Cha bạo hành con đẻ

Theo luật sư Hoàng Tùng căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp cha hành hạ, đánh đập con cái sẽ bị xử lý về hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình; pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Khoản 1 Điều 2, Điều 8 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi bạo lực gia đình như “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng”.

– Trong đó, căn cứ điều 107 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định Xử lý vi phạm pháp luật trong quan hệ hôn nhân và gia đình: “…hành hạ, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và các thành viên khác trong gia đình”. Hành vi này cũng được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

– Về việc xử phạt hành chính: thì người vi phạm có thể bị phạt tiền, buộc xin lỗi theo quy định tại mục 4 điều 49, 50 NĐ 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tê nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.

– Về trách nhiệm hình sự: “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” được quy định tại điều 151 Bộ Luật Hình sự: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”. Như vậy, người cha có hành vi đánh đập, ngược đãi con cái sẽ bị khởi tố về tội này nếu như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

+ Ngoài việc bị xử lý như trên, người cha còn có thể bị hạn chế quyền đối với con theo quyết định của Tòa án quy định của điều 41 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì: “ Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tuỳ từng trường hợp cụ thể Toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Toà án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

 

Nguồn tin:luattrunghoa.vn