LUẬT SƯ VŨ VĂN LỢI: CƠ QUAN ĐIỀU TRA CA HP VẪN TIẾP TỤC CẢN TRỞ CÁC LUẬT SƯ

Ngày 31-1-2012 chúng tôi gồm: luật sư Vũ Văn Lợi và luật sư Hoàng Văn Tùng đã gửi thủ tục bào chữa miễn phí cho cả 4 bị can (Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ) bằng đường chuyển phát nhanh đến CA TP Hải Phòng
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Người cao tuổi chiều ngày 31-1-2012, Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA TP Hải Phòng khẳng định: “Tôi đã chỉ đạo cho Cơ quan Điều tra phải tạo mọi điều kiện cho các luật sư tham gia bào chữa, đúng quy định của pháp luật”. Vậy ông Ca nghĩ sao về việc này?
Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng và TP Hải Phòng về vụ việc xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận, làm nức lòng dư luận cả nước. Kết luận của người đứng đầu Chính phủ thể hiện sự công minh của pháp luật, tính nhân đạo của nền pháp chế XHCN, khi kiến nghị: “các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng”.
Tuy nhiên, tại một góc khuất ở Hải Phòng, Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng vẫn tiếp tục cản trở các luật sư tiếp cận với hồ sơ vụ việc và các bị can. Luật sư Vũ Văn Lợi (LS VVL), Giám đốc Cty Luật Hòa Lợi cho Báo Người cao tuổi biết như vậy, sau chuyến công du đến TP Hải Phòng…
– PV: Chào luật sư! Được biết luật sư vừa có chuyến công du đến Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng về việc làm thủ tục bào chữa miễn phí cho các bị can trong vụ Đoàn Văn Vươn. Vậy tình hình có gì khả quan không?
– LS VVL: Không có gì khả quan cả. Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng vẫn tiếp tục cản trở, không cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư.
– PV: Luật sư có thể cho biết cặn kẽ căn nguyên nào khiến luật sư vào cuộc và diễn biến sự việc ra sao?
– LS VVL: Cảm thông với hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của các bị can trong vụ án Đoàn Văn Vươn bị CA Hải Phòng khởi tố về tội giết người. Thể theo nguyện vọng của gia đình các bị can có đơn yêu cầu các luật sư bào chữa miễn phí, ngày 31-1-2012 chúng tôi gồm: luật sư Vũ Văn Lợi và luật sư Hoàng Văn Tùng đã gửi thủ tục bào chữa miễn phí cho cả 4 bị can (Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ) bằng đường chuyển phát nhanh đến CA TP Hải Phòng. Trước đó, Đội điều tra đã đưa ra yêu cầu bất thường, đó là phải lấy xác nhận chữ kí của những người kí đơn yêu cầu luật sư, là 4 người vợ của các bị can. Mặc dù yêu cầu đó là trái luật, nhưng các luật sư của Cty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự, cùng Cty Luật Hòa Lợi vẫn tôn trọng, cùng người nhà các bị can về địa phương xin xác nhận vào đơn yêu cầu do vợ các bị can kí. Dù đường xá xa xôi, các luật sư cùng người nhà các bị can vẫn khẩn trương hoàn thành việc xác nhận, kịp gửi cơ quan điều tra ngay trong ngày.
Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 3 ngày, cơ quan điều tra phải cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư. Trường hợp từ chối thì phải nêu rõ lí do từ chối. Tuy nhiên, đã quá 10 ngày, kể từ khi gửi thủ tục luật sư, cơ quan điều tra, CA TP Hải Phòng vẫn không hề có ý kiến phản hồi nào cho chúng tôi, mặc dù chúng tôi đã gửi kèm theo số điện thoại và địa chỉ văn phòng Cty.
Trước sự khó hiểu này, sáng 10-2-2012 tôi và luật sư Hoàng Tùng đã đến tận cơ quan điều tra CA TP Hải Phòng để làm rõ thực hư. Tại đội 4 của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, câu hỏi đầu tiên mà các điều tra viên đặt ra với chúng tôi là: “Các anh cố tình không đọc báo à?”. Qua trao đổi, chúng tôi thấy các điều tra viên không nắm được vấn đề. Chúng tôi nhận bào chữa cho cả 4 bị can, theo đơn mời của 4 bà vợ. Trong khi đó, chỉ mới có bị can Đoàn Văn Vươn có văn bản từ chối (do cơ quan điều tra cung cấp). Điều tra viên Phong nói với chúng tôi rằng: “Các anh không nắm tình hình, các bị can và vợ họ đã từ chối luật sư”. Tôi yêu cầu điều tra viên cung cấp đơn hoặc ý kiến từ chối của các bị can và người nhà họ. Không trả lời được yêu cầu của tôi, điều tra viên lảng sang chuyện khác, nói rằng chúng tôi chưa được cấp giấy chứng nhận luật sư nên không có quyền yêu cầu cơ quan điều tra phải trả lời. Tôi kiên quyết yêu cầu điều tra viên phải tuân thủ đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, phải trả lời chúng tôi ngay rằng, vì sao chưa được cấp Giấy chứng nhận bào chữa? Không thể viện thêm lí do nào nữa, ông Phong buộc phải hẹn đến 15 giờ cùng ngày sẽ trả lời chúng tôi.
– PV: Vậy cơ quan điều tra trả lời ra sao thưa luật sư?
– LS VVL: Sau khi các điều tra viên đưa ra lời hẹn như vậy, chúng tôi nhận định, chắc chắn các bị can và người nhà họ chưa có ý kiến gì về việc từ chối luật sư, đó là do các điều tra viên tự nại ra thôi. Vì vậy, chúng tôi quyết định túc trực tại trụ sở cơ quan điều tra. Khoảng 11 giờ cùng ngày (10-2-2012), tôi nhận được điện thoại của điều tra viên đề nghị vào làm việc ngay. Chúng tôi có mặt kịp thời, lập tức điều tra viên công bố, chúng tôi không được cấp Giấy chứng nhận bào chữa vì 2 lí do: Một là vợ các bị can không có quyền mời luật sư cho chồng mình. Hai là các bị can đã có đơn từ chối luật sư. Nói đoạn, điều tra viên đưa cho tôi xem các lá đơn được làm mới toe, đề ngày 10-2-2012. Tôi nghi ngờ rằng, đây là dấu hiệu của việc dàn dựng, bởi lẽ: Khi bị yêu cầu phải trả lời rằng có hay không việc các bị can từ chối luật sư, thì các điều tra viên đã vội vã vào trại tạm giam, trích xuất các bị can ra yêu cầu viết đơn theo nội dung do các điều tra viên hướng dẫn. Mặt khác, các bị can đang tạm giam, không được gặp bất cứ ai ngoài điều tra viên, không biết được ở ngoài các bà vợ đã làm đơn mời luật sư, cũng như không thể biết luật sư được mời như thế nào, thì làm sao lại đồng loạt viết và kí đơn từ chối như vậy được?! Hơn nữa, nội dung các lá đơn viết đều giống nhau như có sự bàn bạc và thống nhất từ trước, trong khi các bị can bị giam giữ mỗi người một nơi (để tránh thông cung), cũng là dấu hiệu không bình thường.
– PV: Như vậy là có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng trong vụ việc này?
– LS VVL: Đương nhiên là như vậy. Mặc dù luật chưa quy định, nhưng nếu minh bạch thì Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng phải cử điều tra viên dẫn chúng tôi vào gặp các bị can, để trực tiếp hỏi họ có đồng ý mời luật sư không, như vậy mới minh bạch, tránh các nghi ngờ. Đây cũng là điểm khiếm khuyết của luật, mong rằng tới đây sẽ được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng vẫn cố ý làm trái các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại Khoản 4, Điều 56: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lí do”. Khoản 1, Điều 58 quy định: Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can…”. Khoản 2 Điều 58: “Người bào chữa có quyền: a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;”. Việc làm trái quy định này của Cơ quan Điều tra, CA TP Hải Phòng là rất nghiêm trọng.
– PV: Là một trong những chuyên gia về lĩnh vực hành chính, đất đai, luật sư có nhận xét gì về kết luận của Thủ tướng vừa qua?
– LS VVL: Tôi hoàn toàn nhất trí và hoan nghênh Thủ tướng đã sáng suốt đưa ra các nhận định, kết luận xác đáng, đúng pháp luật về vụ việc. Tuy nhiên, còn một chi tiết quan trọng nữa mà các cơ quan chức năng, cả báo giới chưa đề cập đến, đó là: Việc ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính, có dấu hiệu của hành vi “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại thời điểm UBND huyện Tiên Lãng ban hành quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND ngày 24-11-2011, thì Luật Tố tụng hành chính đã có hiệu lực thi hành (từ 1-7-2011).
Việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đã bị ông Đoàn Văn Vươn khởi kiện tại Tòa án, TAND huyện Tiên Lãng đã đưa ra xét xử. Tại bản án số 01/2010/HCST ngày 27-1-2010 TAND huyện Tiên Lãng đã tuyên bác đơn kiện của ông Đoàn Văn Vươn. Ông Vươn kháng cáo và sau đó rút kháng cáo (Do bị UBND huyện lừa – PV). TAND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 02/HCPT-QĐ ngày 22-4-2010, đình chỉ xét xử phúc thẩm. Như vậy, bản án số 01/2010/HCST của TAND huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật. Việc thi hành bản án số 01/2010/HCST, hoặc cưỡng chế để thi hành bản án đó phải do Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng thực hiện, theo các quy định tại Chương XVI, các điều 241, 243, 245, 247, 248 Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2010. Theo đó, UBND huyện Tiên Lãng là người được thi hành án phải có đơn đề nghị Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng đôn đốc thi hành bản án. Ông Lê Văn Hiền, với cương vị Chủ tịch UBND huyện buộc phải biết và thực hiện theo quy định này. Do đó, ông Hiền kí quyết định cưỡng chế thu hồi đất, rồi tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn, gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy, cần phải bị truy tố về tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.
– PV: Xin cảm ơn luật sư!
 Ảnh Vân Đình Hùng

Nguồn: Báo Người cao tuổi

Nguồn tin:Theo: NCT