CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI: DÂN CÓ QUYỀN… CƯỠNG CHẾ NHÀ NƯỚC?

Nói đến thừa phát lại hay còn gọi là thi hành án dân sự thì bao giờ cũng gắn liền với cưỡng chế những người không chịu thi hành các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Từ trước đến nay, người dân mới chỉ nghe Nhà nước thực thi quyền lực đi cưỡng chế chứ chưa thấy DN dân doanh nào đi cưỡng chế.

CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI: DÂN CÓ QUYỀN… CƯỠNG CHẾ NHÀ NƯỚC?

Nói đến thừa phát lại hay còn gọi là thi hành án dân sự thì bao giờ cũng gắn liền với cưỡng chế những người không chịu thi hành các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Từ trước đến nay, người dân mới chỉ nghe Nhà nước thực thi quyền lực đi cưỡng chế chứ chưa thấy DN dân doanh nào đi cưỡng chế.

Dân có thêm quyền lựa chọn dịch vụ

Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự còn gọi là thừa phát lại đã được thực hiện thí điểm và chính thức hoạt động tại TP HCM từ năm 2010. Đến năm 2013 mở rộng thí điểm tại 13 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Theo tổng kết của Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 9/2015, đã có 53 Văn phòng thừa phát lại tại 13 tỉnh thành phố với 134 thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề tại các Văn phòng. Các Văn phòng thừa phát lại đã tống đạt được gần 940.000 văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 43.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng.

Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đánh giá: hoạt động tống đạt của TPL đã giúp giảm tải công việc tòa án, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án. Hoạt động lập vi bằng của TPL đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do thừa phát lại lập đã góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp giữa các bên liên quan, tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hoạt động của thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng. Hoạt động này góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã cho rằng, thừa phát lại đã trở thành một nghề, một chế định bổ trợ tư pháp mới, hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, được người dân và xã hội đón nhận. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho chấm dứt thí điểm, công nhận kết quả thí điểm và tính pháp lý của các tổ chức thừa phát lại đã thành lập. Chế định thừa phát lại cần xác định rõ các tổ chức thừa phát lại tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành của Chính phủ từ ngày 1/1/2016 cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không để thừa phát lại làm cưỡng chế thi hành án vì đây là công việc rất phức tạp.

Cưỡng chế thế nào?

Đây là băn khoăn của ĐBQH Nguyễn Sơn – Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Theo ĐB Nguyễn Sơn, quyền cưỡng chế thi hành án dân sự là một quyền mang tính công vụ nhà nước. Nếu để các Văn phòng TPL (hoạt động như một DN tư nhân) đi cưỡng chế thi hành án các vụ án hành chính thì có nghĩa là dân đi cưỡng chế nhà nước. Thực tế, nhiều vụ việc dùng “đầu gấu” đi đòi nợ thuê thời gian qua đã gây mất ổn định chinh trị ở một số địa phương. Điều này cho thấy, việc để thừa phát lại cưỡng chế thi hành án cần phải cân nhắc.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Sơn còn đề nghị phải làm rõ điều kiện, tiêu chuẩn các thừa phát lại và thư ký. Nhiều hoạt động như tống đạt văn bản của Tòa án hay lập vi bằng là những việc mang tính thủ tục tố tụng. Nếu không có trình độ pháp lý nhất định hoặc phẩm chất đạo đức thì sẽ tạo ra những sai phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của tòa án. Thực tế, nhiều thẩm phán khi xét xử đã không công nhận vi bằng do thừa phát lại lập.

Cùng quan điểm, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, phải xác định rõ ràng trong xã hội hóa các dịch vụ bổ trợ tư pháp, những việc gì có thể xã hội hóa được, việc gì không thể xã hội hóa được thì vẫn phải để cho cơ quan nhà nước đảm nhiệm. ĐB Nga đề nghị, việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự nên để cho thừa phát lại làm. Nhưng đối với lập vi bằng thì ĐB Nga đề nghị nên cân nhắc chưa nên giao cho thừa phát lại. Nếu thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ này thì trên cơ sở đối chiếu với Luật công chứng. ĐB Nga cũng nêu quan điểm không để thừa phát lại làm cưỡng chế thi hành án vì đây là công việc rất phức tạp. Nghị quyết của Quốc hội nên thu gọn lại phạm vi, một số nội dung không nên giao cho thừa phát lại. Chính phủ có thể ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết, sau đó nếu được thì bàn kỹ để ban hành thành Luật thừa phát lại.

Ngoài ra hiện nay, các dịch vụ thừa phát lại vẫn được thực hiện dưới dạng hợp đồng giữa tòa án với văn phòng thừa phát lại. Về chi phí dịch vụ thừa phát lại, một số Đại biểu cho rằng, giá dịch vụ tống đạt của thừa phát lại khá cao so với mặt bằng chung, gây tốn kém cho nhà nước, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trên. Điều này sẽ gây khó khăn cho chính các văn phòng thừa phát lại khi các ưu đãi trong thời kỳ thí điểm chấm dứt và việc tống đạt thực hiện theo nguyên tắc tự thỏa thuận.

 

Nguồn tin:Không xác định