TALKSHOW “PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA”
Diễn giả:
– Nhà báo Đăng Bằng, Phó Tổng biên tập báo Người Cao tuổi;
– Nhà báo Hoàng Linh, báo Người Cao tuổi.
Dẫn chuyện: Nhà báo Phan Lợi, báo Pháp luật TPHCM
Nhà báo Phan Lợi: Xin chào các anh, cảm ơn các anh đã tham gia cuộc tọa đàm với chủ đề “Phóng sự điều tra” ngày hôm nay. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là thể loại báo chí khó nhất nhưng cũng đồng thời là thể loại báo chí hấp dẫn bạn đọc và chính các nhà báo nhất. Hai anh có quan điểm và đánh giá thế nào về phóng sự điều tra? Các nhà báo cần có những tố chất gì khi muốn theo nghiệp điều tra, đặc biệt là các nhà báo trẻ, chưa có cả kinh nghiệm lẫn kiến thức và mối quan hệ?
Nhà báo Đăng Bằng: Điều tra là lĩnh vực nguy hiểm, các bạn phải xác định rõ tư tưởng trước khi dấn thân vào nghề bởi rất có thể là khi các bạn đã bước vào nghiệp báo chí điều tra thì rất có thể sẽ phải đối mặt với những tình huống sinh nghề tử nghiệp. Các bạn cũng sẽ phải chấp nhận hy sinh nhiều cho công việc này bởi đây không chỉ đơn thuần là một công việc bình thường.
Ví dụ như bài viết về ông Đinh Đức Lập. Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều trước khi thực hiện bài viết này. Thông thường, chúng ta thường có quan điểm là tránh “đánh” các đồng nghiệp. Nếu đồng nghiệp có sai phạm gì thì chúng ta sẽ “đóng cửa bảo nhau”, góp ý cho nhau chứ không “bóc mẽ” nhau trước công chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp chúng ta không còn lựa chọn nào khác vì nếu “đánh” một đồng nghiệp mà có thể cứu được nhiều đồng nghiệp khác thì đấy lại là một việc nên làm.
Các bạn cũng cần phải hiểu rằng một bài điều tra về sai phạm của các đồng nghiệp sẽ không giống với một bài điều tra về các đối tượng thông thường. “Đánh” đồng nghiệp thì nỗi đau sẽ nhân đôi. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn phải đối mặt với nhiều lời dị nghị của đồng nghiệp vì cho rằng có ẩn khuất sau bài viết này.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu “đánh” một đồng nghiệp mà có thể cứu được nhiều đồng nghiệp khác thì đấy lại là một việc nên làm, và phải làm. Xuất phát từ chính tư tưởng trong sáng này, báo Người Cao tuổi nói chung và Tổng biên tập Kim Quốc Hoa nói riêng đã quyết tâm thực hiện bài viết kể trên.
Nhà báo Hoàng Linh: Phóng sự điều tra là thể loại vô cùng khó, anh Phan Lợi cũng khẳng định đây là thể loại khó khăn nhất, vất vả nhất, nhưng cũng là thể loại hấp dẫn nhất trong hoạt động báo chí. Cái hấp dẫn chủ yếu của thể loại này là trong nhiều vụ việc có mang tính chất phiêu lưu, nguy hiểm. Đây cũng chính là sức hút của thể loại phóng sự điều tra đối với các nhà báo, nhất là với các phóng viên trẻ. Tuy nhiên, để có thể theo được nghiệp báo chí ở thể loại này, nhà báo cần nhiều tố chất như: Dũng cảm, bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu, cần cù, chăm chỉ, có óc phán đoán, tình yêu nghề, và đặc biệt là phải có một chút máu phiêu lưu, 1 chút liều mới có thể làm được. Nhà báo hoạt động trong lĩnh vực điều tra còn cần phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bổ sung kiến thức và hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc…
Báo chí điều tra không phải lĩnh vực các bạn có thể đọc sách và thực hành theo sách. Các bạn cần góp nhặt kinh nghiệm từng ngày và tự hoàn thiện kỹ năng của bản thân mình.
Ban đầu, khi mới bước vào nghề báo, đặc biệt là lĩnh vực báo chí điều tra, các bạn phóng viên trẻ sẽ rất vất vả để có thể tìm được nguồn tin, tiếp cận được nguồn tin, khiến người ta tin tưởng mình và cho mình biết những điều mình cần biết. Đến một thời điểm nào đó, khi các bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức, xây dựng được đủ niềm tin đối với công chúng thì nguồn tin sẽ tự đến tìm các bạn.
Nhà báo Phan Lợi: Báo chí Việt Nam và nước ngoài có sự khác biệt về nguồn tin. Đối với nước ngoài, họ tin tưởng vào các nguồn tin là nhân chứng độc lập. Trong khi đó, Việt Nam lại coi kết luận của “cơ quan có thẩm quyền” mới là “sự thật”. Vậy các anh xử lý những trường hợp mà thông tin từ nguồn tin độc lập và cơ quan có thẩm quyền không phù hợp với nhau như thế nào? Có nhiều sức ép khi điều tra, đăng tải các loạt bài không?
Nhà báo Đăng Bằng: Khi các bạn đã xác định làm công tác điều tra thì cũng phải xác định luôn là các cơ quan nhà nước sẽ không phải là nơi các bạn đặt trọn niềm tin. Sự thật cũng chưa chắc sẽ nằm trong các kết luận bản án hay trong các phát ngôn của cơ quan nhà nước. Sự thật có thể sẽ nằm sau những bản án đó, hoặc thậm chí là đối lập với các kết luận có tính pháp lý này.
Ở báo Người Cao tuổi, chúng tôi rất đề cao các nguồn tin độc lập vì trong nhiều trường hợp, họ mới chính là người cung cấp các thông tin chuẩn xác, đầy đủ và hoàn toàn trong sáng.
Ví dụ, cách đây khá nhiều năm, tôi có một nguồn tin ở Học viện Quân y cho biết có tình trạng tự “bịa” kết quả xét nghiệm để chuyển bệnh nhân sang viện 103 điều trị. Tuy nhiên, khi người tố cáo lên tiếng thì các cấp từ lãnh đạo cấp khoa tới cấp cao hơn đều bênh vực hành động này. Chúng tôi đã rất vất vả để có thể tiếp cận được sự việc và từng bước xác minh, đưa sự việc ra ánh sáng. Đây là một vụ việc phức tạp vì liên quan đến rất nhiều người. Hơn nữa, vụ việc này lại xảy ra trong lĩnh vực quân đội nên rất khó tiếp cận. Nguồn tin của chúng tôi cũng không có quá nhiều bằng chứng cụ thể nên việc thực hiện tuyến bài rất khó khăn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng vì linh cảm rằng những thông tin của người tố cáo là xác thực.
Nhà báo Hoàng Linh: Đôi khi các bạn sẽ bị rơi vào một mê cung những bằng chứng trái ngược nhau mà các bạn càng tìm hiểu lại càng không hiểu. Những lúc đó, các bạn cũng cần đặt niềm tin vào linh cảm nghề nghiệp của mình, vào kinh nghiệm của mình để có thể tiếp tục cuộc điều tra.
Linh cảm và kinh nghiệm của các bạn sẽ được trui rèn dần qua các sự việc cụ thể. Có rất nhiều thang bậc trong nghiệp vụ điều tra, các phóng viên sẽ phải tự hoàn thiện bản thân mình. Để thực hiện hoàn chỉnh một bài điều tra các bạn cũng sẽ cần phải có kỹ năng xử lý văn bản, xử lý chứng cứ, xác minh tính chính xác nữa.
Việc xác minh thông tin cũng là một việc vô cùng khó, đòi hỏi có những ứng xử khác nhau trong từng vụ việc cụ thể. Tôi đơn cử như bạn đang thực hiện điều tra về sai phạm của đơn vị A, liệu họ có vui vẻ hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho bạn để tiếp cận nguồn tin, hoặc gặp gỡ làm việc với họ không? Tôi khẳng định là không. Do đó, tùy tình huống cụ thể mà bạn phải sáng tạo ra cách tiếp cận cụ thể. Điều này sẽ có được khi bạn tiếp nhận được kinh nghiệm từ những người đi trước. Ví dụ: Khi tôi thực hiện bài điều tra về việc một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật, nhưng hơn 20 năm cơ quan thi hành án cố tình không thực hiện để trả lại tài sản là nhà, đất cho người thắng kiện. Nếu tôi đến đặt thẳng vấn đề làm việc về vụ việc đó, dứt khoát cơ quan thi hành án sẽ tìm cách từ chối hoặc tránh mặt. Tôi đã phải đăng kí với bộ phận văn thư của đơn vị này, với bản đề cương nội dung làm một chuyên đề về thi hành án, những khó khăn, thuận lợi, nỗ lực thực hiện và kết quả, thành tích của cơ quan thi hành án…
Có lẽ do nội dung bản đề cương hấp dẫn, nên lãnh đạo cơ quan thi hành án này rất vui vẻ sắp xếp cho tôi một cuộc làm việc, bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Suốt thời gian đó, ông trưởng cơ quan thi hành án say sưa báo cáo thành tích và trả lời những câu hỏi phụ của tôi. Phải xin nói thêm là trong khi đưa ra những câu hỏi phụ, tôi khéo léo “dắt” vào đó những câu hỏi liên quan đến nội dung vụ việc tôi đang thụ lí giải quyết, nên thu được nhiều câu trả lời làm căn cứ để tiến hành chất vấn cơ quan này về sau. Kết thúc buổi làm việc theo nội dung đề cương, tôi mới đặt vấn đề vào vụ việc chính mà mình đang quan tâm. Lúc này do sự bất ngờ, nên họ không kịp chuẩn bị để đối phó, vì vậy ông ta đã phải thừa nhận tất cả những sai phạm mà tôi đưa ra chất vấn… Kết quả này được tôi sử dụng kết hợp với các bằng chứng thu thập được, viết bài đăng báo và kết quả là gia đình đó đã được thi hành án trả lại nhà, đất sau hơn 20 năm ròng rã đi đòi đực thi hành án.
Nhà báo Phan Lợi: Anh có phải chịu nhiều áp lực khi thực hiện các bài điều tra không? Áp lực lớn nhất mà anh từng phải chịu là như thế nào?
Nhà báo Hoàng Linh: Rất áp lực, bài báo có độ rung, gây ấn càng mạnh thì áp lực sẽ càng lớn. Tôi chưa bị hành hung bao giờ, nhưng nhiều đồng nghiệp khác đã bị rồi, như những vụ việc nhà báo bị hành hung, thậm chí bị đốt chết mà các bạn đã biết. Riêng với tôi, những lời dọa nạt sẽ trả thù thì tôi đã nhận nhiều. Đó là một thứ áp lực vô hình nhưng rất khủng khiếp. Nếu các bạn không dũng cảm và mạnh mẽ thì có thể sẽ phải khuất phục trước những đe dọa đó.
Áp lực lớn nhất thì tôi khó mà trình bày cụ thể được vì mỗi sự việc lại đặt nhà báo làm công tác điều tra vào một loại áp lực khác nhau. Tôi chỉ xin nói đến một thứ áp lực thường xuyên và không hề nhẹ, đó là áp lực từ chính các cơ quan quản lí báo chí và các đơn vị có sai phạm bị nêu lên báo. Có những thời gian mà suốt cả tuần tôi phải ngồi để soạn thảo các công văn, văn bản giải trình gửi các cơ quan chức năng. Có không ít vụ việc cơ quan chức năng đưa mình vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu như mình ngại khó khăn, hoặc do điều kiện khách quan nào đó mà trở nên lười biếng thì hậu quả nhận được sẽ khôn lường.
Ví dụ: Vào 28 Tết năm kia, cả cơ quan đã nghỉ, tôi cũng đang ở nhà dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết, thì Tổng biên tập triệu tập khẩn cấp đến cơ quan, do có văn bản của Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu báo phải có văn bản giải trình trước ngày mồng 5 Tết. Tôi lập tức ngồi vào máy tính, soạn thảo văn bản giải trình, xin chữ ký của Tổng biên tập rồi trực tiếp mang văn bản giải trình lên Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Khi tôi đến nơi, cơ quan này đã niêm phong cửa nẻo nghỉ tết. Cả Cục chỉ còn ông bảo vệ trực nên tôi phải nhờ ông bảo vệ nhận công văn gửi lên, đồng thời ký xác nhận giúp tôi là đã nhận được văn bản này trước thời hạn mà Cục yêu cầu giải trình.
Sang đầu xuân năm mới, chúng tôi được Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử khen vì có văn bản giải trình kịp thời. Nếu không phản ứng nhanh như vậy, chắc chắn chúng tôi đã bị khiển trách vì không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Nhà báo Phan Lợi: Trong quá trình thực hiện các tuyến bài điều tra, anh có bị phản ứng không?
Nhà báo Hoàng Linh: Không chỉ phản ứng mà còn phản ứng dữ dội. Vụ ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch UBND Hà Giang là một ví dụ điển hình. Sau khi báo Người Cao tuổi đăng tải loạt bài về vụ việc này, trong lúc cơ quan chức năng còn chưa có kết luận gì thì Hà Giang đã tổ chức họp báo, có giấy mời nhưng không gửi cho Báo Người cao tuổi.
Chúng tôi nhận được thông tin qua một nguồn tin độc lập và tiến hành một cuộc điều tra nhỏ thì được biết cuộc họp báo đã lên danh sách mời nhiều báo, bao gồm cả báo Người Cao tuổi. Thư mời báo Người Cao tuổi đã được ký, đóng dấu, được vào sổ công văn đi, được mang đến bưu điện, được bưu cục Hà Giang vào sổ và xác nhận. Thế nhưng, ngay trước khi bưu điện chuyển thư đi thì ông Tô đã can thiệp để rút lại thư mời báo Người Cao tuổi.
Báo Người cao tuổi vẫn quyết định đi, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa và nhóm phóng viên bí mật lên Hà Giang và lẳng lặng vào hội trường cuộc họp báo. Hội trường cả nghìn người, chúng tôi vào không ai biết. Rất nhiều cơ quan ban ngành ở Hà Giang được yêu cầu phải có mặt để ông Tô có thể “đánh úp” báo Người Cao tuổi bằng các bài phát biểu đầy tính quy chụp. Tuy nhiên, những người tổ chức cuộc họp báo đấy không ngờ báo Người Cao tuổi không chỉ có phóng viên mà còn có Tổng biên tập báo đến dự. Sau khi nghe các bài phát biểu bịa đặt này, TBT Kim Quốc Hoa yêu cầu được lên phát biểu để phản biện những nội dung tính chất quy chụp của UBND tỉnh Hà Giang. Gần như ngay sau đó thì cuộc họp báo đã bị vỡ trận. Về sau, vụ việc đã diễn biến theo chiều hướng mà các bạn đã biết.
Một ví dụ nữa là khi chúng tôi làm vụ Trường bắn Đồi Doi, thuộc Trưỡng Sĩ quan lục quân I. Mà như các bạn đã biết, đây là cái nôi đào tạo nên nhiều tướng lĩnh của quân đội, nên thế lực của họ rất mạnh. Sau khi Báo Người cao tuổi đăng loạt bài về tiêu cực trong việc thực hiện Dự án xây dựng Trường bắn Đồng Doi, đặc biệt là việc họ đóng dấu mật, cất vào két sắt của đơn vị tấm bản đồ quy hoạch dự án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, rồi câu kết với huyện Ba Vì vẽ một tấm bản đồ khác, lấy lan ra toàn bộ đất hợp pháp của dân nằm sát dọc tuyến đường Láng Hòa Lạc kéo dài, đối diện với cổng chính khu du lịch Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chúng tôi nêu cả vụ cán bộ, chiến sĩ của trường sĩ quan này xô sát với dân, rồi xả súng bắn vào dân (rất may không có ai chết)…
Ngay sau đó, Trường Sĩ quan lục quân I tổ chức cuộc họp tại trường này, mời cả một số tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng dự, mời cả luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, khi đó là Trưởng đoàn luật sư thành phố Hà Nội tham dự. Trước một hội trường mấy chục tướng lĩnh ngồi, là áp lực tinh thần không hề nhỏ, thậm chí mở đầu cuộc họp, Tướng Ngùng (là Hiệu phó nhà trường) còn buông lời đe dọa: “Đã có một số báo đăng bài về việc này. Chúng tôi gọi TBT và tác giả đến, tôi nói, ông có muốn làm TBT nữa hay không, phóng viên có muốn làm phóng viên nữa hay không?… Sau đó các báo đó phải tự rút bài, có báo phải đăng cải chính, xin lỗi…”. Tuy nhiên, trước lời đe dọa đó, TBT Kim Quốc Hoa không hề tỏ ra nao núng. Đó chính là động lực, chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi và luật sư đưa ra những bằng chứng, lập luận vững chãi khẳng định họ đang làm trái pháp luật, với động cơ không trong sáng nhằm chiếm đoạt đất đai hợp pháp của nhân dân. Kết thúc cuộc họp, các bên nhất trí cùng làm văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. Và sự thật là cho đến nay trường bắn đã phải lùi sâu vào trong núi đúng như quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt và nhân dân vẫn giữ được đất để sinh sống, canh tác.
Nhà báo Phan Lợi: Thế còn việc mua chuộc và xin xỏ thì có thường xuyên không ạ? Tôi còn nghe có người kể là có người mang tiền đến thả vào nhà ông Kim Quốc Hoa.
Nhà báo Hoàng Linh: Trường hợp mang tiền đến để mua chuộc phóng viên và lãnh đạo các báo không phải là hy hữu, nhưng thực ra cũng không nhiều. Bởi vì khi đứng trước nguy cơ bị phanh phui việc xấu thì người ta sẽ tìm cách mua chuộc. Thế nhưng, trước khi mua chuộc thì người ta cũng phải tìm hiểu xem đối tượng mình định mua chuộc là thế nào? Muốn mua chuộc thì phải mua chuộc bằng cách nào? Tiền không phải là biện pháp duy nhất? Liệu mua chuộc có thành công không? Nếu không thành công thì hậu quả thế nào? Riêng đối với Báo Người cao tuổi và phóng viên Báo Người cao tuổi thì tôi khẳng định là khó mua chuộc.
Vụ việc mà anh Phan Lợi vừa nhắc đến là vụ anh Lê Tự bị nhóm cán bộ sai phạm của trường đại học Kinh tế Quốc dân lợi dụng nhờ mang phong bì đến nhà TBT Kim Quốc Hoa. Việc đem phong bì đến nhà TBT Kim Quốc Hoa thực chất không phải nhằm mua chuộc, mà là nhằm giăng bẫy để ngăn chặn Báo Người cao tuổi tiếp tục thực hiện loạt bài điều tra về các sai phạm ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi đã cố gắng can ngăn ngay khi biết anh Tự có ý định này. Tuy nhiên, anh ấy vẫn quyết tâm làm. Ngay khi phát hiện có việc thả trộm phong bì vào nhà, TBT đã tìm cách mời anh Tự và nhóm người ở Trường Kinh tế Quốc dân đến báo để làm rõ. Tại đây, anh Tự đã nhận ra sai lầm, còn nhóm người của Kinh tế Quốc dân thì chối bay chối biến. Sau đó, lãnh đạo báo Người Cao tuổi yêu cầu tôi phải thực hiện một tuyến bài điều tra để làm rõ xem ai chủ mưu làm việc đó, ai chỉ đạo và đưa tiền cho anh Tự làm.
Đây không chỉ là một vụ điều tra thông thường vì anh Lê Tự là một người anh vô cùng thân thiết của tôi. Tôi cảm thấy cực kỳ đau xót khi phải làm rõ vụ việc. Đây là một sự lựa chọn khó khăn và hết sức nghiệt ngã mà tôi buộc lòng phải chọn để phanh phui những tiêu cực liên quan đến không chỉ trường ĐH Kinh tế Quốc dân mà còn liên quan đến cả ông Đinh Đức Lập, lúc bấy giờ đang là TBT báo Đại Đoàn Kết. Ông Lập đã câu kết với nhóm người tiêu cực ở Kinh tế Quốc dân và chỉ đạo anh Tự làm việc này, anh Tự cũng chỉ là nạn nhân của việc làm sai trái của ông Lập. Nhưng dù sao tôi cũng là người phải hi sinh lớn nhất, đó là hi sinh tình cảm an hem cho một mục đích cao cả hơn. Nhân đây tôi cũng nói luôn là vụ ông Đinh Đức Lập gian dối nhận giải báo chí quốc gia chỉ là giọt nước tràn ly chứ không phải lý do duy nhất khiến ông ấy bị điều chuyển khỏi chức vụ Tổng biên tập báo Đại đoàn kết.
Nhà báo Đăng Bằng: Mỗi bài báo phanh phui tiêu cực có thể là một viên đá tảng ném vào mặt hồ yên ả. Nó sẽ tạo ra sóng ngầm, sóng trên mặt nước và những đợt sóng mà có thể phải rất lâu sau bạn mới biết là nó đã xuất hiện.
Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là nếu đã quyết định thực hiện một bài điều tra thì tuyệt đối không nhận tiền, dù đó là “tiền uống nước”, “tiền xăng xe” hay bất kỳ lý do nào khác. Bởi vì nếu đã nhận tiền thì tâm của anh sẽ bị xao động khi xử lý thông tin. Lẽ ra phải theo đuổi các chứng cứ rõ ràng thì anh sẽ lại bẻ ngòi bút theo hướng mà người đưa tiền đã “ngỏ lời” với anh.
Các bạn nhà báo cần nhớ rằng, nếu các bạn là một nhà báo điều tra trong sạch, các bạn có thể làm được những điều mà người có quyền chức to cũng chưa chắc đã làm được. Đó là việc thanh minh cho những người bị oan, bóc trần những sai trái của những kẻ tham ô tham nhũng hay làm chính đội ngũ báo chí trở nên trong sạch hơn.
Hỏi:
Phương Chi – Đại sứ quán Anh: Vụ ông Đinh Đức Lập cho thấy làng báo cũng có sự đấu tranh nội bộ để giúp môi trường báo chí trở nên trong sạch hơn. Câu hỏi của em là: Liệu tình trạng “tự thanh lọc” thế này có tiếp diễn không? Hay đây chỉ là một đốm lửa hiếm hoi.
Nhà báo Đăng Bằng: Thực ra chúng ta đang cùng ngồi trên một con thuyền. Nếu các bạn không chấp nhận sống hèn thì các bạn phải có hành động thiết thực. Môi trường báo chí bao giờ cũng là một môi trường phức tạp. Sáng nay tôi đã phát biểu trước Ban Tuyên giáo TƯ rằng các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí phải giữ lửa đấu tranh trong chính nội bộ làng báo, cho những người làm việc trong ngành báo. Nhiều khi các cơ quan báo chí bị chăm chăm xử lý những lỗi nhỏ nhưng khi làm được những việc lớn lại không được đề cao.
Tôi nhớ có một câu nói đại ý thế này: “Xã hội này trở nên nguy hiểm không phải vì những người xấu mà nguy hiểm vì có những người tốt nhưng không dám đấu tranh chống cái xấu”.
Nhà báo Hoàng Linh: Bạn hỏi những sự việc tương tự liệu có tiếp tục diễn ra hay không? Sự tự thanh lọc trong làng báo có trở thành xu thế hay không? Câu này rất hay. Tôi thấy ngay việc cộng đồng diễn đàn nhà báo trẻ bình chọn cho bài báo về ông Đinh Đức Lập gian dối nhận giải báo chí quốc gia đã là câu trả lời xác đáng nhất. Rõ ràng đó là minh chứng cho quan điểm, nhận thức của các nhà báo trẻ. Các bạn là đội ngũ kế cận, trong số ngồi đây biết đâu cũng có người sẽ trở thành TBT, PTBT hoặc lãnh đạo trong cơ quan báo chí. Tôi chỉ muốn nói, điều đó phụ thuộc vào chính các nhà báo trẻ, các lãnh đạo trẻ của các thế hệ báo chí trong tương lai…
Nguồn tin:Theo Khuyên Club