Vụ án Nguyễn Thị Thanh Thúy và đồng bọn “tham ô tài sản”: Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra xét xử lại, một phiên tòa công minh

Thẩm phán, Chủ tọa Bùi Huy Tiến đưa ra dẫn chứng trong bút lục, buộc bị cáo và luật sư bào chữa của Báo phải tâm phục, khẩu phục. Một phiên tòa công minh, Chủ tọa là người công tâm, giữ cán cân công lí…

 

Thẩm phán, Chủ tọa Bùi Huy Tiến đưa ra dẫn chứng trong bút lục, buộc bị cáo và luật sư bào chữa của Báo phải tâm phục, khẩu phục. Một phiên tòa công minh, Chủ tọa là người công tâm, giữ cán cân công lí…

 Chủ tọa tòa sơ thẩm  vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Trước ngày kỉ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 20/6/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai vụ án Nguyễn Thị Thanh Thúy và đồng bọn “tham ô tài sản” tại Báo Người cao tuổi xảy ra từ trước năm 2007 bị Viện KSND Tối cao truy tố tội danh “Tham ô tài sản”. Đây là 1/15 vụ án trọng điểm của cả nước về tội phạm tham nhũng khởi tố năm 2008 và là vụ án kéo dài nhất trong số 15 vụ án đó.

Qua phiên tòa sơ thẩm ngày cuối năm 27 tết (năm Quý Tỵ), Thẩm phán Nguyễn Văn Cương TAND thành phố Hà Nội, bất chấp pháp luật, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, hạn chế quyền tranh tụng của nguyên đơn, để luật sư bào chữa cho bị cáo và bị cáo độc diễn trước tòa với những lời xét hỏi “mớm cung”,  “độc diễn giết giờ”, để rồi “Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tuyên Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Hoàng Ngân “không có tội”, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, uy tín, danh dự của TW Hội NCT Việt Nam và Báo Người cao tuổi (nguyên đơn dân sự)

Tòa phúc thẩm xử theo công lí

Để giúp phiên tòa phúc thẩm có thêm những căn cứ, chứng lí, theo pháp luật, trước ngày tòa xét xử, Báo Người cao tuổi công bố những tài liệu can thiệp giúp bị cáo Thúy thoát tội và chuẩn bị nhiều chứng cứ để viện dẫn. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND Tối cao và Báo Người cao tuổi vẫn giữ nguyên kháng nghị và kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm.

Trong suốt thời gian diễn ra xét xử, ông Thẩm phán Bùi Huy Tiến, Chủ tọa phiên tòa “cầm cân, nẩy mực” xét xử công minh, một phiên tòa xử có lí, có tình, tâm phục, khẩu phục. Những lời Chủ tọa chất vấn bị cáo theo bút lục điều tra không hề có ở phiên tòa sơ thẩm. Hẳn là Hội đồng xét phiên phúc thẩm gồm các thẩm phán cùng vị đại diện VKSND Tối cao, đúng là người của pháp luật, của tòa tối cao, bị cáo không thể “trông cậy” như từng trông cậy ông Thẩm phán Nguyễn Văn Cương ở tòa sơ thẩm.

Loanh quanh chối tội, bị cáo đổ lỗi công an ép cung?

Có 3 nội dung cả bị cáo và luật sư của họ đổi lỗi, không nhận tội. Bị cáo khai, Báo tổ chức thu giữ niêm phong và mở niêm phong không có sự tham gia chứng kiến của bị cáo, dẫn đến để mất hơn 470 chứng từ. Vì thế không thể nói việc rút 352 triệu đồng từ tài khoản của Báo là không có chứng từ kèm theo.

Chủ tọa đưa ra các bút lục có chữ kí của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thuý tại buổi niêm phong 23 bó tài liệu và biên bản mở niêm phong. Bị cáo chối không nhớ các biên bản có chữ kí của mình vì lâu quá rồi.

Chủ tọa chỉ rõ: “Việc niêm phong tài liệu và mở niêm phong, đều có chứng kiến của bị cáo, việc thiếu chứng từ trong các phiếu chi là biên bản hiện trạng, không có cơ sở để kết luận Đoàn công tác của TW Hội NCT để thất lạc”.

Việc bị cáo luôn có những lời khai bất nhất về khoản chi 352 triệu đồng kèm theo phiếu chi và các chứng từ có liên quan, bị cáo luôn trả lời là không nhớ. Số lần trả lời không nhớ quá nhiều trong phiên tòa phúc thẩm, khiến người dự tòa có cảm giác “đầu óc bị cáo có vấn đề”. Bị cáo khai cán bộ điều tra ép cung, phải khai nhận vậy, để được ra tại ngoại. Trong khi rất nhiều bút lục trước khi bị bắt do bị cáo tự khai và sau khi được tại ngoại Thúy đều thừa nhận sai phạm, lúc này ai ép cung?

Cùng luật sư biện hộ, bị cáo cho rằng 12 năm, đến khi bị cáo bị bắt, Báo Người cao tuổi hạch toán thua lỗ, nên không thể có tiền của Báo để bị cáo tham ô, đây là tiền của Thúy ứng ra cho Báo vay, giờ lấy lại. Đại diện Viện KSND Tối cao chất vấn bị cáo, làm Kế toán trưởng có quy định nào cho phép rút tiền mặt từ tài khoản của cơ quan giao cho kế toán giữ? Bị cáo chối “tôi không giữ tiền mặt của cơ quan, đây là tiền của tôi”, nhưng vẫn phải thừa nhận, đã nhận khoản tiền Nguyễn Thị Hoàng Ngân, rút từ ngân hàng về giao cho. Nguyễn Thị Thanh Thúy có thể quên các chứng từ, bút lục, lời khai, nhưng tiền của mình cho Báo vay thì phải nhớ vay bao nhiêu lần, tổng số bao nhiêu tiền? Có giấy cho vay hay không? Có phiếu nhập tiền vay của bị cáo vào tài khoản của Báo không? Bị cáo im lặng không thể trả lời được chất vấn của đại diện Báo Người cao tuổi. Chuyện này chẳng khác gì bị cáo thọc tay vào túi mình trong bóng tối, cho Báo vay tiền không ai biết, để bây giờ đường hoàng rút tài khoản của Báo, đòi trả lại 352 triệu đồng. Là tiền của mình cho vay, thì cứ giấy cho vay công khai mà đòi, việc gì phải hợp lí hóa là khoản tiền chi nhà in và mua ấn phẩm trả cho ông Trường, ông Hữu. Dù có chữ kí của hai ông này trong phiếu nhận tiền, nhưng Cơ quan Điều tra xác minh, không phải là chữ kí của họ và họ xác nhận không nhận khoản tiền này. Trong thực tế, bị cáo khai có nhờ người giả mạo chữ kí của người khác (để chiếm đoạt tài sản), theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Việc mượn tài khoản của bà Thủy (chị gái bị cáo Ngân), để rút 40 triệu đồng, gọi là hưởng 10% quảng cáo cũng là làm càn. Nếu Thúy có quảng cáo, thì đương nhiên theo quy định đoàng hoàng mà lấy tiền, nhưng không có hợp đồng, không có chứng từ, lại đòi rút tiền quảng cáo là phi lí.

Suốt 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo luôn vin vào quỹ chăm lo đời sống của Báo, phải vay 175 triệu đồng của cán bộ, phóng viên tòa soạn, nay chưa có trả, Thúy phải ứng tiền của mình trả cho mọi người. Theo các phiếu chi, thì đến tháng 1/2004, Báo đã trả hết cả gốc lẫn lãi cho các thành viên cho vay. Không chối cãi được sự thực, bị cáo khai bừa, phiếu chi có chữ kí của người nhận tiền (bút lục 1689) thực tế chưa có tiền trả. Quỹ chăm lo đời sống của Báo kết thúc từ tháng 1/2004, nhưng bị cáo vẫn xảo biện cho rằng quỹ này tồn tại, để nhập nhằng trong phiếu chi số 213 ngày 5/3/2014, phiếu chi 119 ngày 31/5/2005, lệnh chi 31/1/2007 và lệnh chi ngày 12/3/2007 (tổng số tiền 352  triệu đồng). Liên quan đến ông Phùng Thanh Sơn và ông Trần Đức, được miễn trách nhiệm hình sự, tại sao bị cáo lại không được miễn? Chủ tọa tuyên rõ ràng, hai ông được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tuổi cao sức yếu, chứ không phải không có tội.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa bị cáo Thúy kể công 12 năm gây dựng cơ đồ của Báo, để lại cơ ngơi cho Trung ương Hội NCT… có điều bị cáo quên không nói trong dự án 6,8 tỉ đồng nâng cấp cải tạo trụ sở Báo Người cao tuổi (bị rút ruột rất lớn), hai người bị khởi tố tù giam, rồi theo kết luận điều tra Thuý và đồng bọn làm thất thoát hơn 5,62 đồng tỉ đồng thì Thúy tính sao?

Thúy không “dính” nhưng khoản nợ hơn 1,5 tỉ đồng do Thúy và Ban lãnh đạo cũ của Báo Người cao tuổi để lại, thì Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa và cán bộ, phóng viên mới về phải gánh hậu quả. Không cần phải 12 năm gánh vác công nợ của Báo, như bị cáo kể công, chỉ cần liêm chính trong quản lí tài chính, 7 năm qua vực dậy từ con số không, giờ đây Báo Người cao tuổi năm nào cũng tăng trưởng có lãi, trở thành tờ Báo có uy tín trong làng báo Việt Nam.

Sự công tâm phán xử theo đúng pháp luật của Thẩm phán Bùi Huy Tiến,  buộc luật sư bào chữa của bị cáo cũng phải đề nghị tòa trả lại hồ sơ cho Cơ quan Điều tra. Đại diện Viện KSND Tối cao, nguyên đơn dân sự (Báo Người cao tuổi), đề nghị Tòa hủy án sơ thẩm, điều tra làm rõ bị cáo có bị điều tra viên ép cung hay Thúy vu cáo cho Cơ quan Điều tra và những tình tiết mới  xung quanh vụ án.

12 giờ 30 ngày 20/6/2014,  Thẩm phán Bùi Huy Tiến thay mặt Hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm “Nguyễn Thị Thanh Thúy và đồng bọn không phạm tội tham ô” nay trả lại hồ sơ cho Cơ quan Điều tra và xét xử lại.

Đây là phiên tòa công lí của những người đấu tranh chống tham nhũng đã chiến thắng, còn những người vi phạm tố tụng xử oan sai, bảo kê cho tham nhũng chẳng lẽ được vô can?

Nghiêm Thị Hằng

Hệ lụy rất nghiêm trọng với cơ quan tố tụng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, với TW Hội NCT và Báo Người cao tuổi nếu tòa phúc thẩm y án sơ thẩm…

Bản án sơ thẩm hình sự số 56//2014 tuyên ngày 27/1/2014 của HĐXX sơ thẩm TAND thành phố Hà Nội, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy và đồng bọn không phạm tội tham ô tài sản là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trái với những tình tiết khách quan của vụ án. Nhưng nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm  không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội, bác đơn kháng cáo của Báo Người cao tuổi thì bản án phúc thẩm tuyên xong có hiệu lực ngay, bị cáo Thúy và đồng phạm không phạm tội (vô tội), các bị cáo sẽ có quyền yêu cầu  các cơ quan tố tụng phải xin lỗi công khai phục hồi danh dự, nhân phẩm cho Thúy và đồng bọn. Thúy có quyền đòi bồi thường theo Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước và Nghị quyết 388. Đặc biệt với TW Hội NCT Việt Nam phải khôi phục chức danh và công việc như trước khi bị cáo bị khởi tố, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử. Thúy có quyền yêu cầu cơ quan này phải bồi thường tiền lương và các chế độ khác…”.

Luật sư Hoàng Tùng

(Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội)