Kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa: Tại sao không?
Câu hỏi này, đã từng đặt ra với rất nhiều người quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Thực tế, Công pháp Quốc tế khác với Tư pháp. Do đó, để vụ kiện được thụ lý, chúng ta phải cân nhắc kiện nội dung gì? Kiện như thế nào?
Tiếp tục mạch bài viết về vấn đề “giải pháp nào bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”, chúng tôi tiếp tục có cuộc phỏng vấn TS Trần Công Trục xung quanh vấn đề khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.
Một số chuyên gia, học giả cho rằng chúng ta có thể kiện Trung Quốc trong việc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Sự kiện này đã xảy ra 40 năm rồi mà thời hiệu khởi kiện 50 năm. Theo ông, trước hành động lấn lướt, xâm chiếm ngang ngược quá đáng của Trung Quốc thì đây có phải là thời điểm kiện Trung Quốc hay không?
Chúng ta có thể hoàn toàn khởi kiện việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng chủ quyền của chúng ta, vì chúng ta là quốc gia độc lập có chủ quyền, vì hành động này vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Chúng ta có thể đơn phương kiện Trung Quốc về hành vi dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ ,chứ không phải kiện về quyền thụ đắc lãnh thổ.
Vì vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm chúng ta có thể đơn phương kiện Trung Quốc với 2 nội dung: Giải thích và áp dụng sai Công ước Luật Biển 1982 và hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Vậy còn thời hiệu 50 năm thì sao thưa ông?
Theo tôi, có lẽ chưa hoàn toàn đúng như vậy. Bởi vì, mặc dù quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn từ năm 1974 trở về trước. Nhưng, Việt Nam luôn luôn phản đối bất kỳ mọi hành vi nào xâm phạm chủ quyền của Việt Nam xảy ra ở quần đảo này. Chưa bao giờ, Việt Nam rời xa chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù về mặt yếu tố vật chất đang bị TQ xâm chiếm. Do đó, không phải việc đưa ra tòa mới thể hiện ý chí của Việt Nam.
Việc phản đối Trung Quốc bằng văn bản, bằng phát ngôn viên Bộ ngoại giao cũng là kéo dài thời hiệu khởi kiện đúng không, thưa ông?
Trong thời gian qua Nhà nước Việt Nam đã làm thể hiện ý chí chủ quyền. Không thể nói rằng trong 40 năm qua chúng ta mặc nhiên để yên việc này. Chúng ta vẫn luôn khẳng định điều này, tiếng nói của mình lưu chiểu là thể hiện Việt Nam vẫn đòi chủ quyền. Việt Nam không chấp nhận bất cứ hành động sai trái nào của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, tôi nhắc lại, hiện nay đang là thời cơ để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Thời cơ để chúng ta thể hiện quan điểm của chúng ta đối với hành động phi pháp của Trung Quốc, và cũng chính là hành động cần thiết, quan trọng để bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
Một lo lắng khác cũng được nhắc tới, nếu chúng ta kiện Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ dùng kinh tế để trả đũa ta, theo ông khó khăn này sẽ như thế nào?
Đúng là trong thực tế chúng ta đang thấy, khi Philippines kiện, ngoài việc TQ quay lưng lại không tham gia sự kiện với nhiều lý do ngoài ra họ cũng dùng nhiều biện pháp, nhiều sức ép để Philippines rút đơn kiện. Bây giờ họ đã đưa 4.000 trang tài liệu đến Hội đồng Tòa án về Luật biển và họ quyết tâm đến cùng. Thì tôi nghĩ đấy là một hình ảnh mà chúng ta đã suy nghĩ lại.
Trước đây, Trung Quốc cũng nói bóng gió cho rằng Philippines không nên kiện mà đây là việc phải giải quyết 2 bên không cần đưa vấn đề phức tạp để nước khác can thiệp vào.
Đây cũng là việc chúng ta phải cân nhắc và chuẩn bị tài liệu. Chúng ta cũng phải chuẩn bị tình huống nếu kiện thì Trung Quốc sẽ gây sức ép với chúng ta như thế nào. Nhưng so với những gì đất nước chúng ta đã từng trải qua và so với mục tiêu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cần dùng mọi biện pháp để ngăn cản những bước đi nguy hiểm ảnh hưởng đến hòa bình ổn định của quốc gia và các nước khác trong khu vực thì cái gì có lợi hơn?
Việc Trung Quốc đã từng gây sức ép về kinh tế chính trị cho chúng ta trong lịch sử chúng ta vẫn vượt qua, đó cũng không phải là lần đầu, chúng ta sống trong thế giới có gắn kết với nhau không còn biệt lập như trước đây nữa chúng ta đều có thể vận dụng hết tất cả sự đoàn kết sức mạnh sự ủng hộ của cộng đồng để chống lại sự vô lý của kẻ mạnh, cường quyền áp đặt cho các quốc gia nhỏ.
Đúng là do hoàn cảnh địa lý, địa- kinh tế, địa- chính trị, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam có nhiều ảnh hưởng và chịu những tác động nhiều chiều, có cả tích cực lẫn tiêu cực. Chẳng hạn, phải chịu những tác động tiêu cực trong giao dịch thương mại không chính ngạch qua biên giới, thâm chí môi trường đầu tư tại Việt Nam có khi bị đầu độc bởi những gây hấn, tranh chấp biển đảo do TQ cố tình gây ra để phục vụ cho mục tiêu chiến lược của mình, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 mà TQ đang tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một minh chứng.
Nhưng, nền kinh tế Việt Nam không vì thế mà bị lệ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế của Trung Quốc. Bởi vì, Việt Nam đã trở thành viên của WTO, là thành viên của cộng đồng ASEAN, là đối tác, bạn hàng tin cậy của nhiều nền kinh tế quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó phải kể đến đối tác Nhật, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan,…
Vì vậy, Việt Nam nhất định đã và sẽ nhận được sự hợp tác , ủng hộ giúp đỡ vô tư, tích cực, hiệu quả của mọi quốc gia, tổ chức khác. Tất nhiên, trước hết Việt Nam phải tiếp tục nổ lực cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cởi mở hơn, an toàn hơn… cho dù tình hình có những diễn biến phức tạp như các bạn đã được chứng kiến trong thời gian qua.
Không chỉ có vậy, nhiều học giả cho rằng hiện nay chúng ta đang duy trì quan điểm trung lập, không là đồng minh của nước lớn nào sẽ có những khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có quá nhiều bài học liên minh mà vẫn bị cường quốc mặc cả trên lưng. Ý kiến của ông thế nào, thưa ông?
Có rất nhiều ý kiến, có ý cho rằng trong bối cảnh hiện này cho rằng phải liên minh liên kết với một thế lực lớn nào đấy để ngăn cản sự phát triển của TQ. Thực ra, tôi không bác bỏ hay phê phán điều này, vì trong thực tiễn cũng đã có những ứng xử trong khu vực như vậy.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi cho rằng, chúng ta đối phó ngăn cản tất tả các hành vi này là phải tự lực tự cường, dùng sức mạnh đoàn kết của dân tộc, người Việt Nam trong toàn thế giới, huy động sự ủng hộ của các quốc gia khác giúp sức chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải.
Điều này thể hiện từ trước đến nay trong cuộc kháng chiến gian truân có những lúc tình hình ngàn cân treo sợi tóc mà chúng ta vẫn vượt qua. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ chủ trương mà Đảng và Nhà nước đang tiến hành, nó phù hợp với quy luật trong cuộc sống, không nên ngả về bên này để chống lại bên kia; đó cũng là bài học lịch sử, nếu chúng ta dựa vào nước khác thì họ phải được cái gì, rồi cũng đến một lúc nào đó họ sẽ hy sinh chúng ta vì lợi ích của họ….
Như chúng ta đã biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam từ trước đến nay là không thay đổi, rằng Việt Nam mong muốn mãi mãi là bạn đáng tin cậy, chân thành, có trách nhiệm của mọi quốc gia, dân tộc và vì thế mà Việt Nam không có chủ trương liên minh, liên kết với nước này để chống lại nước khác, nghiêng hẵn về phe này để chống lại phe khác… mọi quan hệ ngoại giao dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng xuất phát từ động cơ không chỉ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc mình mà còn vì nền hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của công đồng khu vực và quốc tế; coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị trí của các nước lớn, nhất là các nước láng giềng, đã và đang hành động có trách nhiệm trước vận mệnh của nhân loại, bảo vệ công lý và đạo lý…
Vì vậy, theo tôi, Việt Nam kiên quyết chống lại mọi hành vi phi công lý và đạo lý dù chúng xuất phát từ đâu và từ ai. Đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác và hoan nghênh bất kỳ quốc gia dân tộc nào có thiện chí, cùng chung sức chung lòng với Việt Nam để đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức; chống lại mọi hành động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia dân tộc khác…
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên (thực hiện)
Nguồn tin:Theo Infonet