Về việc khởi tố vụ án hình sự ở Báo điện tử Pháp luật và xã hội: Luật sư Hoàng Tùng: Cơ quan An ninh Điều tra nên đình chỉ vụ án

Ngày 5/6/2014, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” xảy ra tại Báo điện tử Pháp luật và Xã hội, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận, nhiều nhà báo băn khoăn về tính pháp lí liên quan đến quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra. Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa đưa ra nhận định về vụ việc này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi, cho rằng vụ việc đang bị hình sự hóa…

 

PV: Được biết, luật sư cũng theo dõi diễn biến vụ việc này. Với tư cách luật sư, ông đánh giá như thế nào?

LS Hoàng Tùng: – Tôi có theo dõi bài viết của tác giả Minh Thắng mang tựa đề “Luật sư “tố” doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu bầu Kiên”, đăng trên Báo điện tử Pháp luật và Xã hội ngày 2/6/2014. Đây là bài báo tác giả phản ánh lời của các Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Hoàng Đôn Hùng cho rằng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu ở những doanh nghiệp khác. Việc góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu không phải là ngành nghề kinh doanh, mà là quyền của doanh nghiệp, không cần và cũng không thể đăng kí kinh doanh. Trong số đó có cả doanh nghiệp của Bộ Công an. Đồng thời các luật sư cũng tỏ ra băn khoăn, cần có lời giải thích thỏa đáng từ các cơ quan chức năng…

Tôi cho rằng, đây chỉ là một bài tường thuật của phóng viên, ghi lại những ý kiến của luật sư, chứ không phải là bài điều tra trực tiếp. Do đó, việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án này để điều tra, có điều bất ổn. Theo trình tự xử lí vụ án có dấu hiệu hình sự, sau khi nhận được đơn tố giác, Cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh ban đầu, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm hình sự mới ra quyết định khởi tố vụ án. Trong vụ việc này, ngày 2/6 báo đăng bài, ngày 4/6 Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL) có công văn gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, ngày 5/6 cơ quan này ra quyết định khởi tố vụ án. Như vậy liệu có quá vội vàng?

PV: Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra xác minh ban đầu thấy có dấu hiệu tội phạm theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, nên mới ra quyết định khởi tố?

LS Hoàng Tùng: – Tôi không tin chỉ trong một ngày mà đã xác minh được đầy đủ dấu hiệu tội phạm. Mặt khác, đây là một bài báo, được phát hành bởi một cơ quan báo chí có tư cách pháp nhân, nên việc khởi tố vụ án hình sự theo Điều 258 Bộ luật Hình sự là không ổn.

PV: Luật sư có thể nói rõ hơn?

LS Hoàng Tùng: – Thứ nhất, tội danh ghi trong Điều 258 Bộ luật Hình sự có yếu tố “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, trong đó có cả “tự do báo chí, tự do ngôn luận”. Nhưng ở đây phóng viên thực hiện bài báo là thực hiện nhiệm vụ do Ban lãnh đạo báo giao cho; cơ quan báo đăng tải bài báo là thực hiện quyền, trách nhiệm của báo chí, được xác lập, bảo hộ bởi Luật Báo chí và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Chương II Luật Báo chí năm 1990 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tại Điều 4 quy định, công dân có quyền thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo… góp ý kiến, phê bình, kiến nghị… Khoản 1, Điều 5 quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân…”. Như vậy, không có yếu tố “lợi dụng”.

PV: Nhưng ở đây, doanh nghiệp của Bộ Công an (GTEL) đang tố giác bài báo viết sai sự thật, làm người khác hiểu sai, giảm uy tín của họ. Luật sư cho biết ý kiến rõ hơn về việc này?

LS Hoàng Tùng: – Ở đây cứ đặt vấn đề là bài báo viết sai sự thật. Vậy cái “sai sự thật” ấy bắt nguồn từ đâu? Đây chỉ là bài tường thuật của phóng viên, ghi lại những ý kiến của luật sư. Do đó, nếu sai sự thật thì phải tính đến nguồn cung cấp thông tin là các luật sư. Hơn nữa, Luật Báo chí quy định rất rõ về cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí và nhà báo; đăng tải lời phát biểu của tổ chức, công dân… Như vậy, quy trình đúng sẽ phải là: GTEL gửi công văn cho Báo Pháp luật và Xã hội yêu cầu cải chính, xin lỗi hoặc gửi “lời phát biểu” bằng văn bản yêu cầu báo đăng tải; nếu báo không có động thái phản hồi sau  thời gian luật định, GTEL tiếp tục gửi công văn lần 2; báo tiếp tục không phản hồi, GTEL gửi công văn lần 3, đồng thời gửi các cơ quan quản lí báo chí và cơ quan chủ quản. Cuối cùng, qua ngần ấy bước mà không được giải quyết thỏa đáng, thì GTEL có quyền khởi kiện ra tòa, yêu cầu giải quyết theo Bộ luật Dân sự.

Đây là những quy định rất rõ, cụ thể tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ. Khoản 1, Điều 9 quy định: “Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó”. Khoản 2 ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân… Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả”. Khoản 4: “Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật này, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lí nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án”.

Tại Chương III Nghị định số 51/2002/NĐ-CP, Điều 4 hướng dẫn chi tiết về thời gian đăng, phát sóng nội dung cải chính, xin lỗi và lời phát biểu của tổ chức, công dân như sau: “Thời điểm đăng, phát được tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận: Năm (5) ngày đối với báo ngày, đài Phát thanh, đài Truyền hình…”. Như vậy, khớp nối với sự kiện cho thấy, phía doanh nghiệp của Bộ Công an (GTEL) chưa thực hiện các trình tự quy định tại Luật Báo chí, đối với bài báo đã đăng tải, mà họ cho rằng sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, nhưng đã vội vã gửi công văn tố giác đến Cơ quan điều tra, là trái quy định của pháp luật về báo chí. Việc chỉ sau một ngày, kể từ khi nhận được thông tin tố giác, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, là việc xưa nay chưa từng xảy ra, có dấu hiệu hình sự hóa một quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí.

PV: Với tư cách một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, luật sư có kiến nghị gì về vụ việc này?

LS Hoàng Tùng: – Tôi cho rằng, việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực hoạt động báo chí. Hơn nữa, gây tâm lí bất ổn trong các phóng viên, nhà báo, những người đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, của xã hội. Không khéo từ vụ việc này sẽ trở thành tiền lệ không tốt, dẫn tới việc bất cứ tờ báo nào, phóng viên nào cũng có nguy cơ bị khởi tố, điều tra bởi Điều 258 Bộ luật Hình sự. Theo tôi, Cơ quan An ninh điều tra nên đình chỉ vụ án, hướng dẫn GTEL thực hiện các quyền của mình theo Luật Báo chí và Bộ luật Dân sự.

PV: Trân trọng cảm ơn luật sư!

Hoàng Phúc Thịnh (Thực hiện)