Trung Quốc tự thú
Hôm 1/7, một số tờ báo Trung Quốc đã “tự thú” khi đưa tin một tàu Ngư chính Trung Quốc đã hơn 160 lần đâm va, cản phá tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Trang tin của đài Phượng Hoàng (Hong Kong) và một số trang tin Trung Quốc như Sina, Sohu… ngày 1/7 đưa tin, tàu Ngư chính 33006 đã quay trở về cảng Châu Sơn (Chiết Giang) sau khi hoàn thành nhiệm vụ “tuần tra” ở Biển Đông.
Theo các nguồn tin trên, tàu Ngư chính 33006 nhận lệnh của Cục Hải cảnh Trung Quốc, xuất phát ngày 4/5 từ cầu tàu Định Hải (Châu Sơn, Chiết Giang), thực hiện hành trình 1300 hải lý tới khu vực Biển Đông.
Nhiệm vụ của Ngư chính 33006 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 11-26/5) với nhiệm vụ là truy đuổi tàu Việt Nam tại khu vực mà Trung Quốc gọi là “khu cảnh giới số 1 đến số 3”; Giai đoạn 2 (từ 27/5-22/6), tiến hành cảnh giới tại khu vực 5, 10 và 15.
Trong thời gian đó, tàu Ngư chính 33006 đã tiến hành tuần tra 1.120 giờ trên Biển Đông, hơn 160 lần cản phá tàu của Việt Nam tác nghiệp tại Biển Đông.
Ngư chính 33006 là tàu thực thi pháp luật lớn nhất, có tốc độ nhanh nhất, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và định vị hiện đại bậc nhất tại Châu Sơn.
Hiện tại, Trung Quốc đã điều tàu Hải giám 7018 tới để thay thế cho Ngư chính 33006, thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.
Trả lời trên báo Sydney Morning Herald vào ngày 2/7, Giáo sư Thời Ân Hồng thuộc khoa Quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng dù các biện pháp thay đổi hiện trạng của Trung Quốc phản tác dụng, những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh vẫn không thay đổi chiến lược mà họ tính toán kĩ lưỡng.
Theo ông, Trung Quốc không thể thay đổi quỹ đạo do chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong nước, sức ép từ quân đội và quan điểm cá nhân mỗi lãnh đạo cấp cao. Đó là lý do tại sao các tranh chấp quân sự trên biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như khu vực dọc theo dãy Himalaya ngày một tồi tệ hơn.
Theo Giáo sư Thời Ân Hồng, “căng thẳng giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ sẽ ngày càng xấu hơn thay vì cải thiện. Có thể Trung Quốc sẽ áp dụng một số thay đổi chiến thuật theo hướng ôn hòa, nhưng tôi không thấy bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong định hướng chiến lược”.
“Bắc Kinh luôn phủ nhận trách nhiệm trong tranh chấp căng thẳng với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ. Họ luôn cáo buộc Mỹ cùng các nước lân cận gây rắc rối để “kiềm chế” sự vươn lên của Trung Quốc. Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc thực hiện nhiều hành động khiến căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ leo thang với các nước như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ. Mỹ và các đồng minh, điển hình như Australia và Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về chính sách “cưỡng ép” bằng kinh tế và quân sự của Trung Quốc, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Giáo sư Thời Ân Hồng nói việc các quốc gia hình thành “liên minh chiến lược” với các nước khác, bao gồm Mỹ và Nhật Bản là điều “tự nhiên” trước bối cảnh Trung Quốc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động hải quân. Tuy nhiên, Bắc Kinh xem những việc như thế là động thái “tấn công” nhằm vào họ.
Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn
Nguồn tin:Theo Chinhphu.vn