Dự thảo Thông tư 2014/TT-CA của TAND Tối cao: Không lẽ Thông tư lại “trèo cao hơn Luật”?!
Ngày 12/3/2014, TAND Tối cao công bố Dự thảo Thông tư 2014/TT-CA ban hành nội quy phiên tòa, khiến dư luận lo ngại: “Nếu không được phép của Bản Tòa, thì các phóng viên miễn tác nghiệp?”. Nhiều ý kiến bức xúc về những quy định trái pháp luật của Dự thảo Thông tư này, có ý kiến cho rằng, như vậy là ngành Tòa án muốn hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí, nhằm che dấu những khuất tất trong xét xử của không ít phiên tòa diễn ra gần đây trên toàn quốc…
Tại Điều 2 Nội quy phiên tòa ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư này quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của Chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư kí phiên tòa tại bàn thư kí chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”. Như vậy, phóng viên các báo khi muốn tác nghiệp (ghi âm, chụp ảnh, ghi hình) tại những phiên tòa xét xử công khai, cũng phải được sự đồng ý của Chánh án, hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Như vậy, đây là hình thức đặt ra “giấy phép con” của ngành Tòa án, tạo nên một thứ “quyền hành” rất cao của Thẩm phán và cấp tòa nơi tiến hành xét xử các vụ án công khai. Cứ như quy định nói trên mà suy, thì các phóng viên không có quyền tác nghiệp, khi Chánh án, hoặc Thẩm phán không “cấp phép”, mà không cần biết lí do.
Thoạt nghe có vẻ giản đơn: thì lâu nay các phóng viên vẫn thực hiện việc xuất trình Giấy giới thiệu, Thẻ nhà báo cho Thư kí phiên tòa để đăng kí tham dự, tác nghiệp tại phiên tòa… Thế nhưng, khi đã thành quy định có tính chất pháp quy, thì rõ ràng quyền tác nghiệp của các nhà báo có nguy cơ bị xâm hại rất cao. Trong khi đó, thực tế ghi nhận những đóng góp không nhỏ của báo chí với sự phát triển của ngành Tòa án. Với chức năng thông tin, giám sát chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình tố tụng, báo chí từng làm rõ nhiều vụ án oan sai, kiến nghị các cơ quan tố tụng sửa chữa những khiếm khuyết, nhìn rõ được những tiêu cực xảy ra ở ngành mình, cơ quan mình, góp phần nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử tại Việt Nam. Bên cạnh đó, báo chí là kênh thông tin quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, tạo tính răn đe khi đưa tin về vụ án tại các phiên tòa. Vậy vì sao ngành Tòa án muốn hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí? Phải chăng việc TAND Tối cao đưa ra Dự thảo Thông tư nói trên để được “đá một mình một sân”!?
Đối chiếu với các quy định của pháp luật về báo chí, thì Dự thảo Thông tư 2014/TT-CA của TAND Tối cao đã vi phạm luật, hay nói cách khác là định “trèo cao hơn Luật”. Tại Điều 6 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: “1. Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; 2. Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; 3. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; 4. Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;…”. Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP quy định: (báo chí) “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Dự thảo Thông tư 2014/TT-CA của TAND Tối cao trái với các điều luật này. Hơn nữa, Luật Báo chí cũng quy định “không ai được cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, do đó Thông tư không thể có quy định cao hơn Luật.
Trước đó, vào giữa năm 2013, Dự thảo Pháp lệnh xử lí các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND từng gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, tại Điểm e, Khoản 1, Điều 17 quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án, hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”. Với quy định này, nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa (người sử dụng phương tiện để ghi âm, ghi hình nhiều nhất tại phiên tòa) bị quản lí gắt gao, gây phiền toái trong tác nghiệp.
Khi trả lời báo chí về Dự thảo Pháp lệnh xử lí các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND nói trên, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng: “Về nguyên tắc, nếu phiên tòa xét xử công khai thì các nhà báo, PV được quyền vào dự để tác nghiệp. Theo tôi, phóng viên muốn đưa tin một cách chuẩn xác thì họ phải có quyền ghi âm, ghi hình theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hoạt động của báo chí đều tạo điều kiện để nhà báo, phóng viên tác nghiệp, trong đó có quyền tác nghiệp tại tòa án”.
Hiện hoạt động xét xử ở Việt Nam đang theo hướng công khai, minh bạch theo tinh thần cải cách tư pháp, thượng tôn pháp luật (trừ những vụ án cần giữ bí mật). Do vậy, quyền tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên tại những phiên tòa xét xử công khai là cần thiết. Dự thảo Thông tư 2014/TT-CA của TAND Tối cao với những điều trái quy định của pháp luật lập tức cần hủy bỏ.
Hoàng Linh
Nguồn tin:Không xác định