Dồn điền đổi thửa ở xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội: Nóng vội, mất dân chủ, gây hậu quả nghiêm trọng
Nóng vội, chủ quan, mất dân chủ
Công văn số 1238/UBND-TNMT của UBND huyện Sóc Sơn có đoạn: “…trong quá trình triển khai công tác chỉ đạo của Ban DĐĐT xã Kim Lũ còn chưa quyết liệt, thiếu sâu sát, vi phạm đất đai, trật tự xây dựng chưa được xử lí triệt để gây mất lòng tin vào cấp chính quyền cơ sở. Tiểu ban DĐĐT thôn Kim Trung có tư tưởng nóng vội, chủ quan, việc điều tra, rà soát nhân khẩu, diện tích đất “rau xanh” chưa kĩ do đó xảy ra tình trạng thừa, thiếu nhân khẩu, thiếu diện tích ở một số hộ”. Như vậy, UBND huyện đã thừa nhận có sai phạm trong quá trình thực hiện DĐĐT ở thôn Kim Trung, xã Kim Lũ. Tuy nhiên, sự thật còn hơn những nhận định nói trên của UBND huyện Sóc Sơn.
Ngày 23/7/2013, phóng viên Báo Người cao tuổi đã tiến hành xác minh thực tế tại thôn Kim Trung, làm việc với Ban Giám sát cộng đồng (do nhân dân bầu, được UBND xã chấp thuận), đồng thời lấy ý kiến rất nhiều người dân. Nhìn chung, nhân dân hoàn toàn đồng tình với chủ trương DĐĐT của Nhà nước. Song, đa số ý kiến không chấp nhận cách làm việc áp đặt của một số cán bộ Ban và Tiểu ban DĐĐT, dẫn đến những quyết nghị của dân tại các hội nghị nhân dân không được thực hiện. Đã và đang tồn tại tình trạng ép buộc các gia đình đảng viên phải nhận ruộng theo ý chí chủ quan của một số cán bộ thực thi công vụ. Nhiều đảng viên cho biết, họ buộc phải chấp hành tổ chức Đảng, thực tâm họ không đồng tình. Có đảng viên đã kiến nghị với Chi bộ, chính quyền, nhưng đều rơi vào quên lãng.
Tại các hội nghị, nhân dân thống nhất lập phiếu bốc thăm chia làm 6 đội sản xuất (sẵn có). Đồng thời, dân đưa ra các yêu cầu cần thiết phải làm trước khi DĐĐT: Hoàn thiện hệ thống mương máng; cân đối diện tích chuẩn giữa các hộ dân, trả đất theo loại, hạng đất với diện tích thực tế được nhận ruộng, giữ lại diện tích rau xanh; giải phóng 100% các công trình xây dựng vi phạm đất nông nghiệp; thu hồi diện tích đất nông nghiệp các gia đình đang sử dụng sai mục đích. Song, những ý kiến của nhân dân không được tôn trọng. Trong khi chưa cân đối, thống nhất được các loại đất, hạng đất nông nghiệp khi trả ra; chưa có cơ chế chuẩn đối với diện tích được giao, thì xã và thôn đã ép dân gắp phiếu nhận ruộng. Đặc biệt cán bộ Ban và Tiểu ban DĐĐT tự lập ra phiếu số 7 gồm 20 hộ là người nhà cán bộ, để bốc thăm nhận diện tích ruộng đẹp, thuận lợi cho sản xuất. Hơn nữa, Ban DĐĐT còn nóng vội thực hiện, trong khi việc rà soát nhân khẩu, hộ khẩu diện tích đất đã được giao theo 03 và Nghị định 64/NĐ-CP chưa được tiến hành kĩ. Tại địa phương này còn tồn tại nhiều loại, hạng đất nông nghiệp, có chỗ giao theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 còn chưa được tiến hành xong…
Sai phạm liên quan đến người nhà cán bộ
Theo phản ánh của Ban Giám sát cộng đồng thôn Kim Trung và xác minh của phóng viên, đến ngày 28/8/2013, việc giải tỏa chuồng trại chăn nuôi, công trình xây dựng trái phép có thực hiện, nhưng chỉ mang tính hình thức, chỉ xử lí được những sai phạm nhỏ. Đặc biệt, còn tồn tại công trình nhà 2 tầng của gia đình anh Lê Văn Bình, chiếm 300m2, cùng diện tích đất nông nghiệp 1,5 sào, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều; gia đình anh Lê Văn Vang chiếm khoảng 600m2 ven đầm bờ Trỗ xây chuồng trại, hiện có 3.000 con vịt đẻ trứng, 100 con lợn và khoảng 2.000 con gà. Số gia súc, gia cầm này hằng ngày thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhiều năm nay; gia đình anh Lê Văn Quyến chiếm 70m2 đất nông nghiệp làm xưởng mộc; gia đình ông Lê Văn Chữ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Tiểu ban DĐĐT thôn Kim Trung chiếm đất sản xuất Đội 3, lô vườn cây các cụ làm đất ở, nhưng lại lấy khoảng 5 sào diện tích đất ao để đưa vào diện tích dồn điền đổi thửa, vượt so với đất đổi khoảng trên 3.000m2. Những trường hợp này hiện vẫn chưa bị xử lí, chưa thu hồi trả lại đất nông nghiệp, do họ đều là cán bộ, hoặc người nhà của lãnh đạo xã. Cụ thể trường hợp anh Lê Văn Bình là em vợ ông Dương Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ.
Khi thực hiện bốc thăm đợt 1, cán bộ Tiểu ban DĐĐT thôn Kim Trung còn tự ý giao thừa trên 2.000m2 ruộng cho các nhóm anh em, người nhà cán bộ: Nhóm ông Mừng thừa 1.092m2, nhóm bà Tam thừa 781m2, nhóm bà Phê thừa 421m2, nhóm bà Thước thừa 177m2. Ban Giám sát cộng đồng thôn do dân bầu lên, nhưng các biên bản giao ruộng đều không có chữ kí xác nhận của họ.
Hậu quả nghiêm trọng
Một đảng viên cho biết: “Xã Kim Lũ, thôn Kim Trung thực hiện không đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi thực hiện Nghị định 64/NĐ-CP, xã bớt lại khoảng 16% đất nông nghiệp làm đất công, vượt quá 11% theo quy định của Luật Đất đai 1993. Nhân dân thấy số đo diện tích không được công khai, minh bạch. Việc DĐĐT với mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương có nguy cơ không đạt. Cách giải quyết của Ban DĐĐT cho đến nay chưa đáp ứng nguyện vọng, gây bức xúc trong nhân dân”.
Ông Thứ, xã viên Đội 6 thôn Kim Trung bức xúc: “Các buổi họp, cán bộ lãnh đạo không lắng nghe ý kiến của dân, không thực hiện theo nội dung dân bàn, mà theo ý chí chủ quan của cán bộ. Ban DĐĐT tự ý thay đổi phương án, độc đoán, dối trên lừa dưới. Với dân chưa giải quyết được, nhưng báo cáo với trên là đã làm xong…”. Theo tính toán sơ bộ, thôn Kim Trung có 1.601 khẩu, với khoảng 1.850 sào đất sản xuất nông nghiệp, sản lượng bình quân 150kg thóc/sào/vụ. Như vậy, với 2 vụ lúa không sản xuất được, nhân dân mất khoảng trên 500.000kg thóc.
Hiện công tác giao ruộng đã qua 17 cuộc họp nhân dân, mới thực hiện giao ruộng và tổ chức sản xuất cho số rất ít hộ dân, còn hơn một nửa dân trong thôn chưa được nhận ruộng. Ông Dương Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ tuyên bố, dân không nhận ruộng phải buộc dân nhận, chưa nhận thì cứ cấy xong rồi chia tiếp. Công văn số 1238/UBND-TNMT giải thích: “Ngày 5/7/2013, trước những khó khăn tại thôn Kim Trung, xác định không kịp giao ruộng cho nhân dân sản xuất vụ mùa, UBND huyện chỉ đạo xã Kim Lũ bổ sung phương án sản xuất… hỗ trợ lực lượng máy cấy, mạ khay, máy làm đất để hỗ trợ xã tổ chức gieo cấy cho nhân dân… Để đảm bảo an ninh trật tự, Công an huyện chỉ đạo lực lượng an ninh xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân…”. Công văn này cũng cho rằng, về phản ánh của nhân dân “chính quyền ngăn cản không cho các hộ dân ra ruộng của họ”, là xuyên tạc. Tuy nhiên, với chứng kiến của phóng viên tại thực địa ngày 23/7/2013, thì phản ánh của nhân dân là có căn cứ. Khi phóng viên và luật sư của Văn phòng Luật sư Trung Hòa có mặt tại hiện trường, thì lực lượng Công an huyện lập tức đến thăm dò với thái độ răn đe, điện thoại báo cáo và huy động các lực lượng khác đến để “xem xét người lạ mặt”.
Hiện người dân thôn Kim Trung đang mong ngóng từng ngày việc DĐĐT thành công, để họ có ruộng sản xuất, ổn định đời sống trong khi nhiều gia đình đã lâm cảnh chạy ăn từng bữa, không có tiền cho con đi học. Nhưng trước mắt, chính quyền nên thực hiện nghiêm túc những quyết nghị của dân qua 17 cuộc họp (bao gồm cả việc thu hồi những diện tích đã giao), sau đó tổ chức bốc thăm đồng loạt, bảo đảm công bằng, dân chủ, hợp lòng dân.
Hoàng Linh
Nguồn tin:Không xác định