Máy bay chậm chuyến, bay nhầm: VNA và VJA có thể phải hầu tòa
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội:
(ĐSPL) – Hai “ông lớn” của hàng không Việt Nam có thể phải hầu tòa nếu những hành khách trong các chuyến bay gặp sự cố hôm 19 và 21/6 khởi kiện.
Như báo Đời sống & Pháp luật đã đưa tin, lúc 17h40 ngày 19/6/2014 máy bay A320 mang số hiệu VN-A692 của Vietjet Air (VJA) thực hiện chuyến bay VJ 8575 từ Hà Nội đến Cam Ranh. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa được chuyên chở trên chuyến bay VJ8575 lẽ ra phải có hành trình là từ Hà Nội đi Đà Lạt.
Hai ngày sau sự cố “kỳ lạ” này, hôm 21/6, chuyến bay VN277 của Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 200 hành khách đã phải khởi hành muộn 40 phút mà nguyên nhân bước đầu được nhiều người cho rằng, mục đích là để chờ 1 khách VIP (VNA sau đó ra thông cáo phủ nhận việc này và cho rằng chuyến bay chỉ chậm 20 phút).
Những vụ việc bất thường này đã khơi dậy sự phản ứng của dư luận về trách nhiệm và sự tôn trọng của các hãng hàng không Việt Nam đối với quyền lợi của khách hàng, không những về mặt thời gian, danh dự, thiệt hại kinh tế mà còn cả sự an toàn tính mạng.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tính pháp lý và quyền lợi của hành khách trong những vụ việc này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã ghi lại ý kiến của một số luật sư và chuyên gia:
Luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội:
Luật sư Vũ Văn Lợi. |
Trước hết cần phải khẳng định, việc nhà vận chuyển là VJA và VNA nếu vi phạm như báo chí đã nêu thì hành khách có thể khởi kiện hai hãng hàng không này ra tòa án dân sự.
Hành khách cần phải chứng minh được những thiệt hại của mình mà VJA và VNA gây ra do bị chậm thời gian làm ảnh hưởng vật chất, tinh thần.
Trước mắt, cần phải chờ cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân việc máy bay của VJA bay không đúng hành trình bởi đây là một sự cố khá nghiêm trọng. Ngành hàng không là dịch vụ vận chuyển hành khách đặc biệt, việc cất cánh hay hạ cánh chịu hưởng ảnh của nhiều yếu tố như thời tiết, đường băng, tín hiệu…
Nếu cơ quan chức năng kết luận sai phạm trong trường hợp này, khách hàng có thể khởi kiện VJA ra tòa án dân sự vì vi phạm hợp đồng kinh tế, không bảo đảm trong vận chuyển khách. Vi phạm khoản 1,4,5 Điều 529 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển như sau: Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, văn minh, lịch sự và bằng phương tiện đã thoả thuận một cách an toàn, theo lộ trình; Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thoả thuận; Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
Tương tự như vậy thì VNA cũng vi phạm vào các khoản 1,4,5 Điều 529 của Bộ luật Dân sự như đã nêu trên.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội:
Luật sư Hoàng Tùng. |
Việc VJA và VNA có những sai lầm như vậy là rất đáng tiếc. Tôi thấy hai hãng đã có những giải thích nhất định nhưng hoàn toàn là cách biện bạch, có thái độ coi thường khách hàng. Theo tôi nếu đúng như vậy thì ngoài việc hai hãng hàng không trên vi phạm Bộ luật Dân sự, còn vi phạm Luật Hàng không dân dụng.
Khoản 1, Điều 164 Luật Hàng không dân dụng quy định: Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.
Ngoài ra hành khách có quyền áp dụng quy định tại Khoản 1,2,3,4 Điều 145. Nghĩa vụ của người vận chuyển khi vận chuyển hành khách trong Luật Hàng không dân dụng:
Vận chuyển hành khách và hành lý đến địa điểm đến thoả thuận và giao hành lý ký gửi cho người có quyền nhận. Thông báo kịp thời cho hành khách thông tin về chuyến bay; phải quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt đối với hành khách là người tàn tật hoặc cần sự chăm sóc trong quá trình vận chuyển.
Trong trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm mà không phải do lỗi của hành khách thì người vận chuyển phải thông báo kịp thời, xin lỗi hành khách, bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian phải chờ đợi tại cảng hàng không được quy định trong Điều lệ vận chuyển.
Trong trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm do lỗi của người vận chuyển thì ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định, người vận chuyển còn phải thu xếp hành trình phù hợp cho hành khách theo quy định trong Điều lệ vận chuyển hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng theo yêu cầu của hành khách mà không được thu bất kỳ một khoản phí liên quan nào.
Giảng viên Nguyễn Văn Hợi – Khoa Pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội:
Giảng viên Nguyễn Văn Hợi, trường Đại học Luật Hà Nội. |
Theo tôi nếu khách hàng và cơ quan chức năng có liên quan chứng minh và kết luận được các vi phạm của hai hãng hàng không VJA và VNA như thông tin báo chí đã đưa thì VJA và VNA vi phạm Điều 145 Luật Hàng không dân dụng, Điều 529 Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, hai hãng hàng không còn phải bồi thường cho khách hàng theo Khoản 3, Điều 532 Bộ luật Dân sự quy định: Hành khách có quyền “Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời gian, địa điểm đã thoả thuận”.
Nguồn tin:Theo ĐSPL online