TAND tỉnh Hưng Yên: Y án sơ thẩm, HĐXX “giẫm vết xe” vi phạm tố tụng
Những sai sót nói trên của Tòa cấp sơ thẩm cũng không được phiên tòa cấp phúc thẩm ngày 12/9/2014 khắc phục. Do thấy có quá nhiều sai phạm tố tụng, đại diện Viện KSND tỉnh Hưng Yên đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung; luật sư bảo vệ cho bị cáo Tuấn đề nghị hủy án, tuyên bị cáo vô tội và đình chỉ vụ án. Thế nhưng HĐXX cấp phúc thẩm vẫn y mức án đối với bị cáo Phan Văn Tuấn trong sự ngỡ ngàng của những người dự khán, cả bị cáo và bị hại đều không thể “tâm phục khẩu phục”.
Vụ án “Cố ý gây thương tích”, bị cáo là ông Phan Văn Tuấn được TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đưa ra xét xử ngày 20/5/2014, kết thúc bằng Bản án số 27/2014/HSST, mức án 6 tháng tù cho hưởng án treo. Cả bị cáo và bị hại đều kháng cáo. TAND tỉnh Hưng Yên tiến hành xét xử phúc thẩm. Mặc dù có nhiều sai phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị hủy án trả hồ sơ, luật sư biện hộ cho bị cáo đề nghị hủy án tuyên bị cáo vô tội, nhưng HĐXX vẫn quyết định y án sơ thẩm, “giẫm vết xe” vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm, khiến cả bị cáo, cả bị hại đều không “tâm phục”…
Bị cáo không có lỗi “cố ý gây thương tích”
Do mâu thuẫn từ việc đặt đường ống thoát nước, khoảng 19 giờ ngày 4/6/2013 khi bị cáo đang đào rãnh để đặt ống thì bà Mến người cùng thôn Bình Kiều, xã Bình Kiều ra ngăn cản, dẫn đến xô xát khiến bà Mến bị thương. Từ đầu đến cuối bị cáo Tuấn giữ nguyên lời khai, trong lúc giằng co, có vô tình vung chiếc dầm làm cỏ về phía bà Mến, nhưng không biết có trúng hay không, sau này mới biết bà Mến bị thương và sự việc xảy ra tối mùng 4/6/2013 chứ không phải ngày 5/6/2013 như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm vẫn tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng.
Xét về hành vi, thời điểm xảy ra sự việc bị cáo đang sử dụng chiếc dầm để khoét đường rãnh đặt ống thoát nước. Như vậy, chiếc dầm là dụng cụ lao động bình thường. Bản thân bị cáo luôn ý thức không xâm phạm tới bà Mến, nên khi bà Mến dùng 2 tấm bê-tông chặn và đứng bên trên tấm bê-tông, ngăn cản bị cáo đào tiếp, thì bị cáo đã có ý tránh, cúi xuống dùng chiếc dầm khoét rãnh dưới tấm bê-tông để đặt ống. Thế nhưng bà Mến cùng chồng và con trai vẫn cố xông vào, bà Mến ấn đầu còn chồng con bà ghì tay, bóp mồm bị cáo. Trong lúc giằng co, do cố gắng vùng vẫy nhằm thoát khỏi sự khống chế, bị cáo vô tình vung tay cầm chiếc dầm về phía bà Mến đang đứng. Như vậy, bị cáo không hề có ý thức để gây thương tích cho bất cứ ai. Sự việc xảy ra nằm ngoài ý thức chủ quan, không phải do lỗi cố ý của bị cáo, không đủ căn cứ khẳng định bị cáo cố ý gây thương tích.
Những nghi vấn xung quanh vết thương của bị hại
Các bản ảnh do con trai bị hại chụp bằng máy di động và cung cấp cho thấy, chiếc áo bà Mến mặc khi xảy ra xô xát và sau khi xảy ra xô xát không hề có vết rách. Áo không rách mà bụng lại bị thương, chảy máu là điều vô lí, nhưng không được các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm làm rõ, Cơ quan Điều tra cũng không tiến hành thu giữ chiếc áo làm vật chứng, là sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra.
Tại bệnh án ngoại khoa do Trung tâm Y tế Khoái Châu lập ngày 5/6/2013 thể hiện, rách da mạn sườn trái dài 5cm. Bản kết luận giám định ngày 12/11/2013 của Phòng Giám định Pháp y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên lại ghi: “Vết thương thành ngực trái gây rách da… kích thước 4cm2 x 0cm1”. Bản án số 27/2014/HSST của TAND huyện Khoái Châu có đoạn: “Bên thành ngực trái đường nách trước khoảng xương sườn 6 – 7 có một vết sẹo gọn dài 4,7cm”. Như vậy, đã có sự không thống nhất về vị trí, kích thước vết thương giữa các cơ quan. Các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của bị hại đều cho rằng, bà Mến bị thương chảy máu phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khoái Châu, nhưng toàn bộ hồ sơ bệnh án lại là của Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu.
Bà Mến khai, từ 19 giờ đến 21 giờ đêm xảy ra sự việc bà ngồi ở nhà để cán bộ thôn đến làm việc, lập biên bản, sau đó chồng bà mới chở bà đi bệnh viện cấp cứu và phải nằm điều trị 2 ngày. Đây là điểm nghi vấn quan trọng, vì một người bị thương chảy nhiều máu (như lời khai của bà Mến, ông Viện), không thể chờ tới 2 tiếng đồng hồ sau mới chở đi bệnh viện. Hồ sơ bệnh án cũng cho thấy, khi vào viện bà Mến không thuộc trường hợp cấp cứu, mà chỉ vào khu khám bệnh, tình trạng vết thương không nghiêm trọng. Hồ sơ bệnh án và lời khai của bà Mến đều có nội dung phải khâu cầm máu vết thương, nhưng trên thực tế ảnh chụp lại vết sẹo tại vị trí bà Mến chỉ thì lại thể hiện là sẹo mờ với cơ chế tự liền, không có hình đường chỉ khâu. Đáng tiếc, những điều mâu thuẫn này đã bị các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm bỏ qua.
Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm
Bị cáo nhiều lần viết bản tự khai, nội dung có lợi cho bị cáo, nhưng đều bị các điều tra viên tự ý bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án. Có 2 tài liệu không phải do bị cáo kí, nhiều lần bị cáo đề nghị giám định chữ kí ở 2 tài liệu này, nhưng không được đáp ứng. Sự việc xảy ra là ngày 5/6/2013 (thực tế là ngày 4/6/2013), nhưng đến tận ngày 23/12/2013, Công an huyện Khoái Châu mới mời bị cáo đến Cơ quan Công an huyện làm việc và bị bắt giam ngay, trái với khoản 2, Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cũng trong ngày này, Cơ quan Điều tra và Viện KSND huyện Khoái Châu tiến hành lập, phê chuẩn hơn một chục văn bản, quyết định, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Có sự mâu thuẫn về thời gian xảy ra sự việc ngày 4/6 hay ngày 5/6, nhưng Cơ quan Điều tra không tiến hành đối chất giữa các bên để làm rõ, thể hiện sự thiếu sót, cẩu thả của các điều tra viên. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cung cấp 4 bức ảnh do anh Cảnh thợ ảnh chụp theo yêu cầu của Công an xã, để chứng minh sự việc xảy ra tối mùng 4/6/2013 chứ không phải 5/6/2013, các file ảnh gốc (chụp bằng máy kĩ thuật số) luôn lưu giữ ngày giờ chụp, nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cố tình không xem xét, dẫn đến sai lệch sự việc… Phiên tòa sơ thẩm ngày 20/5/2014 thiếu nhiều nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không có mặt 2 bác sĩ pháp y của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên là những người thực hiện khám thương tích cho bà Mến và ra kết luận tổn hại 3% sức khỏe. Các nhân chứng trực tiếp có mặt chứng kiến sự việc xảy ra tối mùng 4/6/2013 cũng bị Tòa sơ thẩm bác bỏ, không cho làm chứng là thiếu khách quan, trái quy định của pháp luật.
Những sai sót nói trên của Tòa cấp sơ thẩm cũng không được phiên tòa cấp phúc thẩm ngày 12/9/2014 khắc phục. Do thấy có quá nhiều sai phạm tố tụng, đại diện Viện KSND tỉnh Hưng Yên đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung; luật sư bảo vệ cho bị cáo Tuấn đề nghị hủy án, tuyên bị cáo vô tội và đình chỉ vụ án. Thế nhưng HĐXX cấp phúc thẩm vẫn y mức án đối với bị cáo Phan Văn Tuấn trong sự ngỡ ngàng của những người dự khán, cả bị cáo và bị hại đều không thể “tâm phục khẩu phục”.
Hoàng Linh
Nguồn tin:Không xác định