Vụ Vũ Song Hải bị truy tố “Nhận hối lộ”:Hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại: Tòa phúc thẩm phán quyết công minh

Liên quan đến vụ việc anh Vũ Song Hải, cán bộ thanh tra xây dựng phường Hạ Đình, bị truy tố tội “Nhận hối lộ” số tiền 100 triệu đồng, TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 16 năm tù giam, Báo Người cao tuổi đã có loạt bài phân tích dấu hiệu oan sai, kiến nghị xem xét thấu đáo các tình tiết để tránh kết tội oan sai cho anh Hải. Ngày 14/5/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiến hành xét xử theo trình tự phúc thẩm, kết thúc bằng phán quyết của HĐXX: “Hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về Viện KSND thành phố Hà Nội để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật”. Dư luận rất hoan nghênh phán quyết này của HĐXX phiên phúc thẩm, cho rằng đây là một phán quyết công minh…

 

 

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, Tòa buộc phải áp dụng biện pháp mạnh, yêu cầu công an dẫn giải người tố cáo là Nguyễn Công Phú đến tòa. Tại phần thẩm vấn, bị cáo Vũ Song Hải tiếp tục kêu oan, kiên định với những lời khai trước đó tại cơ quan điều tra cũng như ở phiên sơ thẩm, đối nghịch với những lời khai của Nguyễn Công Phú và các nhân chứng khác. HĐXX tập trung làm rõ những lời khai của Nguyễn Công Phú, cho thấy luôn luôn có sự mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất giữa những trình bày của anh này tại cơ quan điều tra, ở phiên sơ thẩm với phần trình bày tại phiên phúc thẩm.

Ví dụ: Sau ngày 18/3/2013 chỉ có một cuộc anh Vũ Song Hải gọi đến cho Phú, nhưng Phú lại khai lúc là 3 – 4 cuộc, lúc là 7 – 8 cuộc. Cũng như vậy, tại cơ quan điều tra Phú khai chị Lê Thị Minh Châu (con gái ông Hồng, bà Loan) đến đưa tiền cho Phú. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Phú lại khai đến lấy 100 triệu đồng tại nhà chị Châu ở Kangnam. Phú còn khai với cơ quan điều tra, khi giao tiền chị Châu có hỏi “Tiền để làm gì?”, nhưng Phú không trả lời. Thế nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Phú lại khai chị Châu có thể biết việc này và không khai về tình tiết chị Châu hỏi Phú…

HĐXX cũng phân tích, làm rõ sự mâu thuẫn giữa những lời khai của ông Hồng, bà Loan, chị Châu và Nguyễn Công Phú về việc giao, nhận số tiền 100 triệu đồng. Cụ thể, tại bút lục số 62, bà Loan khai “Tôi già nên không đưa tiền cho anh Phú được, nên nhờ con gái tôi đưa hộ”. Trong khi đó, tại bút lục số 68 ông Hồng lại khai “Tôi có đưa cho con gái là Lê Thị Minh Châu và Châu đưa lại cho Phú (số tiền 100 triệu đồng – PV)”. Tại bút lục số 73 chị Châu khai “Sáng 28/3/2013 mẹ tôi đưa cho tôi 2 tập tiền mệnh giá 500.000 đồng nói là đưa cho Phú, tôi không kiểm tra…”. Từ những phân tích đó, HĐXX cho rằng, để làm rõ số tiền này, theo ý kiến của luật sư cũng như ý kiến của vị đại diện Viện Kiểm sát, cần phải xác định ông Hồng hay bà Loan là người trực tiếp đưa tiền cho chị Châu và là loại tiền gì? Chiếc phong bì màu trắng đựng tiền do đâu mà có? Do có chủ động để báo công an thì ông Hồng, bà Loan và Phú có đánh dấu tiền, có ghi lại số sơ ri trên tiền để làm bằng chứng hay không? Những vấn đề nêu trên, cơ quan điều tra không cho đối chất giữa bà Loan, ông Hồng, chị Châu và Phú là thiếu sót.

Về lời khai của các nhân chứng, HĐXX cũng phân tích sâu sắc những mâu thuẫn tại những bản ghi lời khai, bản tường trình ở cơ quan điều tra; lời khai tại phiên tòa sơ thẩm. Riêng nhân chứng Nguyễn Minh Tú khai rõ tại phiên tòa phúc thẩm rằng, do buổi trưa chưa kịp ăn gì, chỉ mới uống bia, uống rượu lại bị giữ lấy lời khai lien tục từ 13 giờ ngày 29/3/2013 đến 2 giờ sáng ngày 30/3/2013 mới được về, nên mệt mỏi, choáng váng. Trong quá trình làm việc với các điều tra viên, anh Tú cho biết đã có sự trao đổi về nội dung lời khai. Anh Tú khẳng định mình có 3 – 4 lời khai là không nhìn thấy anh Hải ném phong bì, thậm chí bản ghi lời khai của anh còn bị điều tra viên xé…

HĐXX cũng làm rõ nhiều bản ghi lời khai bị sửa chữa thời gian, làm rõ mâu thuẫn giữa những lời khai của các nhân chứng: Lời khai của nhân chứng Tú không thống nhất, nhân chứng Tuấn thì chỉ là khách ở quán bia nhưng không được lấy lời khai ngay, mà sau 7 ngày mới được lấy lời khai, liệu anh Tuấn có nhớ được đầy đủ những chi tiết hay không? Đối với nhân chứng Hồ Chiến Thắng thì đã chết. Bút lục số 160 trong hồ sơ ghi là đột tử. Giấy bệnh lịch trich sao của Bệnh viện Bạch Mai do luật sư cung cấp xác định tử vong do thắt cổ. HĐXX cho rằng, cái chết của anh Hồ Chiến Thắng còn có nhiều tài liệu mâu thuẫn, cần được điều tra làm rõ, để có thêm cơ sở đánh giá lời khai của nhân chứng này. Việc các nhân chứng bị lấy lời khai từ 13 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ 30 phút sáng hôm sau mới được cho về, HĐXX xác định cơ quan điều tra có vi phạm. Ngoài ra còn các vi phạm khác của cơ quan điều tra như: cùng một thời gian một điều tra viên lại lấy lời khai của 2 nhân chứng; không giám định tiền, không chụp ảnh tiền phạm pháp quả tang… cũng được HĐXX chỉ rõ.

Đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng: Lời khai của các nhân chứng có mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Hải, nhưng không được đối chất là vi phạm Điều 138; số tiền thu giữ không được kiểm đếm cụ thể, không được giám định là vi phạm Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự… Do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng, việc điều tra không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không khắc phục được, Đại diện Viện KSND Tối cao đề nghị HĐXX áp dụng Điểm b, Khoản 2, Điều 248, Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự hủy toàn bộ bản án, giao lại cho cơ quan điều tra cấp sơ thẩm điều tra lại.

Để xem xét toàn bộ vụ án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan sai cho người vô tội, HĐXX phúc thẩm thấy rằng, ở nơi đông người là quán bia, có đông bạn bè của bị cáo Hải như vậy, liệu có việc thực hiện đưa phong bì như lời khai của Phú không? Cũng là vấn đề cần quan tâm làm rõ. HĐXX thấy rằng, cần phải cho nhận dạng và lấy lời khai của 2 người cùng trong phòng làm việc của bị cáo vào ngày 17/3/2013, để làm rõ việc anh Hải có đòi Phú đưa 100 triệu đồng như lời khai của Phú hay không? Cần đối chất giữa Phú, bà Loan, ông Hồng, chị Châu; đối chất giữa anh Hải, anh Tú, anh Tuấn và Phú; cần điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Hồ Chiến Thắng.

 

Hoàng Linh

Theo Người cao tuổi