/4/2014 như dội vào đất thiêng, vang mãi. Một lần nữa, Ngày hội Thơ Đường toàn quốc lại thành công rực rỡ, khẳng định sức sống mạnh mẽ của thể loại thơ bác học là thơ Đường luật Việt Nam…
Một không gian thơ Đường
Mới xẩm tối 31/3/2014, nhà thơ Điền Ngọc Phách, người mang trọng trách nặng nề là đơn vị đăng cai Ngày hội, vui vẻ thông báo: Tổng số đại biểu đến lúc này đã hơn 600 người. Về cơ bản, các đơn vị thành viên của Hội Thơ Đường luật Việt Nam, từ Đồng Tháp đến Quảng Ninh, Cao Bằng đều về dự, riêng Chi hội Thanh Hóa có hẳn một đoàn hoành tráng với “quân số” 70 người. Đặc thù của thể thơ Đường luật (tuy đã được Việt hóa) đòi hỏi người làm thơ phải có bề dày về văn hóa, trí tuệ và kinh nghiệm, nên các đại biểu hầu hết là NCT, nhiều cụ hơn 80, có cụ đã gần trăm tuổi. Thế mới biết, thơ cũng tựa như chất gây nghiện vậy. Chẳng thế mà, các cụ vượt cả chặng đường xa ngái để về dự Hội. Các “nhà thơ Đường luật”, hầu hết là nghiệp dư, gặp nhau vui vẻ, phấn chấn, đọc cho nhau nghe, trao cho nhau những tác phẩm mới. Một không gian thơ Đường luật đậm đặc, ở bất cứ đâu (nhà ăn, phòng nghỉ, ngoài sân, hội trường, dọc đường lên dâng hương Đền Hùng) đều râm ran giọng đọc thơ Đường luật, mê mải, thiết tha…
Ngày hội thơ Đường Việt Nam lần này có vị khách mời khá đặc biệt, đó là Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam. Mặc dù rất bận công việc, nhưng bà vẫn cố gắng thu xếp để tới dự, với tình cảm rất giản dị, hội viên Hội Thơ Đường luật Việt Nam đều là NCT, từng gắn bó mật thiết với Hội NCT Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều khách mời từ các cơ quan Trung ương. Về phía tỉnh Phú Thọ, có ông Vi Văn Lễ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hà Kế San, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Bá Thiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Sở Ngoại vụ; ông Đỗ Xuân Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh…
Sau tiếng trống khai hội của nhà báo Kim Quốc Hoa, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam, bài Phú khởi nguồn thơ mở hội vang lên hào sảng, qua giọng đọc của NSƯT Quốc Giới. Bài phú ngắn gọn, súc tích mà phác họa được cả mạch nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt, khẳng định chủ quyền độc lập không ai có thể phủ nhận được. Trong mạch nguồn lịch sử ấy, người Việt luôn lạc quan: “…Trải mấy ngàn năm đế nghiệp vững bền, tiên rồng nòi giống trí tuệ anh minh, chiến cũng như đình, Hồng Lạc cháu con văn thơ vang dội”. Câu văn, câu thơ không chỉ để ngợi ca cuộc sống, cảnh đẹp nước non… mà còn là vũ khí mạnh hơn bất cứ sức mạnh nào, có thể xua tan quân giặc, làm cho chúng bạt vía kinh hồn: “Trong vòng nước non tăm tối, thề phục quốc vang lời Hịch Trưng Vương, gặp lúc điên đảo biên cương, thơ Nam quốc sơn hà riêng bờ cõi(…). Văn tài thấm nhuần khắp cõi, nào Hịch tướng sĩ bạt vía quân thù, nọ Cáo bình Ngô hớp hồn lang sói…”. Và, trong thời kì đổi mới, thơ ca lại vang lên những vần điệu hòa bình, phong trào thơ ngày càng nở rộ, trong đó có Thơ Đường luật Việt Nam: “Đã tới kì đổi mới, văn thơ náo nức mọi miền, mừng Đất Việt chuyển mình, ca xoan vang lừng sông núi. Mới 9 năm thơ Đường Việt hóa hồi sinh, vừa 67 Nguyên tiêu mở lối, 39 xuân toàn vẹn non sông, Đất Tổ cội nguồn tưng bừng khai hội… Mừng thơ Đường Việt hóa thăng hoa, thành phố cội nguồn thơ ca vang dội”.
Một thể thơ bác học, giàu chất lãng mạn
Bài diễn văn khai mạc của nhà báo Kim Quốc Hoa, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam nhấn mạnh, thơ Đường là hiện tượng thi ca đặc biệt, có nguồn gốc từ Trung Quốc, với những thi hào như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… để lại cho nhân loại một kho tàng văn học mang tính nghệ thuật bác học, chuẩn mực, uyên thâm, giàu chất lãng mạn và tính nhân văn cao cả. Vì vậy thơ Đường được lưu truyền vĩnh cửu, khẳng định sự trường tồn bất diệt, đi vào lòng người không những ở Trung Hoa, mà đã vượt qua khỏi biên giới của họ trong đó nổi bật nhất là ở Việt Nam.
Tiếp thu và vận dụng những tinh hoa của thơ Đường, các thi nhân, thi sĩ trong giới hào kiệt nho sĩ Việt Nam đã kế thừa, nâng niu vào điều kiện thực tế của đất nước để cho ra đời và tồn tại một dòng thơ mang bản sắc riêng của dân tộc Việt – Thơ Đường luật Việt Nam…
Thơ Đường đã có lúc bị chìm lắng, mai một nhưng đến cuối những năm 90 của thế kỉ trước, thơ Đường có cơ hội trỗi dậy trở thành trào lưu văn học rộng rãi trong cả nước. Đó là bối cảnh ra đời của CLB Thơ Đường, sau đó phát triển thành Hội Thơ Đường luật Việt Nam như ngày nay. Trong 9 năm qua, Hội Thơ Đường luật Việt Nam tập hợp được đông đảo những người yêu thơ Đường luật tham gia, hằng năm có những hoạt động sôi nổi, trở thành “sân chơi” văn hóa, trí tuệ, tao nhã có sự quản lí của ngành văn hóa, được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ, giúp đỡ nên phát triển mạnh. Cho đến nay, Hội Thơ Đường luật Việt Nam có 75 chi hội ở 47 tỉnh, thành phố với gần 3.000 hội viên là trí thức, nhà giáo, cán bộ hưu trí, NCT hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Hằng năm Hội đều tổ chức Ngày hội thơ Đường Việt Nam luân phiên ở các địa phương vào dịp mùa Xuân. Ngoài ra, mỗi năm Hội ra một tổng tập mang tên “Thắp sáng Đường thi” và “Thơ Đường luật Việt Nam”, với hàng chục nghìn lượt tác giả, tác phẩm tham gia. Các địa phương cũng xuất bản nhiều tập thơ Đường luật, tổ chức các hội thảo khoa học về thơ Đường luật…
Năm 2013, Hội xuất bản tổng tập “Thơ Đường luật Việt Nam 9”, ra mắt bạn đọc vào đúng mùa Xuân năm 2014. Cuộc thi Thơ Đường luật Việt Nam với Đất Tổ Hùng Vương, chỉ trong 3 tháng thu hút gần 1.000 tác giả của 34 tỉnh, thành phố, với hơn 4.000 tác phẩm thơ Đường, bài phú, câu đối, là minh chứng sức sống dồi dào, kì diệu của thơ Đường luật Việt Nam được coi là thể thơ bác học, mặc dù hầu hết tác giả không phải nhà thơ chuyên nghiệp. Năm 2014 và 2015, hướng tới kỉ niệm 10 năm ngày thành lập Hội sẽ xuất bản tổng tập “Mười năm thơ Đường”, tổ chức Ngày hội thơ Đường thường niên lần thứ X tại Bắc Ninh, đồng thời mở cuộc thi thơ Đường luật với chủ đề gắn với vùng Kinh Bắc.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thơ Đường luật Việt Nam giới thiệu những nét cơ bản của tổng tập “Thơ Đường luật Việt Nam 9”, với một số bài thơ tiêu biểu ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước và tình yêu nước nồng nàn của các tác giả.
Thơ Đường cần được bảo tồn và phát triển
Trong bài phát biểu chào mừng, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu khẳng định, nhu cầu về đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của người dân đòi hỏi ngày càng cao. Việc xã hội hóa đời sống tinh thần trong cộng đồng nhân dân là trào lưu tất yếu. Công cuộc bảo tồn, đẩy mạnh sáng tác, quảng bá thơ Đường do Hội Thơ Đường luật Việt Nam làm nòng cốt tập hợp lực lượng, thúc đẩy phong trào quần chúng trong đó hầu hết là trí thức, nhà giáo, đông đảo NCT tham gia là hoạt động thiết thực. Thơ Đường Việt Nam cũng như các thể thơ khác cần được tiếp tục bảo tồn và phát triển. Hội NCT Việt Nam luôn ủng hộ hoạt động của Hội Thơ Đường luật Việt Nam, biểu dương những NCT tham gia sáng tác, quảng bá góp phần phát triển thể loại thơ độc đáo này trong nền văn học nước nhà, làm cho ngày càng phong phú, đa dạng trong tâm thức người Việt. Trong những năm qua, hàng trăm hội viên NCT đã trở thành thành viên của Hội Thơ Đường luật, hàng chục nghìn NCT tham gia sáng tác, ngâm, vịnh phổ biến thơ Đường ở các CLB thơ làm cho đời sống văn hóa của NCT ở cơ sở thêm phong phú…
Một hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu chào mừng, nói lên niềm vinh dự của tỉnh Phú Thọ, được đón tiếp Hội Thơ Đường luật Việt Nam đến tổ chức Ngày hội thơ Đường Việt Nam lần thứ 9 tại khu Di tích Lịch sử Đền Hùng. Ông nói: “Đây là hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa, nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ (2014). Đây cũng là dịp để các hội viên Hội Thơ Đường luật Việt Nam đến thăm Phú Thọ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm thơ ca có giá trị nghệ thuật cao. Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu và ông Hà Kế San đã tặng Ngày hội những lẵng hoa tươi thắm.
Cuộc thi Thơ Đường luật Việt Nam với Đất Tổ Hùng Vương chọn ra được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 7 giải Tư và 7 giải Khuyến khích của các tác giả và tác phẩm. Hai giải đặc biệt được trao cho tác giả cao tuổi nhất là cụ Phạm Như Thuyên, hơn 90 tuổi và cháu Nguyễn Xuân Thư 10 tuổi. Ngày hội khép lại với những cuộc chia tay lưu luyến, các thi huynh, thi hữu lại hẹn nhau đến năm tới tại đất Kinh Bắc (Bắc Ninh).
Nguồn tin:Không xác định