Không thể đánh đồng giữa đất lấn chiếm và đất được giao!
Theo Luật sư Hoàng Tùng: Đối tượng sử dụng đất được tạm giao trước khi có Luật Đất đai được ban hành như 2.716m2 đất tại KTT Cty 665 thì nếu Nhà nước thu hồi vẫn phải bồi thường về đất. Mức bồi thường được tính bằng 50% giá trị đất hiện hành theo khung giá quy định.
Đại diện KTT Cty 665 đã có đơn gửi UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Ngọc Hồi đề nghị được làm rõ, tuy nhiên những lá đơn đề nghị của đại diện KTT vẫn chỉ nhận được sự im lặng.
Một số hộ dân tại tại Khu tập thể (KTT) Cty 665, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội phản ánh với Đường dây nóng 0915544455 báo PL&XH, hàng chục hộ dân trong KTT Cty 665 đã được UBND TP Hà Nội giao đất và sử dụng không có tranh chấp từ nhiều năm nay.
Khi thu hồi đất để thực hiện dự án nâng cấp QL1A, Hội đồng Bồi thường – Hỗ trợ và tái định cư (BT-HT&TĐC) huyện Thanh Trì đã “quên” bồi thường về đất cho các hộ dân.
Ngày 23-2-1993, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 485/QĐ-UB về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại Giấy CN QSDĐ số 00025QSDĐ nêu rõ: “Chứng nhận Xí nghiệp xây lắp 89 thuộc TCty xây dựng 11 được quyền sử dụng 4578m2 đất tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội theo tờ bản đồ 03; số thửa 70; diện tích 1.862m2, mục đích xây dựng cơ bản, thời hạn sử dụng lâu dài; 2.716m2, mục đích quản lý, thời hạn sử dụng tạm thời”.
Ngày 19-11-2012, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5325/QĐ-UBND về việc thu hồi 50.535m2 đất lưu không đường QL1A và giao 90.077m2 đất tại các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh, huyện Thanh Trì cho Sở GTVT để thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi (km185-km189), huyện Thanh Trì.
Tại Quyết định này, UBND TP Hà Nội giao cho Sở GTVT có trách nhiệm liên hệ với UBND huyện Thanh Trì để hoàn thành công tác BT – HT & TĐC theo quy định. Ngày 10-12-2012, UBND huyện Thanh Trì ban hành hàng loạt Quyết định về việc phê duyệt phương án BT-HT&TĐC đối với 33 hộ gia đình thuộc KTT Cty 665. Kèm theo Quyết định này là phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên phương án chi tiết BT-HT&TĐC của UBND TP chỉ thể hiện BT-HT&TĐC các hạng mục về công trình, kiến trúc, cây trồng và tài sản trên đất mà không hề có BT-HT&TĐC về đất.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì, 2.716m2 của KTT Cty 665 không thể coi là diện tích đất lấn chiếm, vì đã được UBND TP giao tạm quản lý vô thời hạn. Do đó, khi thu hồi diện tích đất này phải có Quyết định thu hồi riêng, không thể đánh đồng bằng Quyết định thu hồi chung với đất lấn chiếm được. Việc bàn giao diện tích đất nói trên cho UBND xã Ngọc Hồi quản lý từ năm 2008 cũng là chưa đúng quy định, vì trước khi bàn giao chưa có Quyết định thu hồi đất của KTT Cty 665. Mặt khác, nếu là đất lấn chiếm đã được người dân sử dụng ổn định từ đầu năm 1993 thì khi thu hồi vẫn phải áp dụng phương án bồi thường cho người dân theo Luật Đất đai.
Đại diện KTT Cty 665 đã có đơn gửi UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Ngọc Hồi đề nghị được làm rõ, tuy nhiên những lá đơn đề nghị của đại diện KTT vẫn chỉ nhận được sự im lặng. Song song với sự im lặng của các cơ quan chức năng, khi hầu hết người dân trong KTT Cty 665 chưa đồng thuận thì một vài hộ dân vẫn được gửi thông báo nhận tiền hỗ trợ theo kiểu “bắn tỉa”.
Theo Luật sư Hoàng Tùng: Đối tượng sử dụng đất được tạm giao trước khi có Luật Đất đai được ban hành như 2.716m2 đất tại KTT Cty 665 thì nếu Nhà nước thu hồi vẫn phải bồi thường về đất. Mức bồi thường được tính bằng 50% giá trị đất hiện hành theo khung giá quy định. |
Tác giả: Nguyễn Khuê
Nguồn tin:Theo: PL&XH