Nghi vấn khuất tất về tài chính ở TAND tỉnh Hà Tĩnh?
Thời gian qua, dư luận tại Hà Tĩnh quan tâm những tố cáo liên quan tới sự không minh bạch về tài chính, mua sắm ở TAND tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt là tiền bảo hiểm xã hội về thai sản của 10 nữ cán bộ, nhân viên bị chi trả bất thường. Sự việc trên đã được TAND Tối cao thu thập hồ sơ để kiểm tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận…
Nghi vấn tiền thai sản bị “ăn chặn”?
Đầu tháng 5/2014, trước những bức xúc của một số nữ cán bộ, đề nghị lãnh đạo Tòa làm rõ những thắc mắc trong việc chi trả tiền thai sản của chị em sinh đẻ, ông Trần Quốc Việt, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Văn phòng, phòng Tổ chức Cán bộ vào cuộc kiểm tra.
Chị Tống Thị Cẩm Tú viết đơn bày tỏ những dấu hiệu bất thường trong việc chi trả tiền thai sản, tiền dưỡng sức của chị em trong nhiều năm. Cụ thể năm 2010, chị Tú sinh con, được gần 2 tháng, nộp các thủ tục theo yêu cầu của kế toán. Trong quá trình nghỉ sinh, chị vẫn nhận lương bình thường. Đến cuối năm 2012, chị Tú được thanh toán 2 lần tiền thai sản từ kế toán viên Đặng Thị Lan. Lần 1 khoảng 1 triệu đồng, lần 2 khoảng 280 nghìn đồng. Đầu năm 2011, chị Phạm Thị Quỳnh Chi sinh con, trong thời gian nghỉ đẻ vẫn nhận lương bình thường. Sau đó, chị Chi đã làm hồ sơ nộp cho kế toán. Năm 2012, chị cũng nhận được 2 lần tiền thai sản từ bà Đặng Thị Lan với số tiền khoảng 2,2 triệu đồng. Chị Chi thắc mắc thì được bà Lan giải thích: Đây là tiền tã lót và dưỡng sức, còn tiền lương đã nhận hằng tháng tại cơ quan.
Ngày 9/12/2011, chị Nguyễn Thị Hằng (nhân viên tạp vụ theo hình thức hợp đồng lao động) sinh con. Vì là nhân viên hợp đồng nên bà Đặng Thị Lan không trả lương thời gian nghỉ đẻ mà đến cuối tháng 12/2012, kế toán cho nhận hơn 4,9 triệu đồng, sau đó nhận thêm 275 nghìn đồng. Ngoài ra, còn có 5 chị em là Lê Thị Hạnh, Lê Thị Thanh Huệ (cùng sinh con năm 2011), Trần Thị Thúy Hạnh (sinh con năm 2013), Lê Nữ Ngọc Diệp (sinh con năm 2010 và năm 2011 nộp giấy báo tử), Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh con năm 2012) ngoài nhận lương hằng tháng trong quá trình sinh, đến cuối năm 2013, bà Đặng Thị Lan đã cho ứng 2 triệu đồng/người. Có hai chị Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Thị Linh Giang (cùng sinh con năm 2013) mới chỉ nhận lương hằng tháng còn không nhận được tiền thai sản.
Bên cạnh việc vẫn chi trả tiền lương đầy đủ từ năm 2010 cho số chị em nghỉ sinh thì kế toán đã làm các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán chế độ thai sản với Bảo hiểm xã hội (BHXH). Kế toán đã nhận tiền 3 đợt từ BHXH: Đợt 1 (tháng 12/2011, tiền thai sản của chị Tú và chị Chi) hơn 19,7 triệu đồng; đợt 2 (tháng 3/2013, tiền thai sản của chị Hằng và chị Huyền) là 19,1 triệu đồng và đợt 3 (tháng 1/2014, tiền thai sản của các chị Diệp, Hạnh, Huệ, Giang, Loan) hơn 77,7 triệu đồng.
Sau khi thanh quyết toán tiền thai sản với BHXH tỉnh Hà Tĩnh, theo như giải thích, kế toán lại tính toán rồi trả thêm cho các đối tượng thai sản. Ví dụ trường hợp chị Tống Thị Cẩm Tú nhận thêm 2,5 triệu đồng và chị Phạm Thị Quỳnh Chi 2,6 triệu đồng.
Theo số liệu tại BHXH, mỗi chị em sinh đẻ được chi trả hơn 9 triệu đồng, nhưng thực chất họ chỉ nhận được hơn 1 triệu đến hơn 2 triệu đồng/người. Tiền dưỡng sức cũng không có.
Việc làm này của bộ phận kế toán và chủ tài khoản đã vi phạm nguyên tắc tài chính. Thực chất, tiền thai sản nhà nước chi trả cho chị em, Tòa án chỉ là đơn vị trung chuyển. Tiền về thì phải chi trả toàn bộ cho người thụ hưởng. Ở đây, mặc dù tiền của chị em, nhưng kế toán Tòa án tỉnh Hà Tĩnh lại chi trả nhỏ giọt, mỗi phiếu chi đều có chữ kí của chủ tài khoản.
Nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ
Trước khi có sự vào cuộc của TAND Tối cao, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra, bước đầu phát hiện nhiều sai phạm trong việc này. Về trách nhiệm, trong quá trình giải quyết chế độ thai sản, kế toán đã không làm kịp thời, kéo dài thời gian, không giải thích cho cán bộ, công chức, người lao động hiểu quy trình hồ sơ thủ tục làm chế độ thai sản, dưỡng sức theo đúng quy định nên hầu như chị em không được BHXH thanh toán chế độ dưỡng sức (khoảng 1 triệu đồng/người). Về thời gian, sau khi kiểm tra và qua đơn thư phản ánh thì cả 10 chị em sau khi sinh đã kịp thời cung cấp hồ sơ thai sản đầy đủ theo hướng dẫn nhưng kế toán không làm kịp thời từ năm 2010, với lí do kế toán không thực hiện chế độ thai sản. Theo phản hồi từ BHXH tỉnh, vì kế toán TAND tỉnh không làm hồ sơ gửi kịp thời theo quy định. Do chậm trễ hồ sơ nên BHXH tỉnh mới xin BHXH Việt Nam cho phép và được chấp nhận cho thanh toán số tiền chậm trễ trên.
Văn phòng và Phòng Tổ chức Cán bộ phát hiện thêm sai phạm trong hoạt động chuyên môn của bộ phận kế toán. Đó là việc không cung cấp kịp thời hồ sơ cho BHXH theo Điều 117 Luật BHXH làm thiệt hại đến lợi ích mà đối tượng được hưởng. Nguyên tắc hoạt động tài chính cũng bị vi phạm, việc song song chi trả lương và BHXH cho đối tượng được hưởng chế độ là sai. Trước những sai phạm rõ ràng, bà Trần Thị Minh Nguyệt, kế toán trưởng và bà Đặng Thị Lan, kế toán viên lại không có câu trả lời rõ ràng. Việc chậm chi trả thai sản kéo dài suốt 4 năm, là kế toán trưởng, chắc chắn bà Nguyệt phải nắm rõ cụ thể, tuy nhiên bà không chấn chỉnh kịp thời? Việc chi trả, lương cho đối tượng thai sản lại lấy từ nguồn ngân sách cơ quan là việc làm sai trái. Tiền lương được chi trả trước khi tiền thai sản rót về, vậy khoản tiền thai sản này có được nhập quỹ lương?
Vấn đề tiền thai sản của 10 chị em đang công tác tại Tòa án không được chi trả đủ trong 4 năm qua có sự bao che, dung túng?
Quá trình kiểm tra còn phát hiện ra hơn 8 triệu đồng trong quỹ, được kế toán cho biết là của năm 2012. Tuy nhiên, theo nguyên tắc tài chính thì hằng năm đều quyết toán năm tài chính, không có lí gì dôi ra số tiền này mà kế toán và chủ tài khoản không biết. Tiền chế độ thai sản không chi trả đủ nhưng quỹ lại bị thừa? Dư luận cho rằng phải chăng số tiền này mới được bỏ vào để hợp lí hóa?
Thượng tôn pháp luật phải được thực thi
Trong lúc những vấn đề trên đang chờ kết luận cuối cùng từ TAND Tối cao thì nhiều bất thường về tài chính khác tại TAND tỉnh Hà Tĩnh đã được phát hiện ra. Như việc mua sắm hàng chục chiếc điều hòa không khí có giá trị hàng trăm triệu đồng không minh bạch, chất lượng nhiều chiếc xuống cấp nhanh chóng. Sự việc này đã được lãnh đạo Tòa án chỉ ra lô hàng không rõ ràng khi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được dịch ra tiếng Việt, thông báo mời thầu không đúng…
Mới đây, tập thể cán bộ Tòa án đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra những dấu hiệu khuất tất trong việc bộ phận kế toán thụ hưởng tiền % tiếp khách, hội nghị, tập huấn từ các khách sạn tại TP Hà Tĩnh. Nhất là nghi vấn chuyển tiền trái phép vào tài khoản khách sạn Ngân Hà rồi rút ra.
Kiều Liệu – Duy Tuấn