Một Việt kiều tại CHLB Đức kêu cứu: Có hay không dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản? (Kì 3)
Sau nhiều năm lao động vất vả sớm khuya, dầm mưa dãi tuyết tại CHLB Đức, vợ chồng bà Đoàn Thị Minh Loan dành dụm được chút vốn liếng, tính về Việt Nam mua đất, mua nhà để sinh sống. Thế nhưng, “họa vô đơn chí”, bà vô tình vớ phải “quả đắng” khi giao hơn 10 tỉ đồng để mua một suất nhà, đất tại Dự án Khu đô thị Thanh Hà A, Hà Nội. Nhưng nhà, đất đâu không thấy, chỉ còn lại cảm giác bị lừa. Bà Loan trình bày với Báo Người cao tuổi như vậy trong nước mắt…
Tại phần điều khoản thực hiện, mục 3.2.4 Biên bản ghi nhớ quy ước: “Bên A đơn phương chấm dứt hiệu lực của Biên bản này khi bên B vi phạm các cam kết tại mục 2 trên đây”. Rõ ràng, ngay khi ông Dũng kí phiếu thu 1.358.400.000 đồng của ông Ninh, kí Biên bản nhận tiền góp vốn với ông Ninh, thì Biên bản ghi nhớ ông Dũng kí với Cienco 5 Land mặc nhiên chấm dứt hiệu lực. Trong tay ông Dũng không còn bất động sản (BĐS) nào tại Dự án Thanh Hà A, để đem ra giao dịch với bà Loan. Chắc chắn ông Dũng, ông Ninh phải biết điều này, do cả hai ông đều hoạt động kinh doanh BĐS, đều là Giám đốc Sàn giao dịch BĐS. Đến đây, cái gọi là “quyền mua đất, nhà ở hình thành trong tương lai”, được ông Ninh và ông Dũng đem ra giao dịch với bà Loan, là “sản phẩm ảo”, nhưng lại lấy để thu tiền thật của bà Loan, với giá trị hơn 10 tỉ đồng, rồi chiếm giữ suốt từ năm 2011 đến nay, khi bà Loan đòi lại, không mua nhà, đất nữa, các ông này cũng cố tình không trả.
Đầu tháng 2/2012, bà Loan có văn bản gửi cho Sàn BĐS Cienco 507 để hỏi rõ thông tin, thì ông Dũng có thông báo mời bà Loan cùng đến gặp chủ đầu tư dự án làm thủ tục kí hợp đồng góp vốn. Tại Văn phòng Công ty Cienco 5 Land, ông Dũng làm đơn đề nghị chủ đầu tư cho bà Loan kí biên bản ghi nhớ; đơn đề nghị xác nhận 40% giá trị ô đất chuyển cho bà Loan thành tiền góp vốn mua đất, nhà ở tại Dự án Thanh Hà A. Đồng thời, bà Loan có đơn đề nghị Sàn BĐS Cienco 507 xác nhận phần vốn góp (40%) đã nộp thay cho bà Loan cho Cienco 5 Land. Họ cũng yêu cầu bà Loan kí đơn tự nguyện tham gia hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với Cienco 5 Land. Trên cơ sở đó, ông Thân Lâm với chức vụ Phó Tổng giám đốc đã kí Biên bản ghi nhớ đề ngày 22/2/2012.
Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất rõ
Theo phân tích của luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về dấu hiệu tội phạm thuộc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cấu thành tội này phải đủ 4 yếu tố: Khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể. Về khách quan, hành vi này có dấu hiệu người nào dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả, nhưng làm cho người khác tin là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa thông tin giả thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Quan hệ nhân quả là nhằm chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Về khách thể, hành vi này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại. Về chủ quan, thì người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng này sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi. Ý thức chiếm đoạt phải có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, hình thức thể hiện của hành vi là thủ đoạn gian dối bao giờ cũng có trước và hoàn thành việc tiến hành giao tài sản giữa người bị hại và người phạm tội. Chủ thể của tội này là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định, nếu hội đủ các điều nói trên, có thể khẳng định đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối với những tình tiết nêu trên của vụ việc, có thể thấy rõ các ông Nguyễn Văn Ninh và Nguyễn Trung Dũng biết rõ BĐS tại Dự án Thanh Hà A chưa đủ điều kiện để đem ra giao dịch; biết rõ Hợp đồng vay vốn số 57/HĐVV không có điều khoản cam kết sẽ được mua nhà tại Dự án Thanh Hà A, Biên bản ghi nhớ đề ngày 21/8/2010, là giao dịch giữa Cienco 5 Land với cá nhân ông Nguyễn Trung Dũng, không liên quan đến Sàn BĐS Cienco 507. Do đó, ông Ninh và ông Dũng mới phải che phần thông tin bên B trong 2 tài liệu nói trên, là hành vi cố tình sử dụng các thông tin giả để bà Loan tin rằng, Sàn BĐS Cienco 507 có BĐS tại Dự án Thanh Hà A, từ đó sẵn sàng chuyển hơn 10 tỉ đồng cho vợ chồng ông Ninh, ông Ninh lại chuyển hơn 1,3 tỉ đồng cho ông Dũng thông qua các giấy tờ giả mạo Sàn BĐS Cienco 507.
Trong trường hợp này, ý chí chiếm đoạt của bà Loan hơn 10 tỉ đồng là khá rõ. Bằng chứng là thời điểm năm 2012 bà Loan đã không còn ý định mua nhà, đất ở Dự án Thanh Hà A nữa và mong muốn lấy lại tiền. Song, nhóm ông Dũng và vợ chồng ông Ninh vẫn không trả lại tiền cho bà Loan, ông Dũng còn tiếp tục thực hiện thêm hành vi gian dối, đó là dẫn bà Loan đến Văn phòng Cienco 5 Land, “nhờ” Công ty này kí cho bà Loan Biên bản ghi nhớ. Biên bản ghi nhớ kí giữa bà Loan với Cienco 5 Land cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực để thực hiện (do dự án bị đình lại, chưa biết khi nào mới tiếp tục?). Như vậy, khẳng định nhóm ông Dũng, vợ chồng ông Ninh đã cố ý thực hiện hành vi lừa đảo tới cùng và đương nhiên, thủ đoạn gian dối phải có trước khi bà Loan chuyển hơn 10 tỉ đồng cho ông Ninh…
Căn cứ các lí luận của khoa học hình sự, luật sư Hoàng Văn Tùng nhận định, trong vụ việc này, theo dữ liệu mà báo nêu là đúng, thì dấu hiệu hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tương đối rõ, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng, thuộc quy định tại khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự, mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Để giữ nghiêm kỉ cương phép nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đoàn Thị Minh Loan, một kiều bào đang sinh sống ở ngước ngoài, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng của thành phố Hà Nội cần vào cuộc điều tra, xử lí vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Linh
Nguồn tin:Theo Người cao tuổi