Cha, mẹ bạo hành con cái: Xử lý nhẹ, chưa đủ sức răn đe
Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, khung và mức hình phạt theo quy định của pháp luật với tội danh ngược đãi, hành hạ con còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. Ngoài vi phạm pháp luật, các ông bố, bà mẹ còn vi phạm đạo đức gia đình, ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của các em nhỏ. Để phòng ngừa, theo LS Hoàng Tùng nên tăng nặng khung hình phạt với loại tội danh này lên 5 năm hoặc 7 năm tù như với tội danh cố ý gây thương tích.
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ cha, mẹ bạo hành con cái rất tàn nhẫn. Nhiều em bị chính những người sinh ra đánh đến thương tật. Vấn nạn này gây nhức nhối trong xã hội. Tuy nhiên, số vụ bị khởi tố còn ít và mức xử lý theo quy định của pháp luật với tội danh này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Chống bạo hành trẻ em mầm non: cần cộng đồng giám sát
Vụ việc xảy ra gần đây nhất, nạn nhân bị mẹ và cha dượng đánh đập rất dã man là cháu Đỗ Thị Kim Ngân, 4 tuổi, ở khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, Bình Dương. Chiều ngày 12/9, người dân ở khu phố nghe thấy tiếng khóc của cháu Ngân cùng với tiếng quát của vợ chồng Đỗ Trọng Minh (quê Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thuỳ Trang (quê Vĩnh Long) đang thuê trọ. Sau khi nhiều người xông vào phòng trọ của vợ chồng Minh thì phát hiện cháu Ngân bị trói nằm ngất lịm dưới sàn với gương mặt sưng húp, biến dạng. Theo lời khai của Minh và Trang với cơ quan công an, do cháu Ngân nghịch bếp ga nên Trang đã dùng thanh tre đánh. Sau đó Trang bắt cháu Ngân úp mặt xuống đất.
Lúc này, Minh đang ở trên gác lao xuống dùng tay đánh vào mông, mặt và đầu của cháu. Sau đó, Minh dùng nilon trói tay cháu Ngân lại rồi tiếp tục chửi bới. Khoảng 1 giờ sau, Minh cởi trói cho cháu Ngân và bắt cháu quỳ gối dưới nền phòng trọ liên tục trong 4 giờ. Ngày hôm sau, những chỗ bị đánh trên cơ thể cháu Ngân bị sưng, bầm tụ máu tím tái ở vùng mặt và hai mắt. Đến 15h cùng ngày, chị Trần Thị Huế Nhàn (ở cùng dãy phòng trọ) phát hiện cháu Ngân bất tỉnh, mặt bầm tím, nên đã đưa cháu đi cấp cứu đồng thời thông báo vụ việc với cơ quan chức năng. Theo các bác sỹ, qua chụp CT và chẩn đoán lâm sàng thì cháu Ngân bị chấn thương sọ não ở mức độ nhẹ, xuất huyết não ít…
Cháu Ngân chỉ là một trong nhiều nạn nhân của hành vi bạo lực do chính những bậc sinh thành gây ra. Vấn nạn cha, mẹ đánh đập, hành hạ con đã gây nhức nhối và căm phẫn trong dư luận xã hội. Theo anh Đàm Hoàng Việt, đang công tác tại một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, những người cha, người mẹ đánh đập con cái dã man, cần phải xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục người khác. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các vụ bạo hành trong gia đình bị khởi tố không nhiều. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số vụ cha, mẹ đánh đập con cái gia tăng.
Trao đổi với PV Lao động Thủ đô xung quanh vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật Trung Hòa cho biết, căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp cha, mẹ hành hạ, đánh đập con cái sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình; pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình mức phạt tiền và các hình phạt bổ sung. Cha, mẹ có hành vi đánh đập, ngược đãi con cái sẽ bị khởi tố về tội này nếu như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Có thể áp dụng điều 151 BLHS về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ con với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Mục đích của khung hình phạt này chủ yếu là răn đe và phòng ngừa.
Thực tế các vụ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội danh này rất ít. Ngược lại, nếu thuộc loại tội danh hành hạ người khác theo quy định tại điều 110 BLHS phổ biến hơn như các vụ bạo hành của bảo mẫu, người giữ trông trẻ. Chính vì mục đích của loại tội danh ngược đãi hoặc hành hạ con ít bị xử lý hình sự do tính chất nhân đạo của pháp luật hình sự nên đối với những ông bố, bà mẹ đã mất hết nhân tính thì việc điều chỉnh lại hành vi để cho họ nhận lỗi lầm sửa sai cũng như sau này chăm sóc con tốt hơn thường không đạt được như xã hội mong muốn. Hầu hết các cháu bị ngược đãi hành hạ không thể tiếp tục chung sống với cha, mẹ đẻ của mình mà gia đình dòng họ phải được cưu mang, xã hội phải giúp đỡ.
Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, khung và mức hình phạt theo quy định của pháp luật với tội danh ngược đãi, hành hạ con còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. Ngoài vi phạm pháp luật, các ông bố, bà mẹ còn vi phạm đạo đức gia đình, ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của các em nhỏ. Để phòng ngừa, theo LS Hoàng Tùng nên tăng nặng khung hình phạt với loại tội danh này lên 5 năm hoặc 7 năm tù như với tội danh cố ý gây thương tích.
Ngoài việc bị xử lý hình sự và xử phạt hành chính, cha, mẹ hành hạ, đánh đập con cái còn có thể bị hạn chế quyền đối với con theo quyết định của tòa án quy định của điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000: “ Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tuỳ từng trường hợp cụ thể toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm”. |
Trí Khang
Nguồn tin:Theo laodongthudo.vn