Một vụ kiện hành chính ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận: Tòa án và chính quyền tuy hai mà một

Không phải vô cớ mà dân không tin Tòa Hành chính, đặc biệt là cấp sơ thẩm. Khi giải quyết khiếu nại, người đứng đầu chính quyền luôn hướng dẫn: “Nếu không đồng ý quyết định này thì… có thể khởi kiện ra Tòa”. Nhưng dân kiện quan là “con kiến kiện củ khoai” hiếm có trường hợp người dân thắng kiện Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh…

 

“Ông huyện” không biết luật… chết dân

Năm 1992 bà Võ Lệ Hằng ở KP 7 thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong sang lại của bà Nguyễn Thị Minh thửa đất 3.600m2 tại khu vực Vườn Chùa rồi mở rộng thêm, diện tích lên đến trên 8.400m2 và sử dụng ổn định. Năm 2000, UBND huyện Tuy Phong quy hoạch khu đất để làm bến xe, “treo” quyền lợi người sử dụng suốt 10 năm liền. Năm 2010 thấy có người được cấp sổ đỏ nên bà Hằng có đơn xin cấp sổ đỏ thửa đất này. Chủ tịch UBND huyện có Văn bản số 719/UBND-KNTC ngày 19/5/2011 bác đơn với lí do: Bà Hằng không cung cấp được giấy sang nhượng đất, và cho rằng đó không phải đất bà Minh sang lại cho Hằng mà là đất bà Lê Thị Lõng đã bỏ hoang từ năm 1978. Sau đó Chủ tịch UBND huyện Hồ Ba kí Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 7/11/2011, bác đơn của bà Hằng. Bà Hằng khiếu nại lên tỉnh cũng bị UBND tỉnh bác đơn và hướng dẫn: “Nếu không đồng ý… bà có thể khởi kiện tại Tòa”.

Theo Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực ngày 1/7/2004) thì “…đất không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày Luật này có hiệu lực, không tranh chấp… thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất…” (nếu sử dụng trước 15/10/1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất). Giả sử bà Hằng không có giấy sang nhượng thì coi như đất sử dụng ổn định, không có giấy tờ, vậy thì Chủ tịch UBND huyện căn cứ Điều 50 Luật Đất đai để giải quyết, sao lại bác đơn?

Tòa bị tố ngụy tạo hồ sơ

Bà Hằng khởi kiện, yêu cầu Tòa tuyên hủy Văn bản số 719 ngày 19/5/2011 và Quyết định số 2784/QĐ ngày 7/11/2011 của Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, công nhận quyền sử dụng 8.400m2 đất. Ngày 17/2/2014, TAND huyện Tuy Phong xét xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện. Bản án số 01/2014/HCST viết: “Tờ nhượng đất viết tay trên trang vở học trò… có chữ kí của cán bộ địa chính xã Nguyễn Thành Tài và xác nhận của Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh…”. Như vậy, Văn bản số 719/UBND ngày 19/5/2011 của Chủ tịch UBND huyện Hồ Ba nói bà Hằng không cung cấp được bản gốc giấy sang nhượng là cố ý nói sai sự thật, để bác đơn bà Hằng.

Nhân chứng Võ Ngọc Vân, cựu Chủ tịch UBND xã, cựu Bí thư Đảng bộ xã Bình Thạnh nói: “Khi bà Minh và bà Hằng yêu cầu xác nhận việc chuyển nhượng, tôi chỉ đạo cán bộ địa chính xác minh rồi tôi kí xác nhận. Thửa đất gần nhà tôi nên tôi biết rõ, cả việc bà Hằng thuê người ăn ở tại chỗ để sử dụng thửa đất này tôi cũng biết… Ngày 23/8/2013, Thẩm phán Nguyễn Văn Thạch mời tôi đến xã để lấy lời khai, ông ta cố ý chừa một khoảng trống cuối biên bản rồi “sáng tác” thêm những điều tôi không nói. Khi Tòa công bố lời khai của tôi sai sự thật, tôi đã kịch liệt phản đối và bác bỏ biên bản này…”. Nhân chứng Trần Văn Hùng, cháu ông Nguyễn Tự cho biết: “Trước năm 1975 ông tôi sử dụng thửa đất này, đến năm 1988 thì sang lại cho ông Nguyễn Tám là cha bà Minh ở xã Phước Thể. Nhưng Thẩm phán Thạch cố tình gán cho ông Tám ở xã Bình Thạnh để bảo là tôi nói sai… Tôi còn biết việc bà Hằng thuê người ở để làm công trên thửa đất. Nhưng bản án ghi lời khai của tôi không đúng…”. Nhân chứng Đặng Công Trường nói: “Tôi từng làm công tác đo đạc ở địa phương nên khá am tường đất ở đây. Thửa đất này bà Hằng sử dụng gần chục năm và thuê một người bên Phú Lạc đến làm… Tôi nói ông Tám từng sử dụng thửa đất này là người Phước Thể, cha bà Minh nhưng bị Thẩm phán Thạch “đánh tráo” ông Tám ở Bình Thạnh là ông của bà Lõng để cho rằng lời khai của tôi không đúng…”. Trước Tòa, ông Mai Hồng, ở xã Phú Lạc nói: “Từ năm 1992 đến 1999, tôi xin Công an xã Bình Thạnh, tạm trú rồi làm chòi ở hẳn tại đây để tiện sản xuất và trông coi thửa đất cho bà Hằng suốt 8 năm liền, có hàng chục người biết…”.

Như vậy, bà Hằng là người sử dụng thửa đất này, ông Mai Hồng, người trực tiếp sản xuất, trông coi thửa đất và cựu Chủ tịch UBND xã Võ Ngọc Vân, người xác nhận vào giấy sang nhượng, nhà ở gần thửa đất, ngoài ra còn có ông Đặng Công Trường và ông Trần Văn Hùng biết rõ. Cả 4 người, trước sau vẫn xác định bà Hằng sử dụng đất này từ 1992 đến năm 2000 thì bị quy hoạch. Rắc rối này do chính quyền huyện Tuy Phong gây ra, quy hoạch mà không xác định chủ sử dụng đất, đã quy hoạch sai mà còn kéo dài, khi hủy bỏ quy hoạch cũng không công bố.

Án sơ thẩm cho rằng bà Hằng không có chứng từ nộp thuế, sử dụng đất không đăng kí, rồi nêu lịch sử thửa đất từ 38 năm trước để làm nhiễu thông tin. Người xưa nói: “Nhất khoảnh điền thiên niên vạn chủ”, dù trước kia là đất của ai nhưng người sử dụng trước ngày 15/10/1993 không tranh chấp là đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Mà Luật Đất đai không bắt buộc người sử dụng đất phải đăng kí với chính quyền, phải nộp thuế nông nghiệp thì mới được cấp sổ đỏ? Chủ tịch UBND huyện đã cố ý phủ nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của dân, TAND huyện cố tình làm sai lệch hồ sơ để bênh chính quyền thì còn đâu là dân chủ, còn đâu là công lí?

Tòa phúc thẩm cần đến tận nơi xem xét, gặp nhân chứng, tìm hiểu kĩ để có phán quyết đúng nhằm lấy lại công bằng dân chủ, lấy lại lòng tin cho Tòa Hành chính vốn đang bị hoài nghi.

Trần Mỹ